.

Ung thư cổ tử cung: Nỗi ám ảnh của phụ nữ

Cập nhật: 14:30, 22/10/2014 (GMT+7)

Ung thư nói chung là bệnh không lây nhiễm, nhưng ung thư cổ tử cung lại là 1 loại ung thư có nguyên nhân do lây nhiễm virus. Đây là 1 trong 2 loại ung thư tấn công và gây tử vong phổ biến ở phụ nữ.

CĂN BỆNH RÌNH RẬP

Báo cáo của Tổ chức Ung thư thế giới năm 2012 cho biết, hàng năm ở Việt Nam có khoảng 5.100 trường hợp mắc mới ung thư cổ tử cung, trong đó có 2.400 phụ nữ tử vong vì ung thư cổ tử cung (khoảng 7 ca/ngày). Riêng năm 2010, Việt Nam có 5.664 phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung và tỷ lệ mắc mới là 13,6/100.000 phụ nữ.

Ung thư cổ tử cung có nguyên nhân là do quá trình viêm nhiễm kéo dài (khoảng 20 năm) các loại virus nhóm papilloma, còn được gọi là HPV (Human Papilloma Virus). Loại virus này tập trung nhiều nhất vào những năm đầu sau khi quan hệ tình dục lần đầu tiên. Những virus này sẽ đánh bật ra khỏi cơ thể trong vòng 12 đến 24 tháng, nhưng một số phụ nữ không thể loại bỏ được chúng và đây là nhóm người có nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung sau này.

Virus HPV lây qua đường tình dục. Không giống như những bệnh lây truyền qua con đường này, bao cao su không thể bảo vệ nam giới hoàn toàn, vì chỉ cần có sự tiếp xúc da với da ở khu vực này là đủ để nhiễm virus HPV. Loại virus này có thể lây từ nữ sang nam và ngược lại. Những người mang trong mình virus HPV đều có thể phải gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe trong thời gian ngắn hay lâu dài.

Trong thời gian ngắn, virus này có thể gây ra những vết loét - yếu tố gây ra bệnh ung thư cổ tử cung sau này. Những vết thương này có thể được điều trị rất đơn giản là cắt một phần cổ tử cung. Tuy phương pháp này điều trị đơn giản nhưng nó có thể gây ra những biến chứng đối với phụ nữ sau này, khi mang thai có thể bị sẩy thai hoặc sinh non. Sau khi cắt bỏ một phần cổ tử cung, virus HPV vẫn có thể quay trở lại và gây ra bệnh ung thư cổ tử cung sau nhiều năm.

NHẬN BIẾT VÀ PHÒNG TRÁNH

Theo các chuyên gia về ung thư thì những dấu hiệu sớm cho thấy cơ thể mắc căn bệnh này hầu như không có, đặc biệt là giai đoạn đầu (trước khi xuất hiện những khối u), đôi khi chỉ là những cơn đau xuất hiện khi quan hệ tình dục hoặc ngay cả lúc không quan hệ. Khi đã nhìn thấy các khối u thì lúc này sức khỏe của người bệnh đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nếu khối u lớn, nó sẽ chèn ép những vùng xung quanh và gây ra hiện tượng tiểu buốt hoặc đi tiểu khó khăn, táo bón… Tuy nhiên, phòng tránh bệnh hiệu quả là điều hoàn toàn có thể làm được. Xin giới thiệu 7 giải pháp giúp phụ nữ tránh được ung thư cổ tử cung:

1. Sống chung thủy 1 vợ 1 chồng: Trên thực tế, nếu 1 người phụ nữ có nhiều bạn tình, khả năng lây nhiễm virus HPV càng cao. Họ có thể lây nhiễm virus từ người đàn ông này hoặc người đàn ông khác. Hãy chung thủy 1 vợ 1 chồng là cách phòng tránh an toàn các căn bệnh lây truyền qua đường tình dục như HIV/AIDS, viêm gan B, virus HPV…

2. Không quan hệ tình dục sớm: Quan hệ tình dục sớm (ở tuổi dậy thì) là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ lây nhiễm virus HPV. Cơ thể của các em gái trong giai đoạn này tự bảo vệ rất kém trước sự tấn công của virus gây bệnh. Các bệnh lây truyền qua đường tình dục ở độ tuổi này cũng nhanh hơn do các màng nhầy đang ở giai đoạn vô cùng nhạy cảm.

3. Bao cao su không thể tránh được lây nhiễm virus HPV tuyệt đối: Bạn nên nhớ, bao cao su không phải là biện pháp tối ưu giúp bạn miễn nhiễm với loại virus này, vì trên thực tế virus không phải chỉ sống trên màng nhầy mà sống ở cả trên da.

4. Không hút thuốc lá: Ngay cả khi không bị nhiễm virus HPV, thuốc lá cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung cho người sử dụng. Trên thực tế, các chất trong thuốc lá sẽ ngấm vào máu và sẽ được bày xuất qua cổ tử cung, tạo môi trường thuận lợi cho bệnh tật phát triển. Càng hút nhiều thuốc, người sử dụng càng gặp nhiều nguy cơ mắc bệnh. Những phụ nữ đã hút thuốc lá hoặc đang hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung cao gấp 2 - 3 lần so với những phụ nữ chưa bao giờ hút thuốc lá.

5. Nói không với rượu: Rượu không chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung mà còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư khác như: Ung thư gan, ung thư dạ dày…

6. Tiêm vaccin trước lần quan hệ đầu tiên: Các nhà nghiên cứu cho biết, tiêm vaccin phòng bệnh trước lần quan hệ đầu tiên cho phép chị em phòng được tới 70% nguy cơ. Nhiều năm sau cần phải tiêm lại. Hiệu quả của loại vaccin này kéo dài trong ít nhất là 4 - 5 năm.

7. Thăm khám phụ khoa định kỳ: Ngay cả khi đã tiêm vaccin, hãy đến bác sĩ phụ khoa khám theo định kỳ. Bác sĩ sẽ cho bạn những lời khuyên hữu ích về cách phòng tránh và nhận biết các dấu hiệu của bệnh. Phát hiện ra bệnh sớm cũng là 1 trong những điều kiện quan trọng giúp việc điều trị bệnh nhanh và hiệu quả. Sống lành mạnh ngay khi còn trẻ là cách tốt nhất để phòng ngừa ung thư cổ tử cung.

THU THỦY - BS. TRƯƠNG VĂN HÀ

.
.
.