Thứ Hai, 26/02/2018, 21:00 (GMT+7)
.

Y đức của người thầy thuốc và hạnh phúc của bệnh nhân

Vấn đề y đức ngày càng được đặt ra một cách bức thiết hơn trong đời sống xã hội hiện nay. Y đức được nhìn nhận như thế nào dưới góc độ của người quản lý ngành Y tế, của người trực tiếp chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân và cả người nhận sự chăm sóc điều trị từ ngành Y?

* Bác sĩ Chuyên khoa II TRẦN THANH THẢO, Giám đốc Sở Y tế:

Đối với ngành Y, ngoài tài năng (y thuật) cơ bản cần phải có, thì đạo đức nghề nghiệp (y đức) là yếu tố không thể thiếu.

Bởi y đức tạo nên giá trị và phẩm chất tốt đẹp, cao quý, bền vững của một cán bộ y tế, thể hiện qua thái độ, tinh thần trách nhiệm cao trong công việc; đồng thời hết lòng thương yêu, chăm sóc, đồng cảm với sự đau đớn của người bệnh.

Ngành Y tế là ngành đặc thù, liên quan trực tiếp đến sức khỏe và sinh mạng con người, hoàn toàn khác với các ngành nghề khác. Lao động ngành Y là loại lao động hết sức khẩn trương, giành giật từng giây từng phút trước tử thần để cứu người bệnh.

Môi trường làm việc độc hại, nguy cơ lây nhiễm cao và căng thẳng. Nhân viên ngành Y phải thường xuyên tiếp xúc với người bệnh đau đớn, bệnh tật, cáu gắt dễ có phản ứng phức tạp.

Nếu như trình độ nhận thức hiểu biết của người bệnh chưa tốt, thì họ sẽ có những đòi hỏi quá đáng hoặc những hành vi không đúng với thầy thuốc - những người đang tìm cách cứu sống họ. Từ đó, tình trạng căng thẳng giữa thầy thuốc và người bệnh sẽ dễ phát sinh.

Đó là thông tin về những đặc thù của ngành Y tế mà mọi người trong xã hội cần phải biết, thấu hiểu và cảm thông cho đội ngũ y, bác sĩ.

Ngược lại, khi đã tự nguyện dấn thân vào ngành Y vô cùng vất vả nhưng cũng rất vinh dự thì từng cán bộ y tế cần phải cảm thụ, quen dần với những điều kiện, hoàn cảnh khó khăn để rèn luyện, phấn đấu; đồng thời có thái độ, cử chỉ phù hợp của một người thầy thuốc chân chính.

Bởi lẽ, không có nghề nào tác động vào đời sống con người một cách sâu sắc và cấp thiết như nghề y. Một lỗi lầm hay một thiếu sót dù nhỏ nhưng lại có thể gây nên những tác hại lớn đến sức khỏe và thậm chí là tính mạng con người. Người mắc lỗi có khi không còn cơ hội sửa chữa, khắc phục được nữa. Do đó, xã hội đã tôn vinh ngành Y và đòi hỏi rất cao đối với người cán bộ y tế cả về tài năng lẫn đạo đức.

Bước vào thời kỳ mới, ngành Y tế nước ta có nhiều điều kiện phát triển. Đội ngũ cán bộ y tế có nhiều tiến bộ và cống hiến to lớn, nhưng cũng đứng trước những thách thức mới, trong đó có sự xuống cấp về y đức. Ngành Y tế đã có những chủ trương, biện pháp với quyết tâm củng cố, nâng cao y đức để xây dựng và phát triển ngành.

Có thể nói, cùng với việc thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thì những quy định về y đức luôn được dư luận trong cũng như ngoài ngành Y tế của cả nước ủng hộ. Những điều quy định đó đã giúp cho việc giáo dục, rèn luyện và cổ vũ phong trào thi đua phấn đấu trở thành những cán bộ, nhân viên y tế giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, trong sáng về đạo đức.

* Thạc sĩ - Bác sĩ NGUYỄN VĂN DŨNG, Khoa Nội thần kinh (Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang):

Y đức là đạo đức trong ngành Y. Bất cứ ngành nghề nào cũng cần có đạo đức nghề nghiệp. Riêng đối với đặc thù của ngành Y, y đức đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Nó đòi hỏi những tiêu chuẩn khắt khe về đạo đức. Người thầy thuốc phải có tâm, phải hết lòng  hy sinh vì cộng đồng.

Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng luôn chu đáo, tận tụy  với bệnh nhân.
Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng luôn chu đáo, tận tụy với bệnh nhân.

Với tác động của mặt trái cơ chế thị trường, ít nhiều cũng sẽ có tác động đến y đức của người thầy thuốc. Do đó, theo tôi, để giữ gìn y đức, người thầy thuốc cần phải tận tình, dành cả tâm và trí để chăm sóc bệnh nhân; không phân biệt đối xử, không vụ lợi.

Đối với đồng nghiệp phải biết đoàn kết, hợp tác chân thành, luôn luôn sẵn sàng trao đổi, chia sẻ và học hỏi lẫn nhau. Đối với nghề nghiệp, phải luôn đề cao tinh thần trách nhiệm và học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Người bác sĩ có y đức sẽ không dễ dàng bị cám dỗ bởi đồng tiền và sẽ rất xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ là “Lương y như từ mẫu”.

* Bà KIM ANH (ngụ phường 4, TP. Mỹ Tho) đang chăm sóc chồng điều trị tại Khoa Nội A (Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang):

Chồng tôi mắc nhiều chứng bệnh, thường xuyên ra vào bệnh viện điều trị. Lần nào vào bệnh viện cũng được bác sĩ phục vụ tận tâm, tận tình.

Cụ thể là gần đây (hôm 27 tết), chồng tôi bị ngất ở nhà và được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện. Sau đó, chồng tôi được đưa về Khoa Nội A nằm điều trị, với tiên lượng rất xấu.

Tuy nhiên tại khoa, bác sĩ và điều dưỡng rất chu đáo, tận tình trong việc thăm khám và điều trị bệnh cho chồng tôi. Mặc dù là những ngày tết nhưng các bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân kỹ lưỡng, không bỏ bữa nào.

Bà Kim Anh và chồng cảm kích trước sự chăm sóc tận tâm, tận tình của các y, bác sĩ, điều dưỡng Khoa Nội A.
Bà Kim Anh và chồng cảm kích trước sự chăm sóc tận tâm, tận tình của các y, bác sĩ, điều dưỡng Khoa Nội A.

Không chỉ trị bệnh, bác sĩ và điều dưỡng còn động viên, hướng dẫn tôi cách chăm sóc người bệnh kỹ càng từng li, từng tí. Việc đối đãi của bác sĩ, điều dưỡng với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân bằng cái tâm và cái tình là điều rất quý. Chồng tôi từ chỗ tiên lượng xấu thì nay đã có thể tự ngồi dậy và tự ăn cơm. Với gia đình tôi, đó là một kỳ tích từ cái tâm và cái tình của y, bác sĩ Khoa Nội A đem lại.

THỦY HÀ (lược ghi)

.
.
.