Thứ Sáu, 23/11/2012, 11:09 (GMT+7)
.

Thông tin về bệnh nhân nghi nhiễm não mô cầu

Như chúng tôi đã thông tin, bệnh nhân Thái Hoàng T (nam), 54 tuổi, cư ngụ tại  ấp Bình Thọ Đông (Bình Phan, Chợ Gạo), khởi bệnh ngày 10-11-2012, nhập viện BVĐKTT Tiền Giang và chuyển bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh ngày 11-11-2012 với chẩn đoán là theo dõi nhiễm trùng huyết do não mô cầu thể tối cấp.

Tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh, kết quả soi phết họng cho thấy có sự hiện diện của song cầu gram (-), nên cũng đã nghi ngờ nhiễm não mô cầu, còn chờ kết quả cấy dịch não tủy để khẳng định chẩn đoán.   

Kết quả xét nghiệm tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh đã mang đến một bất ngờ đối với các thầy thuốc. Kết quả cấy phết tử ban và cấy dịch não tủy tìm vi trùng não mô cầu đều âm tính; thay vào đó, kết quả cấy phết tử ban lại tìm thấy Streptococcus Suis II.

Như vậy, đã khẳng định bệnh nhân Thái Hoàng T không mắc bệnh nhiễm não mô cầu mà là nhiễm liên cầu khuẩn lợn hay còn gọi là bệnh heo tai xanh trên người.

Chính vì bệnh cảnh của nhiễm não mô cầu và nhiễm liên cầu lợn giống nhau, đều có thể có thể nhiễm khuẩn huyết, có tử ban hoại tử lan rộng nên có thể xảy ra chẩn đoán lầm lẫn giữa hai bệnh này, cụ thể là trên bệnh nhân Thái Hoàng T.

Đây là bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn đầu tiên trong năm 2012 tại Tiền Giang. Hiện nay, bệnh nhân tương đối ổn định.

Khi có kết quả dương tính với liên cầu lợn trên bệnh nhân Thái Hoàng T, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và Trung tâm Y tế Chợ Gạo tăng cường giám sát những đối tượng có tiếp xúc gần với người bệnh; thông tin và phối hợp với ngành Thú y giám sát ổ dịch để xử lý kịp thời. Sở Y tế cũng có văn bản thông tin cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn biết để phối hợp giải quyết phù hợp; đồng thời báo cáo UBND tỉnh và Bộ Y tế theo quy định.

Cũng cần nói thêm, liên cầu lợn có tên khoa học là Streptococcus suis là tác nhân gây bệnh ở heo (lợn) và một số gia súc khác (trâu, bò, dê, ngựa, ...), đôi khi gây bệnh trên người. Streptococcus suis là cầu khuẩn Gram dương, có 35 type huyết thanh, gây bệnh cho người và heo chủ yếu là type 2.

Bệnh ở heo biểu hiện bằng viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi, viêm nội tâm mạc và viêm khớp. Bệnh ở heo thường xuất hiện tản phát nhưng cũng có khi bùng phát thành dịch.

Thông thường người bị nhiễm vi khuẩn qua vết thương ở da; qua đường hô hấp do heo bệnh ho, hắt hơi bắn ra; qua tiếp xúc với máu hoặc các dịch tiết của heo bệnh, heo chết hoặc ăn tiết canh, thịt heo bệnh, thịt heo chết chưa nấu chín. Vì vậy, phần lớn bệnh nhân là người trực tiếp chăn nuôi và giết mổ heo.

Ở người, vi khuẩn gây hai bệnh cảnh chính là viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết, có thể gây sốc nhiễm khuẩn. Những trường hợp nhiễm khuẩn huyết có thể xuất huyết dưới da, tử ban xuất huyết hoại tử lan rộng ở mặt, ngực, chân, tay, hoại tử đầu chi.

Nếu không được phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời thì người bệnh có thể tử vong. Tỷ lệ tử vong khoảng 7%. Thời gian điều trị kéo dài vài tuần, thậm chí là 2-3 tháng, chi phí tốn kém. Bệnh tăng mạnh trong mùa nắng nóng và có nguy cơ trở thành dịch nếu không có biện pháp phòng tránh, điều trị. Hiện chưa có vaccin phòng bệnh cho người. Không có chỉ định dùng kháng sinh dự phòng.

Khi nhận thấy có dịch liên cầu khuẩn xảy ra thì phải  xử lý như xử lý một ổ dịch truyền nhiễm, đưa ngay người bệnh đến bệnh viện để điều trị kịp thời, đặc biệt chú ý giám sát những đối tượng có tiếp xúc gần với heo bị bệnh như người chăn nuôi, giết mổ và buôn bán heo.

Khoanh vùng, phun khử trùng môi trường vùng có dịch bằng chloramin B 3-5%. Nghiêm cấm hoàn toàn việc di chuyển và giết mổ, mua bán heo bệnh. Heo bệnh, chết phải chôn, đổ thuốc sát khuẩn và tiêu hủy.

Khi giết mổ heo phải mang các dụng cụ bảo vệ cá nhân cần thiết (găng tay, khẩu trang, kính, mũ...), bảo đảm các vết xước, vết thương không tiếp xúc với heo hay các sản phẩm của heo; nơi giết mổ phải bảo đảm vệ sinh môi trường sạch sẽ, tách biệt với khu chế biến thức ăn.

Khi mua bán, chỉ mua heo có nguồn gốc, không bị bệnh và có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y. Người tiêu dùng không ăn thịt heo sống, không ăn tiết canh, nội tạng heo chưa được nấu chín, không ăn thịt heo không rõ nguồn gốc; không tiếp xúc với sản phẩm từ heo còn sống khi tay có vết xây xước, trừ khi mang găng bảo vệ.

BS CKII TRẦN THANH THẢO

.
.
.