Thứ Sáu, 30/03/2012, 07:22 (GMT+7)
.

Bớt trên mặt là bệnh gì, điều trị ra sao?

Báo Ấp Bắc mới đây có phản ánh hai trường hợp mắc bệnh lạ. Bác sĩ Nguyễn Thành Úc (Phó Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKTT tỉnh) đã tư vấn về nguyên nhân gây bệnh và phương pháp điều trị…

Bớt trên mặt có nhiều nguyên nhân như: bướu máu, rối loạn sắc tố ở da. Riêng trường hợp trên da có một hoặc nhiều bớt màu đen, kích thước lớn và mọc nhiều lông thì bệnh này được gọi là bệnh Backer Nevus hay bệnh tăng sắc tố Becker.

Năm 1948, bác sĩ S. William Becker là người đầu tiên mô tả 2 nam thiếu niên bị tăng sắc tố và rậm lông khu trú ở một bên cơ thể. Từ đó, người ta đặt tên cho bệnh này là Becker. Bệnh được ghi nhận ở tất cả các chủng tộc, xuất hiện từ khi sinh hoặc muộn hơn khi đến tuổi dậy thì. Tỷ lệ mắc ở nam giới cao gấp 6 lần so với nữ.

Nguyên nhân gây bệnh tăng sắc tố Becker hiện nay chưa rõ. Các nhà chuyên môn cho rằng bệnh có nguồn gốc từ lớp ngoại bì và trung bì phôi thai khi còn trong bụng mẹ. Sự tăng theo từng giai đoạn của các thụ thể androgen và mức độ nhạy cảm của thụ thể này cũng cao hơn, được cho là giả thuyết mang tính chấp nhận của sinh bệnh học của bệnh.

Giả thuyết về tăng nhạy cảm với androgen còn được giải thích thêm bằng các biểu hiện khác như: rậm lông, dày gai, dày trung bì, trứng cá, tăng sản tuyến bã. Sự kích thích androgen còn biểu hiện tăng sợi cơ trơn tại trung bì của tổn thương.

Tăng sắc tố cũng được phát hiện tương tự như trong biểu hiện da đặc trưng giới do sự tăng thành phần melanin tại tế bào sừng thượng bì và thường thấy sau khi tiếp xúc nhiều với ánh nắng gây hậu quả phỏng nắng. Tổn thương xuất hiện một bên tại vùng vai, dưới vú, lưng, trán, mặt, gò má, mi mắt, cổ, bụng, hông, chân và mông.

Bệnh Becker thường xuất hiện với một tổn thương, nhưng đôi khi biểu hiện với đa tổn thương. Bệnh Becker có kích thước từ vài centimet đến hàng chục centimet.

Tăng sắc tố tại tổn thương có xu hướng lan rộng ra xung quanh. Màu sắc tổn thương có tính đồng nhất từ nâu vàng đến nâu đen. Tổn thương giới hạn rõ với vùng da lành, nhưng ranh giới này thường không đều.

Trung tâm tổn thương hơi dày và gấp nếp. Lông tăng sinh, to và đậm hơn sau sự tăng sắc tố. Rậm lông đôi khi khó nhận ra và chỉ khi so sánh với bên đối diện. Mức độ rậm lông và tăng sắc tố đôi khi không tương ứng hoàn toàn. Một số trường hợp có thể quan sát sẩn quanh nang lông do sự tăng sinh tương ứng của cơ dựng lông.

Hầu như bớt Becker không triệu chứng cơ năng, tuy vậy một số người bệnh có thể bị ngứa. Sau khi hình thành, bệnh Becker phát triển chậm lại trong một hoặc hai năm và ổn định về kích thước. Tăng sắc tố sau đó có thể nhạt dần nhưng biểu hiện rậm lông thường tồn tại dai dẳng.

Bệnh Becker là lành tính và biến đổi ác tính trên tổn thương chưa được báo cáo. Ngược lại với tăng sinh từ trung bì và ngoại bì phôi thai của bệnh Becker, một số bất thường phát triển liên quan đến bệnh cũng được ghi nhận như: giảm sự phát triển của vú, quầng vú, núm vú, cánh tay cùng bên… Cánh tay ngắn hơn cùng bên, gai đôi đốt sống thắt lưng, vẹo cột sống lưng, lõm xương ức cũng như to chân cùng bên…

Bệnh Becker được điều trị bằng các phương pháp phẫu thuật ghép da, laser… Biểu hiện tăng sắc tố có thể được điều trị tốt bằng Q-switched Ruby và Nd-YAG, nhưng tỷ lệ tái phát cao và lông vẫn còn tại tổn thương. Trong một nghiên cứu sử dụng laser màu xung dài có kết quả giảm sắc tố và lông hơn 90% sau 3 lần điều trị. Do bệnh tăng sắc tố Becker dễ chẩn đoán nhầm với các bớt tế bào hắc tố có lông khác nên người bị bệnh Becker cần được khám kỹ các bất thường khác của mô mềm và xương.

Tại TP. Hồ Chí Minh, Viện Vật lý y sinh học (số 109A, đường Pasteur, Q.1) đã sử dụng nhiều loại thiết bị laser hiện đại để điều trị cho hàng ngàn bệnh nhân bị bớt đen và bớt đỏ trên mặt đạt kết quả khả quan.

Để điều trị có hiệu quả, bệnh nhân cần thực hiện đúng các chỉ dẫn của bác sĩ, hạn chế tối đa tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, dùng kem chống nắng, giữ gìn sạch sẽ, không kỳ cọ mạnh vùng da bị bớt và phải  bôi thuốc theo chỉ dẫn của BS. Đặc biệt, không dùng mỹ phẩm trang điểm trong vòng 7 - 14 ngày đầu.

Chi phí điều trị mỗi lần từ 500.000 đồng đến 3 triệu đồng (tùy thuộc vào diện tích và vị trí của tổn thương). Thời gian điều trị nhanh hay chậm phụ thuộc vào mức độ tổn thương. Có người chỉ điều trị 7 lần là khỏi, nhưng cũng có người tới 14 lần. Khoảng cách giữa hai lần điều trị từ 6 - 8 tuần.

BS. NGUYỄN THÀNH ÚC
 

.
.
.