Thứ Năm, 02/03/2023, 08:38 (GMT+7)
.

Thoát bẫy thu nhập trung bình trước năm 2030

Cải cách thể chế kinh tế mới là “chìa khóa” cho phát triển chứ không hẳn là các chương trình kích cầu hay thúc đẩy đầu tư công. Đây là luận điểm được nêu ra tại cuộc tọa đàm đối thoại chính sách “Đổi mới thể chế kinh tế tại Việt Nam, hướng tới nước thu nhập trung bình cao trước năm 2030”, do Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức ngày 1-3.

Theo GS-TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, những nỗ lực xây dựng thể chế kinh tế thị trường hơn 30 năm đổi mới đã góp phần quan trọng đưa Việt Nam từ một nước có thu nhập bình quân đầu người khoảng 200 USD vào đầu những năm 1990 lên 3.590 USD vào năm 2021.

Với mức thu nhập bình quân đầu người hiện nay, Việt Nam có khả năng gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình cao trước năm 2030, nếu không vướng “bẫy” thu nhập trung bình thấp. Tuy nhiên, trong số 101 quốc gia có mức thu nhập trung bình trong thập niên 1960, chỉ có 13 quốc gia trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2008. Đa số các quốc gia khi chạm đến ngưỡng thu nhập của Việt Nam hiện nay sẽ có tốc độ tăng trưởng chậm dần, nhiều bất ổn kinh tế xuất hiện mang tính cơ cấu, trong khi lại phải đối mặt với nhiều vấn đề như: già hóa dân số, suy thoái môi trường, cạn kiệt tài nguyên...

Nhận xét, đây là thời điểm quan trọng để Việt Nam xem xét, đánh giá thể chế kinh tế thị trường của mình, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, cảnh báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong cả giai đoạn từ 1991 đến nay có xu hướng giảm. Chỉ số sản xuất công nghiệp liên tục giảm kể từ tháng 9-2022. Xu hướng này vẫn tiếp tục và không có cải thiện nhiều, tuy có hy vọng tốt lên từ quý 2.

Vẫn theo chuyên gia này, trong năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023, không có những động thái cải cách đáng kể về môi trường kinh doanh. Các rào cản pháp luật đối với đầu tư kinh doanh “dường như đang gia tăng hơn là bớt bỏ”. Doanh nghiệp rất bối rối trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc đối với đầu tư kinh doanh, trong khi thiếu vắng sự đồng hành tích cực của các cơ quan quản lý.

Nêu ví dụ, TS Nguyễn Đình Cung nhận định, khả năng tiếp cận vốn vẫn chưa được cải thiện, lãi suất cho vay không tăng nhưng ở mức cao và không giảm. Sinh kế của một bộ phân dân cư chuyển từ chính thức sang phi chính thức. Do đó, nên kéo dài thời hạn hiệu lực của chương trình hỗ trợ doanh nghiệp theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 (về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội).

Chia sẻ quan điểm này, ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc Nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế - xã hội, đã “hiến kế”, một trong những giải pháp là xem xét lại chế độ tỷ giá hối đoái, cho phép nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường ngoại hối tại các sàn giao dịch, từ đó cải thiện tiêu chí “tự do sở hữu tài khoản ngoại tệ tại ngân hàng”.

Bên cạnh đó, cần chú trọng hơn nữa đến yếu tố tự do thương mại quốc tế bằng cách rà soát lại các hàng rào phi thuế quan theo hướng rõ ràng, minh bạch và ổn định; kiên trì cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan; rà soát lại các quy định về kiểm soát vốn, để thị trường vốn của Việt Nam hấp dẫn hơn nữa đối với nhà đầu tư nước ngoài; mở rộng phạm vi được miễn visa du lịch vào Việt Nam.

Theo sggp.org.vn
 

 

.
.
.