Chủ Nhật, 04/11/2012, 09:28 (GMT+7)
.

Việt Nam đối mặt tình trạng mất cân bằng giới tính

Ngày 3-11, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo quốc gia về mất cân bằng giới tính khi sinh con.

Một lớp học có nhiều bé trai hơn bé gái. Ảnh: TTXVN
Một lớp học có nhiều bé trai hơn bé gái. Ảnh: TTXVN

Ông Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình nhận định tình trạng mất cân bằng giới tính ở Việt Nam đã ở mức nghiêm trọng, với tốc độ gia tăng nhanh và ngày càng lan rộng.

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam diễn ra khá muộn so với nhiều nước khác trên thế giới nhưng lại xảy ra với tốc độ nhanh, diễn biến phức tạp.

Theo con số thống kê, Việt Nam được chia ra 6 vùng kinh tế-xã hội thì năm 2009 chỉ còn duy nhất vùng các tỉnh Tây Nguyên có tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức bình thường (105), còn 5/6 vùng còn lại đều đã có tình trạng mất cân bằng cao. Đáng chú ý, 10 tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh cao nhất đã là 119,7 trở lên. Có tới 18 tỉnh/thành phố có tỷ số giới tính khi sinh 115 trở lên.
 
Trước thực trạng mất cân bằng giới tính như hiện nay, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết: “Nếu không có sự can thiệp tích cực nhằm giảm tốc độ gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh thì tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam có thể tiếp tục tăng lên khoảng 115 vào năm 2015 và tiếp tục duy trì ở mức này cho đến năm 2049. Như vậy, vào năm 2049 mức này tương ứng với việc dư thừa từ 3,3 đến hơn 4 triệu nam giới.”
 
Thứ trưởng dẫn ra nhiều hệ quả của việc mất cân bằng giới tính khi sinh như toàn bộ cơ cấu dân số theo tuổi sẽ bị thay đổi; tình trạng thừa nam, thiếu nữ khi những đứa trẻ được sinh ra bởi lựa chọn giới tính khi bước vào tuổi kết hôn sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường về xã hội, an ninh và trật tự an toàn xã hội...

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang trở thành vấn đề nóng và rất đáng lo ngại, Do vậy, việc giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh là một quá trình phải được thực thi bằng nhiều biện pháp đồng bộ.
 
Vì vậy, Phó Thủ tướng cho rằng một trong số các giải pháp cần đưa ra là tăng cường lực lượng cộng tác viên cơ sở: Ngoài việc tăng quy mô, cần thiết phải duy trì và tập trung vào chất lượng. Bên cạnh đó, ngành Y tế cần bàn với ngành giáo dục để đưa vấn đề giới tính vào các chương trình chính thức để ngay từ khi còn ngồi ghế nhà trường, để học sinh sẽ có những nhìn nhận đúng đắn hơn về giới và bình đẳng giới. Về thay đổi tập quán, Phó Thủ tướng đề nghị cần có sự kết hợp giữa các địa phương, học hỏi những mô hình thành công.

H.AN

(Tổng hợp)

.
.
.