Thứ Sáu, 26/05/2017, 21:28 (GMT+7)
.

Nguyên nhân giá vật tư chênh nhau giữa các bệnh viện

Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán về chuyên đề công tác đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế năm 2015 phát hiện ra nhiều vấn đề tại các bệnh viện và Sở Y tế trên toàn quốc.

Trước thông tin của Kiểm toán Nhà nước đưa ra, một số bệnh viện lớn như Bệnh viện Việt Đức, Viện huyết học và Truyền máu Trung ương, Trung tâm Y tế Dự phòng Hải Phòng đã có những phản hồi.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Bệnh viện Việt Đức

Về việc chênh lệch giá giữa các đơn vị, trong đó có một số thông tin liên quan đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, giáo sư Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thẳng thắn: "Việc so sánh là khá khập khiễng, không nên đưa ra sự so sánh vật tư của viện này với viện khác. Bởi cùng một cái tên vật tư y tế hay hóa chất nhưng có hàng trăm chủng loại khác nhau."

Ông Giang khẳng định, về giá dây truyền huyết thanh tại bệnh viện mua có hai loại với mức giá khác nhau. Thứ nhất đó là loại dây truyền huyết thanh bình thường, giá trúng thầu năm 2015 của bệnh viện là 2.846 đồng/bộ (hãng sản xuất của Trung Quốc), với số lượng kế hoạch là 542.768 bộ/năm.

Với loại dây truyền với đơn giá 18.000 đồng (gấp 5 lần so với Bệnh viện Bạch Mai), bệnh viện chỉ sử dụng một loại dây truyền dịch dùng cho ghép tạng. Bởi đây là loại dây chuyền dịch chất lượng cao của hãng B.Braun và bệnh viện chỉ sử dụng phục vụ cho công tác ghép tạng. Số lượng kế hoạch của loại dây truyền dịch này là 11.000 bộ/năm.

Theo báo cáo Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán về chuyên đề công tác đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế năm 2015, một hộp Cleaning Solution (Clean A), 1x500ml: Bệnh viện Chợ Rẫy 1.597.000 đồng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức 5.067.000 đồng.

Nói về việc hóa chất sử dụng trong xét nghiệm trong nội dung của báo cáo kiểm toán, ông Giang giải thích rõ, loại Việt Đức mua hơn 5 triệu khác hoàn toàn loại hóa chất của Bệnh viện Chợ Rẫy.

Bởi trong năm 2015, Bệnh viện Việt Đức mua đến 4 loại nước rửa cho các thiết bị phân tích của 4 công ty khác nhau, có mức giá khác nhau với cùng có tên gọi là Cleaning solution.

1 loại có giá hơn 5 triệu đồng/can (của Ailen) do công ty Minh Tâm cung cấp sử dụng cho máy xét nghiệm sinh hóa AU.

Loại 1,7 triệu/hộp (Công ty Roche - Đức) sử dụng cho các máy Cobas; 1 loại giá hơn 1,9 triệu/chai (của Nhật) sử dụng cho máy đông máu CP2000; 1 loại dùng cho máy đếm tế bào Mythic 22 thông số với giá 1 triệu đồng/chai (của Thụy Sỹ).

Ông Giang nhấn mạnh: "Điều đó cho thấy, cùng một loại hóa chất nhưng của nhiều hãng khác nhau, với mục đích sử dụng khác nhau ở những dòng máy khác nhau và giá cũng khác nhau. Loại giống như Bệnh viện Chợ Rẫy là hóa chất của hãng Roche Bệnh viện Việt Đức mua năm 2015 cũng có giá tương đương 1,7 triệu đồng/hộp."

Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương

Kết quả Kiểm toán Nhà nước công bố cho thấy, tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương có 2 loại hóa chất mua đắt hơn nhiều lần so với các viện khác.

Cụ thể, về hóa chất của cùng một nhà cung cấp, có loại gấp 5,8 lần (01 hộp Series Retic Pak reagen kit, 1x380ml+1.900ml tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương có giá 16.718.000 đồng, trong khi ở Bệnh viện Thống nhất mức giá lại là 2.874.375 đồng.
 

Trước sự việc trên, giáo sư Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương giải thích, hóa chất Series Retic Pak reagen kit, 1x380ml+1.900ml Viện mua của Công ty TNHH Thiết bị Minh Tâm với giá tiền hơn 16 triệu đồng.

Ngày 24/5 Công ty Minh Tâm đã có công văn gửi đến Viện giải trình. Theo đó, Công ty tham gia gói thầu mua hóa chất của Bệnh viện Thống Nhất và đã trúng thầu mặt hàng này với đơn giá 4,816 đồng/1ml. Tuy nhiên khi làm thầu công ty này đã tính sai đơn giá ml/hộp nên giá một hộp hóa chất là gần 11 triệu đồng. Tuy nhiên, trong suốt thời gian thực hiện gói thầu đơn vị này đã không cung cấp mặt hàng cho Bệnh viện Thống Nhất.

Trước thông tin về một thùng Diff Timepac, 2x2075ml tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương mua 42.607.000 đồng, Bệnh viện Chợ Rẫy 14.163.950 đồng.

Ông Trí cho hay, Viện đã kiểm tra lại, thực tế vấn đề là 2 hộp hóa chất này có quy cách đóng gói khác nhau, hàm lượng khác nhau nên việc so sánh giá này không thể hiện được bản chất, một bên là hộp, 1 bên là kit nên tính ra hàm lượng giá là tương đương nhau.

Trung tâm Y tế Dự phòng Hải Phòng

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước vừa công bố, Trung tâm Y tế Dự phòng Hải Phòng có 2 thiết bị gồm lò nung và tủ hút an toàn hóa học được cấp từ năm 2011 đến nay vẫn chưa sử dụng.

Theo tiến sỹ Đỗ Mạnh Cường - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố Hải Phòng, 6 năm trước đơn vị xin cấp thiết bị để sử dụng khi có cơ sở mới của Trung tâm. Tuy nhiên, dự án xây dựng cơ sở mới kéo dài cho đến nay vẫn chưa xong.

Do vậy, các thiết bị chưa thể đưa vào hoạt động.

Theo ông Cường, trung tâm hiện niêm phong, bảo quản thiết bị, hy vọng một vài năm nữa khi cơ sở mới được xây dựng xong, lúc đó trung tâm mới có đủ điều kiện sử dụng thiết bị trên.

(Theo http://www.vietnamplus.vn/ly-giai-nguyen-nhan-gia-vat-tu-hoa-chat-khac-nhau-giua-cac-benh-vien/448291.vnp)

.
.
.