Chủ Nhật, 03/04/2022, 09:37 (GMT+7)
.

Ứng xử thế nào với doanh nghiệp có lãnh đạo vướng lao lý?

Hệ sinh thái FLC sẽ ra sao sau tin chủ tịch Tập đoàn này bị tạm giam đang là vấn đề nóng bỏng, thu hút sự quan tâm của dư luận và cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Không thể đẩy 1 doanh nghiệp với hệ sinh thái gồm du lịch - hàng không - bất động sản của một tập đoàn lớn đến bờ vực phá sản, kéo theo những tác động tiêu cực tới hàng ngàn người lao động và hàng chục ngàn cổ đông, nhà đầu tư….chịu liên đới, là những quan điểm nổi bật trong dư luận sau 5 ngày khủng hoảng xảy ra với người đứng đầu Tập đoàn FLC.

 "Một cá nhân vi phạm pháp luật, cho dù là người đứng đầu, thì không có nghĩa tập thể đó vi phạm pháp luật. Một cá nhân vắng mặt, cho dù là người giỏi nhất, cũng không phải cả tập thể đầu hàng. Một người không còn lãnh đạo tập đoàn, không có nghĩa là cổ đông của tập đoàn đó không còn ai dẫn dắt" - đó không chỉ là quan điểm của nhiều cơ quan truyền thông mà còn là yêu cầu của cộng đồng.

Một tập đoàn kinh tế sụp đổ không chỉ là thiệt hại của tập đoàn đó, không chỉ cổ đông và người lao động của tập đoàn bị mất tài sản, mất việc làm, mà xã hội cũng bị thiệt hại.

Đồng quan điểm này, chuyên gia bất động sản Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch BHS cho rằng ông không bình luận thêm về vụ việc của ông Trịnh Văn Quyết vì vụ việc sẽ có pháp luật làm rõ. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thọ Tuyển bày tỏ mong muốn FLC sẽ ổn.  

“FLC là một tập đoàn với 10.000 con người. Họ cũng như chúng ta, đang ngày đêm lao động để kiếm tiền nuôi gia đình, để góp phần xây dựng đất nước. Những ai ở Hạ Long, Thanh Hoá hay Quy Nhơn,… hoặc đã đi Bamboo Airways sẽ hiểu rõ điều này nhất.”

Ông Tuyển cho rằng cần tách bạch khái niệm ông Trịnh Văn Quyết và FLC. Hai khái niệm có liên quan nhưng hoàn toàn khác nhau: ông Trịnh Văn Quyết là cổ đông lớn nhưng ông Quyết không phải FLC.

Điểm lại nhiều vụ việc tại các doanh nghiệp như OCG, TNR, TNG hay Vimefulland, đều có điểm chung là doanh nghiệp vẫn hoạt động tốt khi lãnh đạo vướng vòng lao lý, ông Tuyển nhận định: “Những dẫn chứng ấy cho thấy, thuyền trưởng có thể gặp biến cố và sẽ có một vị thuyền trưởng khác. Nhưng con thuyền thì vẫn phải ra khơi”

Cũng từ sự vụ ông Trịnh Văn Quyết, nhiều chuyên gia kinh tế, pháp lý cũng như cộng đồng dư luận cũng cho rằng, cá nhân vi phạm đến đâu sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đến đó, nhưng doanh nghiệp vẫn cần được hỗ trợ, và bảo vệ trong các hoạt động kinh doanh chính đáng.

Cần hiểu rằng đằng sau một tập đoàn kinh tế lớn là hàng ngàn công ăn việc làm, nhiều đóng góp thiết thực và hiệu quả không thể phủ nhận cho kinh tế và xã hội.  Trong trường hợp của FLC, doanh nghiệp này đang có gần 10 ngàn lao động trên nhiều lĩnh vực. Nếu tính toán cả số lượng các gia đình mà các lao động này là trụ cột và các cổ đông, nhà đầu tư... của hệ sinh thái FLC, ảnh hưởng liên đới có thể vượt qua hàng chục ngàn người.

Do đó, vẫn cần có ứng xử phù hợp với doanh nghiệp để giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất; không nên đẩy doanh nghiệp đến mức sụp đổ, gây ra những hệ luỵ không đáng có và đáng tiếc cho người lao động, sự ổn định của nền kinh tế cũng như môi trường kinh doanh.

(Theo diendandoanhnghiep)

.
.
.