Thứ Bảy, 30/04/2022, 09:13 (GMT+7)
.

Mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta

(ABO) Những chiến thắng oanh liệt trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 đã buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình trên toàn cõi Đông Dương, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Campuchia và Lào.

Nhưng với mưu đồ đã dự tính từ trước, đế quốc Mỹ trắng trợn phá hoại Hiệp định Giơnevơ, hất cẳng Pháp, gạt bỏ những thế lực tay sai của Pháp, dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, thực hiện chính sách thực dân mới, mưu đồ chia cắt lâu dài đất nước ta bằng những chính sách thống trị hết sức tàn khốc.

a
9 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, xe tăng Quân Giải phóng tiến vào dinh Độc Lập. Ảnh: TL

Chính quyền Mỹ - Diệm tập trung thực hiện biện pháp “tố cộng”, “diệt cộng” đàn áp, khủng bố phong trào yêu nước, trả thù những người kháng chiến cũ, tiêu diệt cơ sở cách mạng ở miền Nam, ban hành Luật 10/59 “đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật”, biến cả miền Nam thành nơi tràn ngập nhà tù, trại giam, trại tập trung, khu trù mật. Cách mạng miền Nam bị dìm trong biển máu. Để thực hiện kế hoạch xâm lược miền Nam, đế quốc Mỹ đã phái đến miền Nam hàng vạn binh sĩ, hàng chục tướng lĩnh, xây dựng nhiều căn cứ quân sự, cảng quân sự với hàng trăm tàu chiến các loại và sân bay với nhiều phi cơ chiến đấu.

Trung bình mỗi tháng, các loại máy bay của Mỹ đã dội xuống miền Nam khoảng 6.500 tấn bom và chất độc hóa học. Từng tấc đất trên khắp miền Nam bị bom cày, đạn xới, làng xóm tiêu điều bởi mưa bom bão đạn của quân Mỹ. Mỹ - Diệm huy động mọi lực lượng quân sự, an ninh, tình báo, thông tin tuyên truyền và nhiều biện pháp hành chính… thực hiện khủng bố, đàn áp toàn diện cả về quân sự, chính trị, kinh tế, tâm lý, giáo dục, văn hóa… cực kỳ thâm độc, tàn bạo, gây ra những cuộc thảm sát đẫm máu ở khắp các tỉnh, thành miền Nam.

a
Nhân dân TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang mít tinh chào mừng giải phóng miền Nam ngày 1-5-1975. Ảnh: TL

Trước tình thế Tổ quốc lâm nguy, đại bộ phận đồng bào miền Nam nói chung, tỉnh Mỹ Tho và Gò Công (nay là tỉnh Tiền Giang) nói riêng vẫn một lòng đi theo cách mạng, người này ngã xuống thì người khác đứng lên, viết nên bản hùng ca bất diệt về chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Không khí lên đường tòng quân nhộn nhịp khắp nơi, người người đăng ký ra tiền tuyến để đối mặt với kẻ thù với quyết tâm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng cho lý tưởng vì độc lập dân tộc và niềm tin vào ngày mai chiến thắng. 

Vào thời điểm trưa ngày 30-4-1975, sau khi trực tiếp chỉ huy việc áp giải Dương Văn Minh đến Đài phát thanh Sài Gòn, tại đây, đồng chí Đại úy Phạm Xuân Thệ, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66 cùng các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tổ chức soạn thảo lời Tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh. Văn bản đang được soạn thảo thì đồng chí Trung tá Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2 có mặt. Từ đó đồng chí Bùi Văn Tùng cùng bộ phận cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66 tiếp tục soạn thảo và hoàn chỉnh lời Tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh đọc vào máy ghi âm để phát trên Đài phát thanh. Riêng lời Tuyên bố chấp nhận đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh do đồng chí Bùi Văn Tùng soạn thảo và trực tiếp đọc trên Đài phát thanh.

Với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, cả dân tộc đã trên dưới một lòng, trường kỳ kháng chiến, để rồi 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, lá cờ cách mạng tung bay trên dinh Ðộc lập, báo hiệu sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ðó là một trong những thắng lợi vĩ đại nhất, hiển hách nhất, là một trang sử hào hùng, là mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã viết thêm một trang mới cho biên niên sử của dân tộc; đồng thời, còn là biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, có tính thời đại sâu sắc.

a
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc, tiến lên chủ nghĩa xã hội. “Kỷ nuyên mới” ấy đã được chứng minh, được khẳng định qua từng giai đoạn phát triển của tỉnh nhà nói riêng và của đất nước nói chung. Ảnh: TL

Để có được đại thắng mùa Xuân năm 1975, có biết bao máu xương của những người con ưu tú của Tổ quốc nói chung và Tiền Giang nói riêng đã hòa vào lòng đất mẹ, trở thành hồn thiêng sông núi, để đất nước độc lập, tự do, để non sông liền một dải, để mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Và trong suốt 47 năm qua, “kỷ nuyên mới” ấy đã được chứng minh, được khẳng định qua từng giai đoạn phát triển của tỉnh nhà nói riêng và của đất nước nói chung. Đồng thời, trong thời gian tới, vị thế của tỉnh nhà chắc chắn sẽ được nâng lên một tầm cao mới trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, Việt Nam sẽ hiện thực hóa khát vọng hùng cường của dân tộc. Đó không còn là kỳ vọng, mà là niềm tin của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Nhất định niềm tin ấy sẽ thành hiện thực trong tương lai không xa…

NGUYÊN CHƯƠNG








 

.
.
.