Thứ Tư, 28/06/2017, 21:13 (GMT+7)
.

Bệnh viêm não virus và sốt xuất huyết gia tăng

Theo Bộ Y tế, so với cùng kỳ năm trước, bệnh viêm não virus, sốt xuất huyết (SXH) và liên cầu lợn hiện đang gia tăng đến mức đáng báo động.

Nhiều trẻ bị liệt tứ chi do viêm não Nhật Bản

Chỉ riêng trong tháng 6, cả nước ghi nhận 80 ca viêm não virus, trong đó có 4 bệnh nhi tử vong. Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 300 trường hợp viêm não virus, trong đó 9 ca tử vong.

Tại Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương, từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận 176 ca viêm não, trong đó có 24 trường hợp là viêm não Nhật Bản; không ít cháu nhập viện trong tình trạng nặng và để lại nhiều di chứng. Chỉ riêng trong tháng 6, đã có 21 trẻ nhập viện vì bệnh này. 

Viêm não Nhật Bản được xem là một trong những bệnh nguy hiểm, có tỉ lệ tử vong và di chứng cao ở trẻ nhỏ (từ 25-35%). Ảnh minh họa
Viêm não Nhật Bản được xem là một trong những bệnh nguy hiểm, có tỉ lệ tử vong và di chứng cao ở trẻ nhỏ (từ 25-35%). Ảnh minh họa

Tại Khoa Nhiễm-Thần kinh của BV Nhi Đồng 1 (TP.Hồ Chí Minh) đang có 6 cháu phải thở máy vì bệnh viêm não Nhật Bản. Đây đều là những ca rất nặng, trong đó có 2 ca đã kéo dài gần một năm. Còn BV Nhi đồng 2 (TPHCM) đang điều trị cho 2 bệnh nhi mắc bệnh này.

Theo TS. Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm BV Nhi Trung ương, viêm não Nhật Bản được xem là một trong những bệnh nguy hiểm, có tỉ lệ tử vong và di chứng cao ở trẻ nhỏ (từ 25-35%). Những di chứng này khiến người bệnh giảm khả năng giao tiếp, giảm hoặc mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Viêm não Nhật Bản có thể diễn ra quanh năm, nhưng cao điểm từ tháng 5-9. Hiện nay, tuy đa số các trẻ đã được tiêm phòng đầy đủ, nhưng vẫn còn rải rác các trường hợp trẻ mắc bệnh do sức đề kháng kém, chưa tiêm vaccine phòng bệnh hoặc tiêm không đủ số mũi.

Các bác sĩ khuyến cáo, việc tiêm chủng là biện pháp tốt nhất để phòng viêm não Nhật Bản. Gia đình nên cho trẻ tiêm 2 lần cách nhau từ 7-14 ngày, sau đó 1 năm nhắc lại mũi thứ 3, cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại.

SXH bùng phát mạnh

Dịch bệnh đang gia tăng mạnh nhất hiện nay là SXH. Chỉ riêng trong tháng 6, cả nước phát hiện gần 9.000 trường hợp mắc, đưa số mắc từ đầu năm đến nay lên khoảng 37.000 ca, trong đó có 10 trường hợp tử vong tại các tỉnh, thành phố như: Đồng Nai, Bến Tre, Tiền Giang, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh (mỗi địa phương 1 trường hợp), Đồng Tháp (2) và Trà Vinh (3).

Dù người mắc SXH vẫn tập trung ở khu vực miền Nam (gần 70% người bệnh), nhưng 6 tháng đầu năm nay bệnh SXH cũng gia tăng mạnh ở nhiều tỉnh, thành phố miền Bắc và miền Trung như Hà Nội, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi.

Đặc biệt tại Hà Nội, tính đến ngày 22/6, đã có trên 2.000 người bệnh SXH, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2016. Đã có một nữ sinh viên 19 tuổi tử vong sau nhiều năm Hà Nội không có người SXH tử vong.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, các quận nội thành, dân cư tập trung đông như Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm đang là những khu vực trọng điểm SXH.

Theo ông Hạnh, thông thường mùa dịch SXH ở Hà Nội là tháng 9-11 hằng năm, nhưng năm nay mùa dịch bắt đầu từ rất sớm, đầu tháng 5.

"Diễn biến dịch bệnh SXH tại Hà Nội trong năm nay phức tạp do chu kỳ dịch có sự thay đổi bất thường, thể hiện ở số ca mắc tăng nhanh và cao sớm hơn so với chu kỳ dịch những năm trước từ 2-3 tháng. Dịch được ghi nhận trên diện rộng và xuất hiện nhiều ổ dịch phức tạp có quy mô xã, phường với số bệnh nhân lớn", Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh.

Còn theo PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, ở khu vực phía nam, SXH đã dịch chuyển đáng kể từ Tây Nam Bộ sang các tỉnh, thành phố có kinh tế phát triển nhanh và công nghiệp hóa cao như TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu. Tuổi của người bệnh mắc SXH cũng thay đổi, trước năm 2007 bệnh nhân SXH là người lớn chỉ chiếm 20%, nay đã lên 43%.

BS. Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương chia sẻ: SXH nếu phát hiện và điều trị theo đúng phác đồ thì sẽ khỏi bệnh, không để lại di chứng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người nhận thức không đúng về bệnh dẫn đến những hậu quả khôn lường.

Hiện lưu hành 4 typ virus SXH, nên bệnh nhân mắc rồi vẫn có thể mắc lại và thậm chí lần sau còn nặng hơn lần trước. Một người nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo được miễn dịch suốt đời với chủng virus đó, nhưng chưa có khả năng miễn dịch với những chủng virus còn lại, vì thế, mỗi người có thể sẽ mắc SXH 4 lần.

Cũng trong tháng 6, cả nước ghi nhận 20 ca bệnh liên cầu lợn do ăn tiết canh, trong đó 2 trường hợp tử vong. Như vậy, từ đầu năm đến nay có 80 người mắc bệnh liên cầu lợn, trong đó 6 ca tử vong.

Bộ Y tế khuyến cáo, biện pháp phòng bệnh SXH và viêm não virus hiệu quả nhất là diệt bọ gậy, diệt muỗi, không để muỗi đốt, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để hạn chế nơi trú đậu của muỗi và không để trẻ em chơi gần chuồng gia súc. 

Bệnh viêm não virus còn có thể bị lây qua đường tiêu hóa hoặc đường hô hấp, do vậy, cần vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng.

Bên cạnh đó bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, ăn chín, uống chín, đặc biệt không ăn tiết canh để phòng bệnh liên cầu lợn.  

Đối với bệnh truyền nhiễm có vaccine dự phòng như viêm não Nhật Bản, đối tượng mắc chủ yếu là trẻ em… cần đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch.

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.