Thứ Hai, 28/05/2012, 11:34 (GMT+7)
.

Nhầm thuốc chuột với thuốc bổ, 2 trẻ phải nhập viện

Lúc 17 giờ ngày 20-5, hai bé Cao Thanh T. (4 tuổi) và Phan Lê Kim T. (3 tuổi) là anh em bà con, nhà ở xã Mỹ Hạnh Trung (Cai Lậy) được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong tình trạng nôn ói nhiều, đau bụng, da xanh tái, mệt mỏi sau khi uống một ống thuốc màu hồng.

Bác sĩ chẩn đoán 2 em bị ngộ độc thuốc diệt chuột và lập tức tiến hành hồi sức, bơm rửa dạ dày, uống than hoạt tính và truyền dịch. Sau nhiều giờ cấp cứu, sức khỏe 2 em đã hồi phục.

Người nhà của 2 em cho biết, hai đứa trẻ ra vườn chơi, nhìn thấy một ống nhựa màu hồng nằm ở hàng rào, 2 bé tưởng lầm là si-rô giống như thuốc bổ ở nhà mẹ thường cho uống. Tò mò uống thử, 2 em kêu khó chịu, thấy cay trong miệng rồi nôn ói.

Thuốc chuột không nhãn mác - vũ khí giết người ở nông thôn. Ảnh: nongnghiep.vn
Thuốc chuột không nhãn mác - vũ khí giết người ở nông thôn. Ảnh: nongnghiep.vn

Nhìn vỏ ống nhựa và theo dõi triệu chứng, bác sĩ xác định đây là loại thuốc diệt chuột do Trung Quốc sản xuất có thành phần là sodium fluoroacetate có độc tính rất cao. Liều có thể gây tử vong của độc chất này là 2-10mg cho 1kg cân nặng cơ thể.

Khi vào cơ thể người, sodium fluoroacetate gây ngộ độc tế bào, làm giảm chuyển hóa đường, suy giảm hô hấp tế bào và làm cạn kiệt dự trữ năng lượng ở các mô. Hậu quả ngộ độc gây tổn thương các cơ quan là cơ, tim, não, thận. Bị tổn thương nặng nhất ở não và tim có thể gây đột tử.

Triệu chứng đầu tiên sau khi trẻ uống phải thuốc diệt chuột là nôn ói, đau bụng, sau đó co giật liên tục, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp; nếu không cấp cứu kịp thời rất dễ tử vong.

Thuốc diệt chuột thường có nguồn gốc từ Trung Quốc, bán trôi nổi trên thị trường, đều nằm trong danh mục cấm sử dụng của Cục Bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều người có thói quen sử dụng loại thuốc này để diệt chuột trong gia đình, chuồng trại chăn nuôi, ruộng rẫy… vì giá rẻ, tiện dụng.

Bà con mình cần cảnh giác khi có nhu cầu sử dụng và phải lưu ý để thuốc diệt chuột ngoài tầm tay của trẻ, dọn dẹp môi trường quanh nhà, xử lý các loại nông dược còn tồn dư theo quy định của ngành Nông nghiệp để tránh ngộ độc cho người và gây ô nhiễm môi trường.

BS. NGUYỄN THÀNH ÚC

.
.
.