Thứ Ba, 09/05/2017, 21:33 (GMT+7)
.

Cảnh giác với 9 loại dịch bệnh vào mùa hè

Với đặc điểm nóng ẩm của mùa hè là thời điểm thuận lợi khởi phát của nhiều bệnh, trong đó đáng lưu ý nhất là các bệnh do vi nhiễm virus, vi khuẩn, ký sinh trùng, ngộ độc thực phẩm.

Chỉ tính riêng trong tháng 4-2017 là thời điểm mới đầu hè, số lượng trẻ đến khám ngoại trú và nội trú Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang là trên 500 trẻ do nhiễm khuẩn và ký sinh trùng gây ra các bệnh tiêu chảy cấp, nhiễm trùng đường ruột, sốt xuất huyết, thủy đậu, bệnh tay chân miệng, cảm cúm, đau mắt đỏ… và gần 100 trẻ có liên quan đến các bệnh về da.

Ở trẻ em, do sức đề kháng kém, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện cộng thêm sự hiếu động trong các trò chơi hè nên vào mùa nắng nóng có nguy cơ cao mắc bệnh tật nguy hiểm nếu cha mẹ không có cách phòng ngừa, bảo vệ cho trẻ.

Bệnh nhi đang được khám và điều trị tại bệnh viện
Bệnh nhi đang được khám và điều trị tại bệnh viện.


* Sốc nhiệt (Say nắng)

Có 3 trạng thái liên quan đến tình trạng nắng nóng: chuột rút do nhiệt (Heat cramps) là hội chứng nhẹ nhất, kế đến là kiệt sức vì nhiệt (Heat exhaustion) và sốc nhiệt (Heat stroke) là hội chứng nặng nhất.

Khi bị nắng nóng, cơ thể sẽ có các phản ứng để giảm nhiệt độ cho cơ thể như: dãn nở mạch máu để máu dồn nhiều tới da làm thoát nhiệt ra ngoài, tiết ra nhiều mồ hôi. Khi bị nhiễm nắng nóng vượt quá sức chịu đựng của cơ thể, trẻ có thể bị các triệu chứng sau: da nóng, ửng đỏ, sốt cao trên 400C, không có mồ hôi, thở bất thường, lơ mơ, co giật, động kinh, suy tuần hoàn, hô hấp…

Sốc nhiệt do: Tiếp xúc với môi trường nóng gọi là sốc nhiệt không gắng sức là do nạn nhân ở trong môi trường nóng khiến cho nhiệt độ cơ thể tăng; loại sốc nhiệt này thường xảy ra sau tiếp xúc với thời tiết nóng và ẩm, đặc biệt là trong thời gian dài 2 - 3 ngày. Thường gặp nhất ở người cao tuổi (hệ thần kinh trung ương bắt đầu bị thoái hóa khiến cho cơ thể không đủ khả năng đối phó với sự thay đổi nhiệt độ cơ thể) và ở những người có bệnh lý mạn tính.

Sốc nhiệt do hoạt động gắng sức: Sốc nhiệt do gắng sức gây ra bởi tăng nhiệt độ cơ thể do hoạt động thể lực với cường độ cao trong thời tiết nóng. Bất cứ ai luyện tập hoặc làm việc trong thời tiết nóng đều có thể bị sốc nhiệt do gắng sức, nhưng thường gặp nhất là ở những người không thường xuyên tiếp xúc với nhiệt độ cao. Sốc nhiệt cần được nhập việc điều trị cấp cứu, nếu không điều trị có thể nhanh chóng gây tổn thương não, tim, thận và cơ. Phòng say nắng cho trẻ bằng cách không cho trẻ chơi ngoài nắng gắt; cho trẻ uống nhiều nước, mặc đồ rộng rãi, quần áo nhẹ. Ngoài ra, chúng ta nên tăng cường các thức ăn có thể hỗ trợ giúp cơ thể chống lại các ảnh hưởng của nhiệt độ cao và mất nước.

* Viêm não

Viêm não xảy ra rải rác quanh năm nhưng cao điểm là mùa hè. Viêm não là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính hệ thần kinh trung ương chủ yếu là do virus. Các virus thường gây viêm não ở trẻ em là Viêm não Nhật Bản, Enterovirus và Herpes simplex. Tùy loại virus mà chúng có thể xâm nhập vào cơ thể chúng ta bằng các đường khác nhau như là đường muỗi đốt (Viêm não Nhật Bản), đường hô hấp (Herpes) hoặc đường tiêu hóa (Enterovirus). Viêm não là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao và để lại nhiều biến chứng nguy hiểm nhất ở trẻ em. Biểu hiện thường gặp là sốt cao liên tục (39 – 40 0C), đau đầu (đối với trẻ còn bú thì thường có những cơn khóc thét), buồn nôn, nôn, rối loạn tri giác (ngủ gà, lì bì, đờ đẩn), co giật, hôn và một số trường hợp có biểu hiện liệt yếu tay chân. Khi trẻ có những biểu hiện trên, cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị nhằm hạn chế tỷ lệ tử vong và di chứng sau này.

*Bệnh Tay - Chân - Miệng

Bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng.

Thường gặp trẻ dưới 5 tuổi, chủ yếu do 2 nhóm virus Coxsackieviruses và Enterovirus 71 gây ra với biểu hiện điển hình loét miệng đường kính 2 -3 mm ở vòm họng, niêm mạc má, nướu, lưỡi và sẩn ban, bóng nước ở vị trí đặc biệt dễ nhận thấy như lòng bàn tay, bàn chân, mông, khuỷ tay, gối…Virus bệnh Tay chân miệng lây qua đường ăn uống, đường hô hấp. Bệnh tay chân miệng thường diễn tiến lành tính; tuy nhiên khi trẻ có sốt cao, nôn ói, co giật, giật mình, chới với, ăn uống kém, ngủ bất thường, có những biểu hiện cử động bất thường thì nhanh chóng cho trẻ nhập viện nhằm phát hiện sớm những trẻ có biến chứng nặng như viêm não, màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, phù phổi.

* Sốt xuất huyết Dengue

Sốt xuất huyết là bệnh nhiễm trùng cấp tính gây ra do virus Dengue. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn. Muỗi vằn (tên khoa học là Aedes aegypti) hút máu người mang mầm bệnh rồi truyền qua người lành làm lây bệnh sốt xuất huyết. Đặc điểm của bệnh sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy các cơ quan nội tạng. Khi trẻ bị sốt cao đột ngột, liên tục 2 ngày trở lên, nổi chấm đỏ ở da, bầm da, chảy máu mũi, máu răng, đau bụng, ói có máu, tiêu phân đen…phụ huynh nên đưa trẻ vào bệnh viện để được Bác sĩ thăm khám và làm xét nghiệm máu kiểm tra.

* Tiêu chảy cấp

Nguyên nhân gây tiêu chảy có thể là vi sinh vật gây bệnh như vi khuẩn (lỵ, thương hàn, tả...) hoặc virus, nấm, ký sinh trùng đường ruột. Cơ chế gây bệnh có thể do độc tố của vi trùng hoặc do vi trùng trực tiếp gây tổn thương hệ thống tiêu hóa. Vi trùng lây lan bằng đường phân - miệng: phân người bị tiêu chảy làm nhiễm bẩn thức ăn, nước uống hoặc do tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây. Khi trẻ bị tiêu chảy cấp, việc quan trọng nhất là đánh giá mức độ mất nước của bệnh nhân; phụ huynh nhanh chóng bù nước điện giải bằng đường uống dung dịch Oresol, nước dừa pha ít muối… tiêm truyền dịch chỉ thực hiện khi mất nước nặng, trẻ nôn nhiều, không thể uống được hoặc đi ngoài rất nhiều không thể bù kịp bằng đường uống. Việc sử dụng kháng sinh và các men tiêu hóa vi sinh cần phải theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc trị tiêu chảy.

* Bệnh đau mắt đỏ

Bệnh đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt, nguyên nhân chủ yếu là do virus Adenovirus hoặc do vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu, phế cầu gây ra. Bệnh đau mắt đỏ được biểu hiện chính bằng mắt đỏ và có ghèn. Người bệnh thường đỏ một mắt trước, sau đó lan sang mắt thứ hai, cảm thấy khó chịu ở mắt, sau đó cộm như có cát, xốn, chảy nước mắt, buổi sáng ngủ dậy hai mắt khó mở do nhiều ghèn dính chặt, đau nhức. Bệnh đau mắt đỏ tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây lan trong cộng đồng nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng. Tuy nhiên, bệnh đau mắt đỏ thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập, lao động và có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này nên mọi người cần có ý thức phòng bệnh tốt và cần được xử trí kịp thời khi mắc bệnh.

* Bệnh ngoài da

Bệnh ngoài da hay gặp nhất là rôm sảy. Thương tổn là các sẩn màu đỏ hồng, trên có mụn nước nhỏ, đôi khi có mụn mủ trắng xen lẫn. Da của trẻ bị viêm nên trẻ thường có cảm giác bứt rứt khó chịu, ngứa  và quấy khóc, thông thường rôm sảy có thể tự khỏi nhưng cũng có một số trường hợp phải được điều trị. Những vùng mồ hôi tiết ra nhiều như trán, cổ, lưng, ngực, các nếp gấp khuỷ tay, bẹn…càng có nhiều rôm sảy.

Nguyên nhân chủ yếu của rôm sảy là do bít tắc lỗ chân lông bởi các chất bẩn và khi thời tiết nắng nóng, cơ thể tăng cường hoạt động của các tuyến mồ hôi và tuyến nhầy làm tăng khả năng tắc nghẽn lỗ chân lông hơn nữa. Xử trí rôm sảy chỉ đơn giản là tắm rửa sạch sẽ bằng xà phòng có độ pH phù hợp hay dung dịch thuốc tím pha loãng (một số lá thuốc dân gian như lá chè tươi, mướp đắng, chanh cũng có tác dụng nhất định) nhằm thông các ống thoát đổ ra ngoài của các tuyến trên bề mặt da. Khi bị rôm sảy, nhiều bậc phụ huynh cũng có thói quen dùng phấn rôm xoa ngoài da các trẻ để không bị ẩm ướt do nhiều mồ hôi. Tuy nhiên, việc lạm dụng phấn rôm có thể gây những tác hại khó ngờ khi hít phải bụi phấn rôm, trẻ sẽ bị ho, khó thở, nôn và có thể tím tái, phù phổi. Để tránh những tác hại cho trẻ, phụ huynh cần chọn các sản phẩm của các thương hiệu có uy tín, còn hạn sử dụng và không chứa chất gây hại.

Trước khi dùng, phụ huynh cần thử phản ứng da của trẻ với sản phẩm bằng cách lấy một ít phấn ra tay, thoa nhẹ nhàng lên da của trẻ và theo dõi trong 24 giờ. Ngoài rôm sảy, chúng ta cần chú ý một số bệnh khác cũng bùng phát mạnh trong mùa hè như là các loại nấm phát triển (hắc lào, lang ben, nấm kẽ...), viêm nang lông, kể cả các ký sinh trùng trên da (ghẻ lở, chấy, rận...) hay kích hoạt các quá trình viêm da do dị ứng.

* Bệnh thủy đậu

Bệnh thủy đậu do siêu vi Varicella zoster gây ra. Biểu hiện chính của bệnh là các tổn thương phát ban dạng bóng nước trên da và niêm mạc. Sau khi siêu vi xâm nhập cơ thể, người bệnh xuất hiện các triệu chứng chung chung của nhiễm siêu vi như là sốt, đau đầu, uể oải, chán ăn. Sau đó, cơ thể xuất hiện những hồng ban, bóng nước có đường kính 3 -10 mm, bóng nước lúc đầu chứa một chất dịch trong, khoảng 1 ngày sau trở nên đục như mủ, xuất hiện rải rác khắp cơ thể.

Bệnh nhân có thể lây bệnh cho người khác 5 -7 ngày trước khi phát ban. Bệnh thủy đậu lây chủ yếu qua bằng đường hô hấp qua những giọt nước bọt bắn ra từ người bệnh có thể lây truyền gián tiếp qua tiếp xúc với quần áo hoặc các vật dụng khác đã nhiễm dịch tiết từ các vết mụn phồng rộp của người bệnh. Vì vậy, người bệnh cần kiêng đến chỗ đông người để tránh lây lan bệnh cho người khác. Bệnh thủy đầu thường diễn tiến lành tính nhưng có thể gây tử vong do biến chứng viêm não, hội chứng Reye.

* Ngộ độc thực phẩm

Đặc trưng của mùa hè là có nhiệt độ cao, độ ẩm lớn. Môi trường này dễ làm cho thức ăn bị ôi thiu nếu không bảo quản cẩn thận và rấ́t thuận lợi cho sự phát triển của các loại vi trùng dẫn tới nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn, đặc biệt là cao ở trẻ em do có thói quen ăn uống vỉa hè, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi bị ngộ độc thực phẩm, các trẻ thường có những biểu hiện chóng mặt, nôn mửa, tiêu chảy, sốt, đau quặn bụng,…Các triệu chứng này có thể kéo dài tới 2 ngày. Khi có các biểu hiện nặng trên cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

ThS BS ĐỖ QUANG THÀNH


ĐỂ PHÒNG NGỪA VÀ CHĂM SÓC TỐT SỨC KHỎE CHO CẢ GIA ĐÌNH, CHÚNG TA CẦN PHẢI LƯU Ý ĐẾN MỘT SỐ VẤN ĐỀ SAU

1.    Tắm gội hàng ngày để hạn chế vi trùng bám vào, tránh ngứa ngáy, khó chịu do bụi bặm, mồ hôi ứ đọng nhất là trẻ em; nên thay quần áo mỗi khi bị mưa ướt hay ra nhiều mồ hôi nhất là những trẻ hiếu động để tránh bị cảm lạnh, chốc lở, nhiễm nấm; mặc quần áo thoáng mát; rửa tay kỹ sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi chăm sóc trẻ, trước khi ăn và chế biến thức ăn, sau khi tiếp xúc với người bệnh.

2.    Cho trẻ uống nhiều nước, hãy đảm bảo nước được đun sôi diệt khuẩn. Nước chanh, nước cam, nước dừa và các loại trái cây khác không những giúp trẻ có đủ lượng nước trong cơ thể mà còn có các chất dinh dưỡng cần thiết.

3.    Khi đi học trong những ngày nắng nóng nhớ cho trẻ đội nón rộng vành, mặc đồ màu sáng… Trong dịp hè, cần đặc biệt lưu ý khi cho trẻ về quê hoặc đi tắm biển không cho trẻ chơi ngoài nắng nhiều trong khoảng thời gian từ 10 giờ đến 16 giờ.

4.    Tránh cho trẻ mua đồ ăn, hoa quả đã chế biến sẵn ở vỉa hè, lề đường.

5.    Khai thông cống rãnh, phát quang bụi rậm quanh nhà; loại bỏ những vật dụng quanh nhà, trong vườn (như thùng chứa nước tưới, gáo dừa, mảnh vỡ chai lọ bát đĩa, ly, chén, vỏ đồ hộp, mảnh ni-lông...) đọng nước mưa; đậy kín bể chứa nước, bể nuôi cá để muỗi không còn nơi đẻ. Mắc mùng khi ngủ kể cả ban ngày, phun thuốc diệt muỗi và côn trùng.

6.    Đưa trẻ đi tiêm phòng theo đúng lịch chủng ngừa quốc gia, đặc biệt là tiêm vắc xin phòng viêm não Nhật Bản.

7.    Những trường hợp trẻ mắc bệnh thủy đậu, tay chân miệng, đau mắt đỏ, cảm cúm…cần được nghỉ học cách ly từ 7 đến 14 ngày từ lúc bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho cộng đồng.

.
.
.