Thứ Tư, 23/08/2017, 14:18 (GMT+7)
.

BV ĐKTT Tiền Giang chủ động trong điều trị sốt xuất huyết

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm đến cuối tháng 7-2017, cả nước đã ghi nhận 80.555 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 22 trường hợp tử vong. Tại Tiền Giang, tính từ ngày 1-1 đến 15-8-2017, bệnh nhân SXH Dengue nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang là 494 lượt, trong đó bệnh nhi là 339 và người lớn là 155, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2016. Trong số những bệnh nhân điều trị tại bệnh viện có 46 ca có dấu hiệu cảnh báo, 53 ca ở mức độ SXH Dengue nặng (các ca bệnh nặng chủ yếu là trẻ em).

Đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang luôn chủ động, thực hiện nhiều giải pháp trong điều trị bệnh SXH.
Đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang luôn chủ động, thực hiện nhiều giải pháp trong điều trị bệnh SXH.

Để hạn chế tử vong do bệnh SXH Dengue, nhân viên y tế và bệnh nhân, thân nhân phải cùng nhau phát hiện sớm, theo dõi sát và xử trí đúng. Đối với mức độ SXH Dengue được chẩn đoán qua các triệu chứng sau: Sốt cao đột ngột, liên tục từ 2 - 7 ngày và có ít nhất 2 trong các dấu hiệu sau là chấm xuất huyết da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam, nghiệm pháp dây thắt dương tính (Lacet +); nhức đầu, chán ăn, buồn nôn; da xung huyết, phát ban; đau cơ, đau khớp, nhức 2 hốc mắt. Các trường hợp này được điều trị tại nhà và theo dõi tại y tế cơ sở, chủ yếu là điều trị triệu chứng. Sốt cao từ 39oC  trở lên thì cho thuốc hạ nhiệt, nới lỏng quần áo và lau mát bằng nước ấm (thuốc hạ nhiệt chỉ được dùng là Paracetamol đơn chất; không dùng Aspirin (acetyl salicylic acid), Analgin, Ibuprofen để điều trị vì có thể gây xuất huyết, toan máu). Người bệnh uống nhiều nước Oresol hoặc nước đun sôi để nguội, nước trái cây...

Bệnh nhân SXH Dengue có dấu hiệu cảnh báo sẽ có các dấu hiệu như vật vã, lừ đừ, li bì; đau bụng vùng gan hoặc ấn đau vùng gan; gan to hơn 2 cm; nôn nhiều; xuất huyết da, niêm mạc; tiểu ít; xét nghiệm máu thì có 2 dấu hiệu Hematocrit tăng cao và số lượng tiểu cầu giảm nhanh chóng thì người bệnh phải được nhập viện điều trị. Đối với mức độ SXH Dengue nặng thì người bệnh phải được nhập viện điều trị cấp cứu ngay. SXH Dengue nặng biểu hiện 3 dấu hiệu sau: Thoát huyết tương nặng dẫn đến sốc giảm thể tích (sốc SXH Dengue: Suy tuần hoàn, mạch nhanh nhỏ, khó bắt huyết áp kẹp hoặc tụt, không đo được); xuất huyết nặng (chảy máu cam nặng, rong kinh nặng, xuất huyết đường tiêu hóa...); suy tạng (suy gan cấp, suy thận cấp, rối loạn tri giác; viêm cơ tim, suy tim). Việc điều trị bệnh nặng cần huy động tất cả mọi nguồn lực như cung cấp oxy, truyền máu, dùng máy hỗ trợ hô hấp, truyền dung dịch cao phân tử, truyền thuốc vận mạch, lọc máu... Khi người bệnh diễn biến đến mức độ SXH Dengue nặng sẽ đe dọa tính mạng bệnh nhân, diễn biến phức tạp, khó lường.

Trước tình hình có chiều hướng gia tăng bệnh nhân bệnh SXH Dengue khám và nằm điều trị, Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang phối hợp cùng Sở Y tế đã tổ chức 4 lớp tập huấn về công tác điều trị và công tác điều dưỡng cho các bác sĩ và điều dưỡng trong toàn tỉnh. Trong đó có 2 lớp về công tác chăm sóc bệnh nhân SXH Dengue cho nhân viên điều dưỡng; 1 lớp cơ bản và 1 lớp nâng cao về công tác chẩn đoán, điều trị bệnh SXH Dengue cho các bác sĩ. Đồng thời, bệnh viện cũng đã triển khai công tác tiếp nhận bệnh nhân một cách có hệ thống, phân luồng rõ ràng.

Tại Khoa Nhi đã tổ chức phân bố điều trị gồm Phòng Hồi sức tích cực (ICU) điều trị bệnh SXH Dengue nặng, Phòng Cấp cứu điều trị bệnh SXH Dengue có dấu hiệu cảnh báo và 1 phòng nằm điều trị riêng biệt cho bệnh nhân bị nhiễm virus Dengue. Tại Khoa Nhiễm tổ chức 1 Phòng Hồi sức tích cực - cấp cứu và 1 phòng nằm điều trị riêng biệt cho bệnh nhân bị bệnh SXH Dengue. Đối với bệnh nhân đến khám do sốt cao (do bất kỳ bệnh gì) tại Khu Khám ngoại trú thì bệnh viện cũng phổ biến đến các nhân viên y tế quy trình lọc bệnh một cách cẩn thận gồm xét nghiệm máu sốt ngày thứ 3 trở đi, hẹn tái khám mỗi ngày nếu còn sốt, phát phiếu theo dõi, bác sĩ tư vấn... Bệnh viện còn thành lập Tổ công tác tuyến hỗ trợ các bệnh viện tuyến trước khi cần và Tổ trực tham vấn SXH Dengue gồm 5 bác sĩ nhiều kinh nghiệm (đứng đầu là Giám đốc) có nhiệm vụ hỗ trợ chuyên môn 24/24 khi gặp những ca bệnh nặng, phức tạp, nguy cơ tử vong cao, đồng thời còn lập Đường dây điện thoại nóng đến Bệnh viện Nhi Đồng 1, 2 và  Bệnh viện Nhiệt Đới TP. Hồ Chí Minh khi cần hội chẩn.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh SXH Dengue, người dân cần phải hiểu rõ về bệnh do hiện tại bệnh này chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Bệnh SXH Dengue không lây qua đường hô hấp, dịch tiết hay tiếp xúc với người bệnh mà qua trung gian là muỗi truyền bệnh. Bệnh SXH Dengue lây lan do muỗi vằn (2 loại muỗi vằn truyền bệnh là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là muỗi Aedes aegypti) đốt người bệnh nhiễm virus, sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Cách tốt nhất để phòng bệnh SXH là không để muỗi đốt và tiêu diệt muỗi.

ĐỖ QUANG THÀNH

.
.
.