Thứ Hai, 25/04/2022, 18:02 (GMT+7)
.

ĐBSCL phải "đứng dậy" làm chủ và "vươn lên" mạnh mẽ

(ABO) Đây có lẽ là thông điệp rõ ràng nhất được đề cập trong Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và vừa được triển khai thực hiện.

Mục tiêu rõ ràng nhất được đề cập trong Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị, được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong bài phát biểu triển khai Nghị quyết 13, là để tạo ra một bước đột phá mới trong việc phát huy vai trò, vị trí quan trọng đặc biệt và khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế phát triển to lớn của Vùng trong giai đoạn mới.

Bởi, ai cũng biết rằng vùng ĐBSCL thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là một trong 6 Vùng kinh tế - xã hội của cả nước, bao gồm 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển; là một trong những đồng bằng lớn nhất, phì nhiêu nhất ở Đông Nam Á và thế giới; là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước; đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, gần 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và gần 70% các loại trái cây của cả nước.

a
ĐBSCL là vùng đất trù phú. Ảnh: PHƯƠNG NAM.

Chưa kể, ĐBSCL là khu vực có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt và nhiều vườn cây, rừng cây rộng lớn, với 4 khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn tự nhiên được công nhận là khu Ramsar của thế giới (đó là những vùng đất ngập nước có tầm quan trọng thế giới, đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chí được quy định trong Công ước, ký năm 1971 tại thành phố Ramsar - Iran, bao gồm: Vườn quốc gia Tràm Chim - Đồng Tháp; Vườn quốc gia Mũi Cà Mau; Vườn quốc gia U Minh Thượng - Kiên Giang; và Láng Sen - Long An). Đồng thời, trong vùng cũng có nhiều tiềm năng về dầu khí và năng lượng tái tạo, như: Năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng thủy triều…

Nhìn từ thực tiễn vừa qua mới thấy, dù chiếm giữ vị thế rất quan trọng, nhưng thực tiễn vừa qua cho thấy ĐBSCL vẫn còn nhiều gam màu tối, nhất là trước thực trạng biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng và nhiều tác động khác làm cho ĐBSCL đứng trước thách thức không nhỏ như: Thiên tai, ngập mặn, sạt lở ở bờ sông đang ngày càng ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông, lâm, thủy sản cũng như ảnh hưởng đến phát triển ổn định, bền vững về kinh tế - xã hội và môi trường, đe dọa trực tiếp đến sinh kế, sản xuất, đời sống của người dân ĐBSCL.

Vùng ĐBSCL cũng đang và sẽ chịu các tác động của quá trình phát triển nội tại, của BĐKH và các hoạt động của khu vực thượng nguồn. Những ưu thế về tự nhiên cho phát triển và đảm bảo cho sinh kế của người dân trước đây và hiện nay sẽ thay đổi, làm thay đổi căn bản mô hình sản xuất, tập quán sinh hoạt của người dân trong vùng.

Theo kết quả nghiên cứu của Bộ Khoa học và Công nghệ, ĐBSCL là một trong 4 đồng bằng bị tổn thương mạnh nhất do BĐKH, nước biển dâng. ĐBSCL đang chịu tác động kép do BĐKH, nước biển dâng, khí hậu cực đoan, khai thác và sử dụng nước ở thượng nguồn sông Mêkông và các hoạt động nhân sinh khác. Nguồn lợi thủy sản và nguồn nước ngọt cũng có xu hướng giảm; các tai biến liên quan và thách thức từ phía biển đối với ĐBSCL lại có xu hướng tăng.

a
ĐBSCL hiện còn nhiều thách thức trong quá trình phát triển. Ảnh: PHƯƠNG NAM.

Còn theo đánh giá của các chuyên gia, BĐKH là thách thức lớn, dù nỗ lực thích ứng của Trung ương, địa phương đã tăng, nhưng ở quy mô nhỏ không bảo vệ được những đối tượng dễ bị tổn thương. Ngân sách của Trung ương, địa phương dành cho thích ứng với BĐKH cũng tăng nhưng vẫn hạn chế, chỉ tập trung vào ngắn hạn.

Tác động rõ rệt nhất của BĐKH đối với ĐBSCL là diễn biến bất thường của thời tiết, hạn mặn gay gắt, sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Thống kê cho thấy, ĐBSCL hiện có hơn 550 điểm sạt lở với tổng chiều dài khoảng gần 800 km, chủ yếu diễn ra dọc sông Tiền, sông Hậu, Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Từ năm 2005, bờ biển vùng ĐBSCL bị xói lở với tốc độ khoảng 300 ha/năm, chủ yếu dọc bờ biển Kiên Giang và Cà Mau. Và tất nhiên, đời sống của người dân trong vùng cũng còn rất nhiều khó khăn.

Có lẽ xuất phát từ những vấn đề nội tại và nhìn vào xu hướng vận động, chưa bao giờ sự phát triển, thịnh vượng của vùng ĐBSCL được đưa lên bàn nghị sự của Trung ương, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương như thời gian gần đây. Bởi, đây là vùng đất được xem là trù phú nhưng chịu rất nhiều điểm “nghẽn” để bứt phá đi lên, chưa kể những thách thức hiện hữu đã và đang kìm hãm sự phát triển cho vùng đất này.

Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17-11-2017 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH là cũng đã đặt ra yêu cầu rất lớn để cho một ĐBSCL phát triển, thịnh vượng, xứng tầm với vị thế của nó.

Với mong muốn đưa vùng ĐBSCL tiến lên, trong bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, ĐBSCL - một vùng đất trù phú, giàu tiềm năng, lợi thế nhưng phát triển chậm, chưa thịnh vượng; vùng đất mà sau nhiều năm “ngủ yên”, đã được “đánh thức” vào những năm 80 của thế kỷ trước, nhưng chỉ mới “thức dậy” mà chưa vươn lên mạnh mẽ; người dân nơi đây phần lớn chỉ mới “đủ ăn” mà chưa khá giả; mặt bằng y tế, giáo dục chưa theo kịp cả nước; vùng đất màu mỡ, trù phú xưa kia đang bị khát và khô hạn do thiếu nước; độ phì nhiêu của đất bị suy giảm do thiếu phù sa bồi đắp; những con người sinh ra, lớn lên trên vùng sông nước miền Tây, giờ phải tiết kiệm, có lúc phải chia sẻ từng xô, từng thùng nước ngọt. Việc nghiên cứu, ban hành và tổ chức triển khai thực hiện thật tốt Nghị quyết lần này sẽ góp phần để ĐBSCL “đứng dậy” làm chủ và “vươn lên” mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới cùng cả nước.

THÁI AN

.
.
.