Thứ Tư, 04/10/2017, 21:00 (GMT+7)
.
HUYỆN CAI LẬY:

Tập trung phòng, chống bệnh sốt xuất huyết và tay - chân - miệng

Trước tình hình bệnh sốt xuất huyết (SXH) và tay - chân - miệng (TCM) diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, huyện Cai Lậy tập trung tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức phòng bệnh trong nhân dân; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát các xã có số ca mắc bệnh cao và các cơ quan, trường học, địa bàn tập trung đông dân cư.

Giáo viên Trường Mầm non Long Tiên hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng đúng cách.
Giáo viên Trường Mầm non Long Tiên hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng đúng cách.

Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Cai Lậy, đến cuối tháng 9-2017, huyện ghi nhận 290 ca mắc bệnh SXH và 203 ca mắc bệnh TCM (tăng 47,95% ca bệnh SXH và tăng 100,99% ca bệnh TCM so với cùng kỳ năm ngoái).

Sau 2 đợt ra quân Chiến dịch diệt lăng quăng năm 2017 trên địa bàn 16 xã, cán bộ các ban, ngành, đoàn thể địa phương và cơ sở đã vãng gia 37.600 hộ gia đình, phát tờ bướm tuyên truyền và vận động ký cam kết kiểm soát lăng quăng phòng bệnh SXH. Ngành Y tế huyện Cai Lậy cập nhật thường xuyên số ca bệnh, chủ động phát hiện, xử lý những ổ dịch nhỏ, xây dựng kế hoạch dập dịch diện rộng. Đến cuối tháng 9-2017, huyện đã tiến hành phun xịt, xử lý kịp thời 45 ổ dịch SXH.

Tại xã Long Trung có số ca mắc bệnh SXH cao, Sở Y tế đã tổ chức giám sát Chiến dịch diệt lăng quăng. 4 nhóm cộng tác viên vãng gia 95 hộ gia đình trên địa bàn ấp 5, kiểm tra các dụng cụ chứa nước và hướng dẫn người dân các biện pháp diệt lăng quăng, loại bỏ các vật phế thải chứa nước xung quanh nhà, ngăn không cho muỗi sinh sản… Công tác tuyên truyền đã nâng cao ý thức hộ gia đình trong việc chủ động vệ sinh môi trường nhằm phòng, chống bệnh SXH. Chị Nguyễn Thị Ngân - người dân ấp 5, xã Long Trung cho biết: “Gia đình tôi có thói quen trang bị lu, khạp chứa nước mưa để sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày, nhưng chưa đậy kín, nên qua kiểm tra vẫn còn nhiều lăng quăng. Được các cộng tác viên hướng dẫn, tôi sẽ mua bao nilon, nắp đậy để đậy kín các vật dụng chứa nước, ngăn ngừa muỗi đẻ trứng; dọn dẹp khuôn viên nhà thông thoáng, loại bỏ các vật dụng chứa nước không cần thiết...”.

Từ năm học 2017 - 2018, công tác phòng, chống bệnh SXH và TCM tại các trường học được Phòng GD-ĐT huyện Cai Lậy và ban giám hiệu 59 trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở chủ động triển khai. Tại Trường Mầm non Long Tiên, Ban Giám hiệu nhà trường phối hợp với Trạm Y tế xã xây dựng kế hoạch bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho học sinh, tuyên truyền nâng cao ý thức phòng bệnh SXH, TCM và các bệnh truyền nhiễm cho giáo viên và phụ huynh. Năm học 2017 - 2018, Trường Mầm non Long Tiên đón nhận 232 trẻ ở 6 lớp, trong đó có 4 lớp bán trú với 160 trẻ. Chủ động bảo vệ sức khỏe cho trẻ, giáo viên thường xuyên vệ sinh lớp học, đồ dùng học tập, đồ chơi, hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng đúng cách và tuyên truyền đến các bậc phụ huynh về mức độ nguy hiểm, các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh SXH, TCM và biện pháp phòng bệnh cho trẻ tại nhà.

Trước tình hình bệnh SXH và TCM diễn biến phức tạp, UBND các xã và các ban, ngành, đoàn thể huyện Cai Lậy sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về các biện pháp phòng bệnh, phát động các đợt ra quân vệ sinh môi trường tại khu vực tập trung đông dân cư, điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Ngành Y tế huyện theo dõi, giám sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện và xử lý các ổ dịch; khuyến cáo người dân đến ngay cơ sở y tế khi có các dấu hiệu của bệnh SXH, TCM để được tư vấn, điều trị kịp thời. Ngoài vai trò của các ngành chức năng, ý thức và sự phối hợp chặt chẽ của người dân vẫn là yếu tố quyết định trong công tác phòng, chống dịch, bệnh SXH và TCM. Các hộ gia đình cần chủ động thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, giữ vệ sinh môi trường xung quanh nhà, thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống... để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.

TRƯỜNG GIANG

.
.
.