Nghĩ về "bộ tứ trụ cột"
(ABO) Quan điểm chung được đưa ra hiện nay là muốn phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam không thể đi theo lối mòn cũ. Chúng ta phải dám nghĩ lớn, hành động lớn, thực hiện những cải cách lớn với quyết tâm chính trị cao nhất và nỗ lực bền bỉ nhất.
Có lẽ xuất phát từ mục tiêu này, 4 nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị vừa được ban hành và triển khai thực hiện: Nghị quyết 57 của Bộ chính trị về thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Nghị quyết 59 về chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng; Nghị quyết 68 phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân; Nghị quyết 66 đổi mới toàn diện công tác xây dựng, thi hành pháp luật. Đến thời điểm hiện nay có thể gọi 4 nghị quyết trên là “Bộ tứ trụ cột” để giúp Việt Nam cất cánh.
Sở dĩ xem đây là “Bộ tứ trụ cột” bởi cả bốn nghị quyết đều thống nhất mục tiêu là xây dựng nền tảng vững chắc để Việt Nam phát triển nhanh, bền vững và trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Sự liên kết này không chỉ mang tính định hướng chung mà còn thể hiện rõ sự phụ thuộc lẫn nhau trong thực tiễn. Nếu thể chế không minh bạch (Nghị quyết 66), thì kinh tế tư nhân khó phát triển (Nghị quyết 68), khoa học công nghệ thiếu môi trường sáng tạo (Nghị quyết 57) và hội nhập quốc tế thiếu hiệu quả (Nghị quyết 59). Ngược lại, nếu đổi mới sáng tạo không đột phá, kinh tế tư nhân sẽ yếu, hội nhập quốc tế sẽ bị hạn chế. Nếu hội nhập không chủ động, bản thân thể chế và các động lực trong nước cũng khó cải cách toàn diện.
![]() |
Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. |
Tuy nhiên, một điều đáng nhìn nhận hơn cả là điểm đột phá chung của cả bốn nghị quyết là tư duy phát triển mới, từ “quản lý” sang “phục vụ”, từ “bảo hộ” sang “cạnh tranh sáng tạo”, từ “hội nhập bị động” sang “hội nhập chủ động”, từ “cải cách phân tán” sang “đột phá toàn diện, đồng bộ và sâu sắc”. Đây là bước chuyển tư duy căn bản, kế thừa thành tựu đổi mới 40 năm qua và phù hợp với xu thế toàn cầu trong kỷ nguyên số.
Nhìn từ thực tiễn và những đòi hỏi trong tương lai, “bộ tứ trụ cột” rất được kỳ vọng sẽ mang đến những luồng gió mới mẽ hơn, tạo nên những động lực mới, đưa đoàn tàu Việt Nam cất cánh. Dựa trên chủ trương lớn này, tỉnh Tiền Giang cũng tính toán những bước đi thích ứng và hiệu quả hơn đối với từng trụ cột. Một trong những dẫn chứng cụ thể là, ngay khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành kế hoạch thực hiện với những bước đi cụ thể.
Trên cơ sở đó, Tiền Giang đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thế mạnh của tỉnh, thuộc nhóm các tỉnh có thu nhập trung bình cao; trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đạt mức trên trung bình của cả nước, có ít nhất 1 doanh nghiệp đạt mức tiên tiến.
Đồng thời, Tiền Giang cũng đặt ra mục tiêu xếp hạng về đổi mới sáng tạo (PII) thuộc nhóm 30, chuyển đổi số (DTI) thuộc nhóm 20 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước; đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế đạt mức 55%; tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trên tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt tối thiểu 50%; tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân và doanh nghiệp đạt trên 80%; giao dịch không dùng tiền mặt đạt 80%; tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt trên 40% trong tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh...
Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ số tiên tiến, hiện đại; từng bước làm chủ một số công nghệ chiến lược, công nghệ số như: Trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn, điện toán đám mây, chuỗi khối, bán dẫn, thông tin di động 5G, 6G, thông tin vệ tinh và một số công nghệ mới nổi; 100% người sử dụng có khả năng truy nhập băng rộng cố định với tốc độ trên 1Gb/s, phổ cập dịch vụ mạng di động 5G toàn tỉnh; thu hút các tổ chức, doanh nghiệp công nghệ đầu tư nghiên cứu, sản xuất tại tỉnh…
Và một điều hiển nhiên là, trong thời gian tới đây, Tiền Giang cũng sẽ tiếp tục xây dựng lộ trình thực hiện có hiệu quả các “trụ cột” còn lại để đi cùng với mục tiêu chung của cả nước là thay đổi tư duy, tầm nhìn trong phát triển. Đó là bước đi dài và khó nhưng sẽ mang lại hiệu quả tích cực.
Nhìn trên bình diện tổng thể, Trung ương cũng nhấn mạnh, chúng ta đang chứng kiến những chuyển biến sâu sắc chưa từng có trên phạm vi toàn cầu về địa chính trị, địa kinh tế, về cạnh tranh chiến lược, về sự dịch chuyển mạnh mẽ của các trung tâm kinh tế, bùng nổ khoa học công nghệ, cùng với những thách thức về biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh truyền thống và phi truyền thống. Những chuyển động này vừa tạo thách thức, vừa tạo cơ hội cho tất cả các quốc gia. Ai nắm được cơ hội, vượt qua thách thức thì sẽ thành công. Nếu không thì kết quả sẽ ngược lại và sẽ rơi vào hoàn cảnh “trâu chậm uống nước đục”.
TT