Thứ Ba, 10/10/2017, 09:24 (GMT+7)
.

Thực phẩm nông nghiệp, làm gì để đảm bảo an toàn?

Sử dụng thực phẩm an toàn là nhu cầu chính đáng hằng ngày của người dân. Tuy nhiên, hiện nay, việc còn tồn tại tình trạng người sản xuất sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt... dẫn đến nỗi lo mất vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) ngay từ những bữa ăn hằng ngày. Đây là thách thức lớn đối với các cấp, ngành chức năng trong vấn đề bảo đảm vệ sinh ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp.

Ngành Nông nghiệp tỉnh đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp tăng cường quản lý ATTP hàng hóa nông sản.
Ngành Nông nghiệp tỉnh đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp tăng cường quản lý ATTP hàng hóa nông sản.

Năm 2017 tiếp tục được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chọn là “Năm cao điểm hành động vệ sinh ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp”. Điều này cho thấy, vấn đề bảo đảm vệ sinh ATTP từ rau, thịt tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh mà trực tiếp là Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm và thủy sản tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, chất lượng nông sản, góp phần kiểm soát tốt hơn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; sản xuất, sơ chế, chế biến nông sản. Công tác thông tin, giáo dục, truyền thông, phổ biến pháp luật về ATTP cũng được triển khai thường xuyên đã nâng cao nhận thức và ý thức của người dân về vấn đề này. Các hoạt động liên quan đến việc xây dựng, kết nối sản phẩm và chuỗi sản phẩm an toàn với người tiêu dùng được thực hiện góp phần đẩy mạnh xúc tiến thương mại về nông sản.

Theo Sở NN&PTNT, tỉnh hiện có trên 90% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản được tập huấn, tuyên truyền các quy định của Nhà nước và pháp luật ATTP; đồng thời đã có 1.741 người tại 504 cơ sở được xác nhận kiến thức về ATTP. Mặt khác, qua rà soát, phân loại của các ngành chức năng, tỉnh có 1.910 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản, trong đó có 158 cơ sở đạt loại A, 1.083 cơ sở đạt loại B, còn lại xếp loại C.

Trong tỉnh có 1.154 cơ sở được cấp chứng nhận đủ điều kiện ATTP, chiếm trên 60% tổng số cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản trong tỉnh. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn có 16.500 cơ sở ký cam kết đảm bảo ATTP theo quy định Nhà nước và gần 1.000 hộ chăn nuôi thực hiện ký cam kết “Nói không với chất cấm, thuốc, hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong chăn nuôi, thú y”.

Sở NN&PTNT đã hỗ trợ chứng nhận VietGAP cho 20 hộ nuôi cá tra, cá rô phi, tôm, với tổng quy mô trên 43 ha; 34 hộ chăn nuôi lợn, gà thịt và vịt thịt được chứng nhận VietGAP, với quy mô 52.690 con; 35 cơ sở sản xuất rau, quả được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, với tổng diện tích trên 453 ha.

Ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng các loại phụ gia, hóa chất, chất bảo quản; thanh tra, kiểm tra đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản, cơ sở hoạt động giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật... Trong 6 tháng năm 2017, ngành Nông nghiệp tỉnh đã thanh tra, phát hiện và xử lý sau thanh tra 54 cá nhân vi phạm trên các lĩnh vực như: Kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y không đạt chất lượng…

Tuy hoạt động quản lý ATTP ở lĩnh vực nông nghiệp trong thời gian qua đạt được những kết quả nhất định, song công tác này vẫn còn nhiều hạn chế. Hệ thống tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về ATTP của tỉnh hiện còn rất thiếu về nhân lực, trang thiết bị và kinh phí. Sự quan tâm, vào cuộc của chính quyền cơ sở nhìn chung còn chưa quyết liệt; nhiều nơi, nhiều lúc còn lơ là, buông lỏng quản lý trong lĩnh vực ATTP nên nguy cơ nông sản bị ô nhiễm còn khá cao.

Công tác giám sát chất lượng ATTP nông sản chưa được thường xuyên do thiếu cả về con người, phương tiện, trang thiết bị và kinh phí tổ chức thực hiện. Công tác thống kê cũng như cập nhật thông tin về các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản, đặc biệt là cơ sở nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh chưa được thường xuyên và đầy đủ…

Do đó, để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác bảo đảm vệ sinh ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp, ngành Nông nghiệp tỉnh đang triển khai và thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý chất lượng, ATTP như: Tuyên truyền, tập huấn về ATTP; thống kê và kiểm tra đánh giá phân loại điều kiện vệ sinh ATTP cũng như giám sát chất lượng; thanh tra xử lý những trường hợp vi phạm về ATTP… nhằm đảm bảo ATTP và đưa thực phẩm an toàn đến người tiêu dùng.

PHƯƠNG NGHI

.
.
.