Thứ Hai, 22/05/2017, 21:47 (GMT+7)
.

Tăng huyết áp-kẻ giết người thầm lặng

Tăng huyết áp (THA) là căn bệnh gây nhiều biến chứng nguy hiểm, có thể đưa bệnh nhân đến tàn phế hoặc tử vong. Thế nhưng, ý thức của một bộ phận cộng đồng trong việc phòng ngừa căn bệnh này chưa cao. Chính vì vậy, THA là một trong những bệnh được đưa vào chương trình hành động quốc gia để phòng, chống.

Kiểm tra huyết áp thường xuyên là cách dễ dàng nhất để phát hiện bệnh THA. 	Ảnh HẠNH NGA
Kiểm tra huyết áp thường xuyên là cách dễ dàng nhất để phát hiện bệnh THA. Ảnh HẠNH NGA

HUYẾT ÁP VÀ THA

Huyết áp là khi tim co bóp, máu sẽ được bơm ra động mạch và máu ép vào thành động mạch làm mạch máu căng lên, tạo một áp lực máu cần thiết nhằm đưa máu đến nuôi dưỡng các mô trong cơ thể.

Huyết áp thể hiện bằng 2 chỉ số: Một là, huyết áp tối đa, là lúc tim co lại để tống máu ra (còn gọi là huyết áp tâm thu hoặc ngắn gọn là số trên), bình thường từ 90 đến 139 mm Hg (đọc là milimét thủy ngân). Hai là, huyết áp tối thiểu, là khi tim giãn ra và thành động mạch sẽ trở về trạng thái ban đầu (còn gọi là huyết áp tâm trương hoặc ngắn gọn là số dưới), bình thường từ 60 đến
89 mm Hg.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), huyết áp bình thường đo ở cánh tay là =120/80 mmHg. Đây là huyết áp trung bình, bình thường đối với người lớn. Huyết áp có đặc điểm là thay đổi theo thời gian, trạng thái tâm sinh lý và nhiều yếu tố khác.

THA là khi áp suất của máu đẩy vào thành động mạch lên cao. Những người có huyết áp thường xuyên cao hơn mức bình thường được gọi là THA.

Cũng theo WHO, THA đối với người từ 18 tuổi trở lên khi người đó có ít nhất 1 trong 2 số huyết áp sau: Huyết áp tối đa từ 140 mmHg trở lên và huyết áp tối thiểu từ 90 mm Hg trở lên. Như vậy, nếu con số huyết áp 140/80, 130/100 hoặc 150/90 mm Hg sau nhiều lần đo thì gọi là THA.

NGUY HIỂM RÌNH RẬP

THA là một bệnh mạn tính phổ biến nhất trên thế giới. THA không chỉ có ảnh hưởng lớn đến gánh nặng bệnh lý tim mạch, mà cũng có ảnh hưởng nhiều đến gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Theo tài liệu của WHO, huyết áp là 1 trong 6 yếu tố nguy cơ chính ảnh hưởng đến phân bố gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Tỷ lệ người tử vong do hậu quả của THA chiếm khoảng 13% tổng số ca tử vong trên thế giới và chiếm 4,5% gánh nặng bệnh tật chung toàn cầu.

Tần suất THA trong cộng đồng ngày càng gia tăng và hiện tại đang ở mức rất cao, đặc biệt là ở các nước phát triển. Tại các nước đang phát triển có hình thái bệnh tật chuyển đổi từ các bệnh nhiễm trùng là chủ yếu sang các bệnh không lây truyền là chính.

Ở Việt Nam, tỷ lệ THA cũng đang ngày càng gia tăng. Theo thống kê của GS. Đặng Văn Chung, vào năm 1960, tần suất THA ở người lớn sống ở miền Bắc chỉ là 1% và hơn 30 năm sau (năm 1992), theo điều tra trên toàn quốc của ông Trần Đỗ Trinh và cộng sự, tỷ lệ này đã là 11,7%, tăng  hơn 11 lần và mỗi năm tăng trung bình 0,33%.

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế công bố ngày 13-5 vừa qua, tại Việt Nam có khoảng 12 triệu người bị THA, là nguyên nhân chủ yếu gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận..., làm hàng trăm ngàn người bị liệt, tàn phế hoặc mất sức lao động mỗi năm; đồng thời, là nguyên nhân gây chết người số một tại Việt Nam, chiếm tới 33% tổng số người chết toàn quốc. Đáng chú ý, trong số 12 triệu người mắc bệnh THA, thì có tới gần 60% số người chưa được phát hiện và hơn 80% số người chưa được điều trị.

Riêng tại Tiền Giang, vào năm 2010, trung bình mỗi ngày Phòng khám Tim mạch của Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh tiếp nhận 160 bệnh nhân đến khám vì bệnh THA; con số này hiện nay trên 300 người. Hằng năm có khoảng 3.000 bệnh nhân phải nhập viện điều trị nội trú vì bệnh THA. 

Theo WHO, hiện nay, THA được xem là 1 trong 10 bệnh nguy hiểm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe nhân loại, có thể làm giảm thọ từ 10 - 20 tuổi. Do đó việc phòng ngừa bệnh THA trở nên cấp thiết và quan trọng đặc biệt ở người trẻ tuổi, cần có chế độ ăn hợp lý, có lối sống lành mạnh, hạn chế những thói quen không tốt như ăn mặn, ăn nhiều chất béo, ngọt, hút thuốc, uống nhiều rượu bia... Việc vận động thể lực, tránh các căng thẳng, lo âu, tự tạo cho mình một cuộc sống hài hòa, vui vẻ không chỉ tốt cho huyết áp mà còn tốt cho sức khỏe.

BS. CKII LÊ THÚY PHƯỢNG

.
.
.