Thứ Hai, 26/02/2018, 21:00 (GMT+7)
.

10 điểm nổi bật của ngành Y tế Tiền Giang năm 2017

Trong năm 2017, ngành Y tế Tiền Giang đã nỗ lực thực hiện các hoạt động chuyên môn về chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hầu hết các chỉ tiêu cơ bản của ngành Y tế đều đạt và vượt kế hoạch do HĐND và UBND tỉnh giao. Trong đó, có thể khái quát với 10 điểm nổi bật như sau:

1. Về công tác dự phòng, duy trì kiểm soát và khống chế tốt các loại dịch bệnh, không xảy ra dịch lớn, không xảy ra các loại dịch bệnh mới (như cúm A H7N9, nhiễm virus Ebola, nhiễm MersCoV, virus Zika...). Các Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số đều thực hiện đạt chỉ tiêu.

Phẫu thuật nội soi đặt máy tạo nhịp tim là một trong những điểm nhấn  của ngành Y tế Tiền Giang năm 2017.
Phẫu thuật nội soi đặt máy tạo nhịp tim là một trong những điểm nhấn của ngành Y tế Tiền Giang năm 2017.

2. “Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện” của Bộ Y tế được các bệnh viện thực hiện tốt và ngày càng đạt những chỉ số cao. Cụ thể, 100% bệnh viện của tỉnh đều đạt tiêu chí chất lượng bệnh viện theo quy định của Bộ Y tế. Công tác khám, chữa bệnh được nâng cao về chất lượng.

Tổng số người điều trị nội trú tăng 5,19%. Tổng số ngày điều trị nội trú tăng 5,52%. Công suất sử dụng giường bệnh bình quân của các cơ sở điều trị đạt 105,66%.

Thông qua việc thực hiện Đề án Giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2014 - 2020 trên địa bàn tỉnh đã hạ thấp sự quá tải ở các bệnh viện.

Đề án bệnh viện vệ tinh triển khai tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh và Bệnh viện Phụ Sản tiếp tục phát huy hiệu quả, với nhiều tiến bộ kỹ thuật cao được tiếp nhận chuyển giao như: Siêu âm gắng sức; siêu âm tim đánh giá đồng vận thất trái; siêu âm mạch máu; đặt máy tạo nhịp tim; can thiệp tim mạch; hồi sức cấp cứu sản khoa; siêu âm hình thái học thai nhi…

3. Bảo hiểm Y tế (BHYT) có những chuyển biến mạnh mẽ. Ngành Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh, phối hợp với Bảo hiểm Xã hội tỉnh và các sở, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT đạt 78,76% (vượt chỉ tiêu của Thủ tướng Chính phủ giao trong năm 2017 là 76,5%).

100% cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh triển khai tốt tin học hóa trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT, đảm bảo trích xuất đầy đủ dữ liệu yêu cầu thanh toán BHYT. Thực hiện tốt thông tuyến khám, chữa bệnh tuyến huyện, phục vụ tốt nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của người tham gia BHYT. 

Mục tiêu phấn đấu đến năm 202 của ngành Y tế Tiền Giang

Theo tinh thần Nghị quyết 20 Hội nghị Trung ương 6 khóa XII; Chương trình hành động số 24 của Tỉnh ủy, ngành Y tế tiến hành thực hiện các mục tiêu cụ thể như sau:
- Tuổi thọ trung bình 75 tuổi, số năm sống khỏe đạt tối thiểu 67 năm.
- Tỷ lệ tham gia BHYT đạt 90% dân số. Tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho y tế giảm còn 35%.
- Tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đạt tối thiểu 95% với 12 loại vắc xin. Giảm tỷ suất tử vong trẻ em: Dưới 5 tuổi còn 10,5‰ và dưới 1 tuổi còn 9,1‰.
- Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi còn 12,1%. Tỷ lệ béo phì ở người trưởng thành dưới 12%. Chiều cao trung bình thanh niên 18 tuổi đối với nam đạt 167 cm, nữ 156 cm.
- Phấn đấu trên 90% dân số được quản lý sức khỏe; 95% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm.
- Đạt 25 giường bệnh viện, 8 bác sĩ, 2 dược sĩ đại học, 16 điều dưỡng viên trên 10.000 dân. Tỷ lệ giường bệnh tư nhân đạt 5%.
- Tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế đạt trên 80%.

4. Công tác đấu thầu thuốc, vật tư tiêu hao, vắc xin, sinh phẩm, hóa chất được thực hiện đúng theo tiến độ, kịp thời cung ứng cho nhu cầu sử dụng của các đơn vị trong ngành Y tế.

2 công ty dược phẩm của tỉnh không ngừng phát triển, phát huy tốt mạng lưới phân phối, cung ứng thuốc cho các cơ sở điều trị trong và ngoài tỉnh. Nổi bật có Công ty cổ phần Dược phẩm Tipharco đã không ngừng đầu tư cơ sở, trang thiết bị, công nghệ sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu sử dụng thuốc của nhân dân.

5. Ngành Y tế đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 31 quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm Y tế đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc tỉnh Tiền Giang quản lý.

Đây là sự bình đẳng, không phân biệt về giá giữa khám chữa bệnh cho người bệnh không có BHYT và người bệnh có BHYT tại cùng một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; đồng thời khuyến khích đối tượng chưa tham gia BHYT tham gia BHYT để được hưởng quyền lợi từ BHYT.

6. Về Xây dựng cơ bản, có 4 công trình chuyển tiếp năm 2016 gồm: Cải tạo, mở rộng Bệnh viện Đa khoa Khu vực Gò Công; xây dựng, mở rộng Bệnh viện Y học cổ truyền Tiền Giang; Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Tiền Giang và khối hội trường - ký túc xá - khu phụ trợ Trường Cao đẳng Y tế Tiền Giang.

Khởi công mới 5 dự án: Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang; cải tạo, nâng cấp Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang; Trung tâm Y tế huyện Cai Lậy; mở rộng Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tiền Giang và Phòng khám Đa khoa Tân Hương. Trong đó, Dự án Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang, với quy mô 1.000 giường bệnh và tổng mức đầu tư 2.350 tỷ đồng (giai đoạn 2017 - 2020) đã được UBND tỉnh động thổ xây dựng vào ngày 7-2-2018.

7. Để đáp ứng nhu cầu về trang thiết bị y tế cấp thiết, UBND tỉnh đã đầu tư thêm từ nguồn ngân sách tỉnh gần 12 tỷ đồng cho ngành Y tế để trang bị 20 máy chạy thận nhân tạo, 2 máy giúp thở, 3 xe ô tô cứu thương; đồng thời đầu tư 8 tỷ đồng từ nguồn kết dư 20% Quỹ Khám chữa bệnh BHYT năm 2015 để trang bị các trang thiết bị y tế cho các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa, trung tâm y tế và phòng khám đa khoa các huyện, thành phố, thị xã.

Đây là điều kiện để ngành Y tế tỉnh nâng cao năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tỉnh.

8. Thực hiện Bộ tiêu chí Quốc gia Y tế xã, toàn tỉnh hiện có 94,7% xã đạt tiêu chí Quốc gia Y tế. Ngành Y tế cũng đã ban hành Hướng dẫn 1413 ngày 14-6-2017 về đánh giá, thẩm định tiêu chí 15 (Y tế) và tiêu chí 17.8 (An toàn vệ sinh thực phẩm) để phục vụ cho việc thực hiện các tiêu chí của Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Tiền Giang.

9. Ngành Y tế xây dựng và trình phê duyệt những đề án, kế hoạch quan trọng, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành.

Cụ thể: Kế hoạch công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; kế hoạch đầu tư công trung hạn ngành Y tế năm 2018 đã được HĐND tỉnh phê duyệt; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng của tỉnh trong ngành Y tế giai đoạn 2016 - 2020; trình UBND tỉnh phê duyệt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang.

Đây là bước phát triển, nâng cao năng lực, chất lượng công tác y tế dự phòng và kiểm soát bệnh tật, góp phần chăm sóc tốt sức khỏe người dân trong tỉnh. Các Đề án nhân rộng và phát triển mô hình Bác sĩ gia đình, Chăm sóc người cao tuổi, Đề án cấp cứu trên đường cao tốc, Dự án Quân Dân Y được triển khai hoạt động theo đúng các quy định hiện hành, đạt kết quả cao.

10. Công tác thi đua được ngành Y tế triển khai thực hiện tốt. Kết quả, trong năm 2017, ngành Y tế tỉnh nhận được một số khen thưởng thành tích cao như: Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen Thủ tướng Chính phủ cho 1 tập thể và 5 cá nhân. UBND tỉnh tặng 7 Cờ thi đua, 96 danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc, 11 Chiến sĩ Thi đua cấp tỉnh. Bộ trưởng Bộ Y tế và Chủ tịch UBND tỉnh tặng 338 Bằng khen cho các tập thể và cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

MỘC TRÀ

.
.
.