Thứ Bảy, 20/05/2023, 14:34 (GMT+7)
.

Tôi đặc biệt không thích gọi SeaGames là "Giải ao làng"

Với tôi, những người vẫn gọi Seagames là “giải ao làng” thì chính người đó có suy nghĩ “chưa qua được lũy tre làng”.
 

a
SeaGames 32 đã chính thức khép lại trên đất Campuchia với nhiều kỷ niệm, dấu ấn đặc biệt

Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 32 - SeaGames 32 đã chính thức khép lại với tiết mục chia tay đầy ý nghĩa và sâu sắc của nước chủ nhà Campuchia. Một kỳ SeaGames được coi là thành công đối với công tác tổ chức và thi đấu chuyên môn của các vận động viên tham gia.

Hãy nhìn vào cách mà Campuchia tổ chức SeaGames và sự háo hức, mong đợi của người dân nơi đây khi lần đầu tiên đất nước họ tổ chức một kỳ Đại hội thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Chính phủ nước này đã tuyên bố “sẽ làm tất cả những gì có thể để khiến SeaGamess 32 trở nên đặc biệt; thông qua SeaGames 32 để quảng bá hình ảnh đất nước và con người Campuchia hào hoa, thân thiện và mến khách”.

Và, Campuchia trở thành nước chủ nhà đầu tiên trong lịch sử SeaGames làm những điều đặc biệt: miễn phí tiền vé, đài thọ toàn bộ chi phí lưu trú, ăn uống và di chuyển nội địa cho các đoàn thể thao dự sự kiện cũng như không lấy tiền bản quyền truyền hình. Đặc biệt hơn, Chính phủ đã quyết định cho học sinh và các nhân viên ngành giáo dục nghỉ hẳn… 1 tháng để cổ vũ SeaGames. Tất cả những gì tâm huyết nhất đã được đất nước và con người nơi đây dành cho sự kiện này.

Nhiều người khi theo dõi SeaGames, thậm chí chỉ “lướt” qua một vài trang mạng xã hội để nhìn những hình ảnh được coi là “xấu xí” của thể thao đã vội kết luận: “SeaGames vẫn chỉ là giải ao làng”. Những hình ảnh xấu xí đó chỉ được biết đến thông qua mà ẩu đả trong trận chung kết tranh Huy chương Vàng bộ môn bóng đá nam giữa Thái Lan và Indonesia giữa các cầu thủ và ban huấn luyện hai đội; hay từ những sự cố của Ban tổ chức nước chủ nhà khi viết nhầm tên của vận động viên trên truyền hình, trao giải cho vận động viên khi… mất điện.

s
Vận động viên điền kinh Campuchia – Bou Samnang vừa chạy vừa khóc trong cơn mưa tầm tã những vẫn quyết tâm về đích trong sự tán thưởng của người hâm mộ

Nên nhớ, nếu coi SeaGames là giải “ao” làng, thì Asiad (Đại hội thể thao Châu Á) sẽ là giải “hồ”, Olympic (Đại hội thể thao Thế giới) là “đại dương”. Những sự kiện thể thao này mặc dù đã được nước chủ nhà đăng cai chuẩn bị kĩ lưỡng đến cả chục năm thì vẫn xảy ra những sự cố không mong muốn. Hay như các giải bóng đá nam “nổi đình nổi đám”, được cả thế giới biết đến như World Cup, Euro, UEFA Champion League đôi khi vẫn xảy ra những vụ ẩu đả kinh thiên động địa, hay có sự can thiệp kết quả, tình trạng bán độ từ các cầu thủ,… Nhưng khi đó không ai gọi đó là “giải ao làng” cả, mà vẫn mặc nhiên coi đó là “sự cố” của các nước văn minh!

Vì sao người viết bài này “đặc biệt không thích gọi SeaGames là giải ao làng”, bởi lẽ, hãy nhìn vào từng trận đấu, từng sự nỗ lực tập luyện gian khổ, ý chí phấn đấu, từng cảm xúc của các vận động viên mỗi khi bước lên đài thi đấu và vỡ òa nghẹn ngào khi cầm trên tay tấm huy chương mình đạt được.

Nguyễn Thị Oanh và gia đình cô ấy coi đó là niềm tự hào của dân tộc, của đất nước khi Oanh làm được kỳ tích “vô tiền khoáng hậu” tại SeaGames. Vận động viên điền kinh người Campuchia – Bou Samnang đã bật khóc nức nở khi là người sau cùng sải chân trên đường đua nhưng vẫn cố gắng hết sức để về đích trong cơn mưa hòa lẫn nước mắt.

Thậm chí, nhìn nhận tích cực hơn, màn ẩu đả giữa các cầu thủ Thái Lan và Indonesia suy cho cùng cũng xuất phát từ niềm khao khát Huy chương Vàng suốt hơn 30 năm của nền bóng đá Indonesia mà thôi.

a
Cảm xúc của Nguyễn Thị Oanh và Nguyễn Thị Huyền khi mang Huy chương Vàng và Huy chương Bạc cho điền kinh Việt Nam

Hãy nhớ rằng, dù thi đấu tại sân chơi quốc nội, hay sân chơi khu vực, sân chơi thế giới, mỗi vận động viên cùng toàn đoàn thể thao đó đều có những tháng ngày rèn luyện khắc khổ, nghiêm ngặt và chuyên nghiệp của một môn thể thao chuyên nghiệp. Phải đặt vào địa vị của mỗi người mới cảm nhận hết những niềm vui, nỗi buồn, niềm hi vọng của cả Quốc gia mỗi khi đội tuyển bước ra tranh tài. Đời người vận động viên được mấy lần tham dự SeaGames?

SeaGames luôn là sân chơi để từ đó phát hiện ra những tài năng của khu vực Đông Nam Á – vốn được coi là vùng trũng của thể thao bước ra thế giới. Tất nhiên, 11 nước Đông Nam Á đều đang hướng đến sự chuyên nghiệp hơn đối với nền thể thao đất nước và đều có những chiến lược, chương trình cụ thể để hướng đến sự chuyên nghiệp đó.

Hãy nhìn nhận một cách tích cực với SeaGames để mang lại sự chuyên nghiệp, nâng tầm thể thao khu vực đưa ra “đại dương” sánh ngang với các cường quốc khác, thay vì chỉ trách móc, chê bai khi chưa am hiểu về thể thao.

Theo diendandoanhnghiep.vn

.
.
.