Thứ Bảy, 12/11/2022, 08:38 (GMT+7)
.

Để việc tăng lương thực sự là niềm vui

Cùng với việc tăng lương, cần tăng cường các giải pháp kiềm chế lạm phát, bình ổn giá đi kèm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát chặt về giá, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
 

a
Mức tăng lương đã được thông qua từ 1,49 triệu lên 1,8 triệu đồng/tháng, tương đương 20,8%. Ảnh: Quốc Tuấn

Quốc hội vừa tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn các Bộ trưởng, trưởng ngành. Trong đó, lĩnh vực nội vụ là một trong 4 vấn đề được đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm, kỳ vọng Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà sẽ đưa ra được những giải pháp căn cơ giữ chân cán bộ trong khu vực nhà nước.

Đáng chú ý, vấn đề tăng lương cho khu vực công được đề cập ở nghị trường Quốc hội vài ngày qua. Một số đại biểu yêu cầu tăng lương cho công viên chức từ 1/1/2023, thay vì từ 1/7/2023. Mức tăng đã được thông qua từ 1,49 triệu lên 1,8 triệu đồng/tháng, tương đương 20,8%.

Theo đó, Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) và nhiều đại biểu Quốc hội khác đã đề xuất áp dụng thực hiện từ ngày 1/1/2023. Việc tăng mức lương cơ sở nhưng không thực hiện cào bằng mà quy định rạch ròi, cụ thể từng đối tượng nâng lương.

Đại biểu nêu thí dụ những sinh viên mới ra trường làm việc tại các cơ quan trong khu vực nhà nước có mức lương mới khởi điểm là 2,34 và chỉ hưởng 85% mức lương này. Vì vậy việc tuyển dụng gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là tuyển dụng nhân tài vào làm việc tại các cơ quan nhà nước.

Thực tế, trong số hàng triệu cán bộ công chức, có thể một bộ phận nào đó tiền lương với họ không có ý nghĩa quá lớn, nhưng số lượng này không nhiều. Đa số cán bộ công chức vẫn đang sống nhờ vào tiền thu nhập chính thức và họ có nguyện vọng tập trung vào công vụ, sống được bằng thu nhập chính thức.

Thời gian qua dù nhà nước đã tìm cách tăng thêm thu nhập, nhưng mức lương của công chức, viên chức vẫn thấp hơn mức sống tối thiểu. Điều này khiến cuộc sống của nhiều công chức, viên chức rất khó khăn, nhất là tại những đô thị lớn.

Thế nên mới có hiện tượng  công chức, viên chức dịch chuyển từ khu vực công sang khu vực tư. Theo Bộ trưởng Nội vụ, số công chức, viên chức thôi việc tập trung nhiều nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh (hơn 6.700 người), Đồng Nai và Hà Nội mỗi nơi hơn 2.000 người; các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Cần Thơ trong khoảng 800-900 người. Tính theo lĩnh vực thì ngành giáo dục có 16.424 người người nghỉ việc (41,53%), y tế là 12.198 người (30,84%).

Tuy nhiên, số công chức, viên chức thôi việc, nghỉ việc đồng loạt trong thời điểm hơn 2 năm qua là điều cần nhìn nhận nghiêm túc và cũng là 1 vấn đề đáng quan ngại.

Bởi một phần là do tiền lương và thu nhập của công chức, viên chức còn thấp hơn so với thu nhập cùng trình độ việc làm ở khu vực tư, hay áp lực công việc đối với công chức, viên chức ngày càng cao, nhất là viên chức y tế làm việc trong bối cảnh khó khăn, nguy hiểm khi đại dịch COVID-19 bùng phát…

a
Làm thế nào để tránh tình trạng lương chưa tăng thì giá đã tăng? Ảnh: Quốc Tuấn

Liên quan đến vấn đề này, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng chính sách tiền lương cho cán bộ công chức viên chức hiện nay chưa tương xứng, mức thu nhập còn quá thấp. “Thời gian qua, dù nhà nước đã tìm cách tăng thêm thu nhập, nhưng mức lương của công chức, viên chức vẫn thấp hơn mức sống trung bình. Đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp, cơ bản dẫn đến tham nhũng”, đại biểu nhận định.

Do đó, việc tăng lương là hết sức cần thiết, phù hợp với nhu cầu của người lao động và phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Đồng thời, điều này cũng góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của cả nước. Từ đó, thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Tăng lương cho người lao động sẽ tạo sự kích thích rất lớn, giúp họ hăng hái, nâng cao tinh thần làm việc, đem lại hiệu quả lao động cao hơn.

Việc trình Quốc hội phương án điều chỉnh tiền lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức khu vực công, người có công với cách mạng, người nghỉ hưu... là tín hiệu rất đáng mừng, thể hiện sự nỗ lực rất lớn của các cơ quan chức năng trong đề xuất, tính toán các điều kiện cần thiết; đồng thời, cũng là sự cố gắng của Chính phủ trong cân đối ngân sách để có nguồn lực tài chính bảo đảm cho việc tăng lương cơ sở đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức khu vực công.

Và để việc tăng lương thực sự là niềm vui trọn vẹn, góp phần nâng cao đời sống, khuyến khích người lao động hăng say công tác thì cần tăng cường các giải pháp kiềm chế lạm phát, bình ổn giá đi kèm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát chặt về giá, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Qua đó, tránh tình trạng lương chưa tăng thì giá đã tăng, “lương tăng 1 đồng, giá tăng 2 đồng”.

Chừng nào chúng ta đạt được mục đích cán bộ, công chức, viên chức đủ sống với mức sống trung bình của xã hội  thì mới tạo động lực quan trọng phát huy nhân tố con người trong phát triển kinh tế, xã hội và thực hiện tốt hơn công bằng, tiến bộ xã hội.

Theo diendandoanhnghiep.vn

.
.
.