Thứ Tư, 24/01/2018, 19:51 (GMT+7)
.

Trẻ suy dinh dưỡng, gánh nặng cho gia đình và xã hội

Suy dinh dưỡng (SDD) là tình trạng bệnh lý thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi (nhất là trẻ dưới 3 tuổi). SDD thường là do thiếu các chất dinh dưỡng, làm ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, vận động, tâm thần và trí thông minh của trẻ.

Trẻ cần được chăm sóc tốt bổ sung dinh dưỡng hợp lý trong và sau khi mắc bệnh để phòng ngừa SDD.
Trẻ cần được chăm sóc tốt bổ sung dinh dưỡng hợp lý trong và sau khi mắc bệnh để phòng ngừa SDD.

SDD Ở TRẺ NHỎ

Các nguyên nhân SDD có thể xảy ra như: Giảm cung cấp chất dinh dưỡng hoặc tăng tiêu thụ dưỡng chất; trẻ biếng ăn, ăn không đủ nhu cầu; thức ăn chế biến không phù hợp, năng lượng thấp; trẻ bệnh, nhất là bệnh kéo dài; nhiễm ký sinh trùng đường ruột; không hấp thu chất dinh dưỡng do bệnh lý cấp và mãn tính...

Trong đa số trường hợp, SDD xảy ra do sự kết hợp của cả 2 cơ chế, vừa giảm năng lượng ăn vào vừa tăng năng lượng tiêu hao. Ví dụ, trẻ bị bệnh tiêu chảy là cần phải được ăn và uống đầy đủ chất hơn so với những ngày bình thường nhưng các bà mẹ lại có thói quen cho ăn kiêng, vì sợ bệnh trầm trọng hơn.

Để phát hiện trẻ SDD, cách đơn giản nhất là dùng biểu đồ tăng trưởng đánh giá cân nặng của trẻ theo độ tuổi. Biểu đồ tăng trưởng được đính kèm trong sổ theo dõi sức khỏe trẻ em (cấp cho mỗi trẻ sau sinh và dùng đến 6 tuổi). Hằng tháng, trẻ sẽ được cân đo tại các cơ sở y tế địa phương, ghi nhận cân nặng vào biểu đồ và vẽ đường phát triển cân nặng theo tuổi.

Trẻ được xem là có nguy cơ SDD nếu đứng cân liên tục trong vòng 3 tháng và đường phát triển cân nặng theo tuổi đi theo hướng nằm ngang. Còn trẻ bị SDD có đường phát triển cân nặng theo tuổi nằm bên dưới đường chuẩn của biểu đồ.

Tuy nhiên, để đánh giá dinh dưỡng toàn diện cho trẻ, cần có ít nhất 3 chỉ số là cân nặng theo tuổi, chiều cao theo tuổi và cân nặng theo chiều cao. Các chỉ số này sẽ được so sánh với bảng đánh giá tình trạng dinh dưỡng được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo áp dụng ở những nước đang phát triển. Một số chỉ số nhân trắc khác cũng được dùng để phát hiện đánh giá SDD như: Số đo vòng đầu, vòng cánh tay... nhưng hiện ít được áp dụng, do không cụ thể, chi tiết và không chính xác.

Khi trẻ chào đời có các chỉ số cân nặng dưới 2.500g, chiều dài cơ thể dưới 48cm và chu vi vòng đầu dưới 35cm là cho thấy trẻ bị SDD từ lúc còn nằm trong bào thai. Nếu trẻ sinh ra chỉ có giảm cân nặng thì là SDD nhẹ. Còn nếu giảm cân nặng và chiều cao là SDD vừa. SDD nặng là khi giảm cả cân nặng, chiều cao và vòng đầu.

HẬU QUẢ LỚN CHO TƯƠNG LAI

Giai đoạn đầu đời là một trong những giai đoạn vàng của sự phát triển. Chính vì vậy, SDD sẽ gây hậu quả về thể chất và tâm thần đối với trẻ. Sự thiếu hụt một chất dinh dưỡng có thể dẫn đến thiếu hụt dưỡng chất khác. Cụ thể, sự thiếu hụt chất sắt, ma-giê, kẽm có thể gây chán ăn, dẫn đến giảm tiêu thụ các chất dinh dưỡng quan trọng khác như: Protein hoặc lượng lipid thấp cũng có thể ảnh hưởng đến sự hấp thu các vitamin tan trong chất béo gồm vitamin A, D…

SDD sẽ làm giảm khả năng miễn dịch và tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng; đồng thời là điều kiện thuận lợi để các bệnh lý xảy ra và kéo dài. Bệnh tật làm cho trẻ ăn uống kém nhưng nhu cầu năng lượng lại đòi hỏi tăng lên để bảo vệ cơ thể. Vì vậy, SDD ngày càng trở nên nặng nề hơn, khiến trẻ cứ đi vào vòng luẩn quẩn SDD - bệnh - SDD...

Thiếu dinh dưỡng cũng là nguyên nhân trực tiếp làm cho tất cả các hệ cơ quan của cơ thể kém phát triển, nhất là khi tình trạng thiếu dinh dưỡng diễn ra trong giai đoạn bào thai và trước khi trẻ được 2 tuổi. Nếu tình trạng SDD kéo dài đến thời gian dậy thì, thì chiều cao của trẻ sẽ càng bị ảnh hưởng trầm trọng hơn.

Đặc biệt, SDD ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của não bộ trong giai đoạn trẻ dưới 6 tuổi. Trẻ bị thiếu dinh dưỡng thường là thiếu đồng bộ nhiều chất. Trong đó, có những chất tối cần thiết cho sự phát triển não và trí tuệ của trẻ như: Chất béo, chất đường, sắt, i-ốt, DHA, Taurine... Trẻ bị SDD thường chậm chạp lờ đờ, giao tiếp xã hội kém, kéo theo sự giảm học hỏi, tiếp thu và linh hoạt.

Khi còn nhỏ, trẻ sẽ bị SDD thấp còi và khi trưởng thành thường có xu hướng mắc các bệnh như: Cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tim và béo phì. Phụ nữ bị thấp còi có xu hướng sinh con nhỏ và nhẹ cân.

Trẻ bị SDD nặng có xu hướng bắt đầu đi học muộn, bỏ học và khả năng học tập kém. Đó là do trẻ bị tổn thương não bộ và chậm phát triển trí lực trong những năm đầu đời. SDD thấp còi còn ảnh hưởng đến cả quốc gia.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, đầu tư lúc đầu vào dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể làm tăng 2% - 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của một quốc gia.

Khả năng lao động về thể lực cũng như về trí lực của những người SDD đều không thể đạt đến mức tối ưu. Đây được xem là một sự lãng phí vô cùng lớn đối với những nước đang phát triển có nhu cầu về nguồn nhân lực rất cao. Nguồn nhân lực, nòi giống trong tương lai cũng sẽ bị ảnh hưởng, vì tầm vóc và thể lực của các lớp thanh thiếu niên liên quan đến sức khỏe sinh sản.

LÀM SAO ĐỂ PHÒNG TRÁNH SDD?

Do đời sống nâng cao nên SDD không còn là vấn đề nghiêm trọng tại các thành phố lớn hiện nay. Tuy nhiên, tại các vùng nông thôn và vùng sâu, vùng xa, việc cung cấp đầy đủ dưỡng chất để không là mối đe dọa đến tình trạng dinh dưỡng của trẻ em đang là vấn đề đáng quan tâm.

Để ngăn ngừa tình trạng SDD trẻ em, cần cho trẻ bú mẹ ngay sau sinh và kéo dài 18 - 24 tháng. Bởi sữa mẹ luôn là thức ăn đầu đời hoàn hảo nhất cho trẻ sơ sinh và là thức ăn tốt được trẻ chấp nhận trong giai đoạn sau. Ngoài cung cấp chất dinh dưỡng, sữa mẹ còn cung cấp các yếu tố kháng thể chống lại bệnh tật, bảo vệ trẻ khỏi các bệnh lý nhiễm trùng.

Trẻ phải được tập ăn dặm bắt đầu khi 4 - 6 tháng tuổi. Trẻ phải ăn đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng (bột, đường, đạm, béo). Duy trì cho trẻ bú sữa mẹ trong thời gian dưới 2 tuổi. Nếu không có sữa mẹ đủ thì cần lựa chọn loại sữa thay thế phù hợp.
Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề quan trọng hàng đầu trong việc bảo vệ trẻ tránh các bệnh nhiễm trùng đường ruột, giun sán... Do đó, cần chọn lựa thực phẩm tươi cho trẻ, tránh bảo quản dài. Hạn chế cho trẻ dùng các thực phẩm chế biến sẵn, đóng hộp. Đảm bảo cho trẻ ăn thức ăn được nấu chín kỹ. Theo dõi biểu đồ tăng trưởng của trẻ hằng tháng, nhằm phát hiện sớm tình trạng SDD hoặc các nguy cơ nếu có để can thiệp sớm.

Điều trị triệt để các bệnh lý nhiễm trùng hô hấp, tiêu chảy… Trẻ chỉ nên dùng kháng sinh đúng chỉ định, đủ liều và đủ thời gian. Chăm sóc dinh duỡng cho trẻ tích cực trong thời gian bệnh và phục hồi dinh dưỡng sau thời gian bệnh. Xổ giun định kỳ, mỗi 6 tháng cho trẻ trên 24 tháng tuổi. Phụ huynh cần thực hiện chủng ngừa các loại vắc-xin đầy đủ và đúng lịch; đồng thời đảm bảo 9 qui tắc ăn uống dành cho trẻ biếng ăn nhẹ, ngăn ngừa trẻ bị SDD…

ThS. BS ĐỖ QUANG THÀNH

.
.
.