Thứ Năm, 15/03/2018, 16:00 (GMT+7)
.

Tăng huyết áp: Lơ là sẽ rước họa

Tăng huyết áp (THA) là căn bệnh có diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng hoặc triệu chứng không rõ rệt làm cho người bệnh không thể nhận biết hay chủ quan. Rất nhiều người không phát hiện bị mắc bệnh THA cho đến khi bệnh gây ra tổn thương nặng.

Hiện nay, THA không chỉ dừng lại ở người cao tuổi mà nguy cơ mắc bệnh ở mọi lứa tuổi, thậm chí là trẻ em.

THA là nguyên nhân hàng đầu gây nên đột quỵ (ảnh: Bệnh nhân đột quỵ đang được điều trị tại Khoa Nội thần kinh,  Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh).
THA là nguyên nhân hàng đầu gây nên đột quỵ (ảnh: Bệnh nhân đột quỵ đang được điều trị tại Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh).

KHÔNG NÊN CHỦ QUAN

THA thường không gây triệu chứng. Ngay cả khi bệnh gây ra một triệu chứng nào đó thì các triệu chứng này thường là nhẹ và không đặc hiệu (mơ hồ và có thể có trong nhiều loại bệnh khác nhau). Do đó, THA thường được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”. Bệnh nhân thường không biết mình bị THA, mà chỉ biết mắc bệnh khi tình cờ đo huyết áp.

Các triệu chứng của THA thường gặp như: Nhức đầu, chóng mặt, nhìn mờ, buồn nôn... Bệnh nhân thường chủ quan, không đến bác sĩ khi bị những triệu chứng này. Nhiều bệnh nhân chỉ tìm đến bác sĩ khi có những triệu chứng do các nội tạng bị tổn thương gây ra do THA kéo dài. Do đó, nhiều trường hợp bệnh đã gây ra tai biến nặng nề, khó hoặc không thể phục hồi, thậm chí gây tử vong.

Những tổn thương nội tạng thường gặp do THA kéo dài gây ra như: Nhồi máu cơ tim, suy tim, đột quỵ hay thiếu máu thoáng qua, suy thận, tổn thương mắt kèm với mất thị lực. Cùng với đó là các bệnh lý mạch máu ngoại biên gồm hẹp động mạch chi hay tắc động mạch chi, phình động mạch chủ.

Về nguyên nhân THA, có khoảng 10% trường hợp bệnh THA được gây ra bởi một bệnh khác, gọi là THA thứ phát. Ở những trường hợp này, khi bệnh chính được chữa khỏi thì huyết áp thường trở về bình thường.

Nguyên nhân gây ra THA thứ phát bao gồm: Suy thận mạn tính, suy thận cấp, viêm vi cầu thận cấp và mạn sỏi thận, thận đa nang, u hoặc những bệnh khác về tuyến thượng thận, bệnh của tuyến giáp, tuyến cận giáp, tuyến yên, hẹp động mạch thận, hẹp eo động mạch chủ bẩm sinh, hẹp động mạch nhiều nơi, yếu tố tâm thần…

Tuy nhiên, 90% trường hợp THA còn lại không tìm ra nguyên nhân và được gọi là THA nguyên phát. Mặc dù nguyên nhân chính chưa được biết đến nhưng một số yếu tố có thể góp phần gây ra THA.

Về tuổi tác, tuổi càng cao thì càng dễ bị  THA, đặc biệt là huyết áp tâm thu (do động mạch trở nên cứng hơn, bởi bệnh xơ cứng động mạch). THA cũng gặp nhiều hơn ở những nhóm người có trình độ giáo dục và kinh tế xã hội thấp. Bệnh THA có khuynh hướng di truyền theo gia đình và thường thì nam giới dễ bị THA hơn nữ giới. Điều này thay đổi theo tuổi tác và chủng tộc.

Chế độ ăn nhiều rau củ, cá giúp ích rất nhiều cho người THA và giảm nguy cơ THA ở người bình thường.
Chế độ ăn nhiều rau củ, cá giúp ích rất nhiều cho người THA và giảm nguy cơ THA ở người bình thường.

Đặc biệt, những người béo phì có nguy cơ bị THA cao gấp 2 đến 6 lần những người có trọng lượng trong giới hạn bình thường. Một số người có thói quen ăn mặn thường xuyên thì huyết áp của họ sẽ tăng cao, khi giảm lượng muối ăn vào có thể làm hạ huyết áp.

Đối với những người nhạy cảm với rượu thì uống nhiều hơn 1 - 2 ly rượu/ngày có thể làm THA. Ngoài ra, một số thuốc dùng bằng đường uống có thể gây THA như: Thuốc tránh thai; thuốc kháng viêm giảm đau; thuốc có corticoid. Người ngồi nhiều một chỗ cũng có thể bị béo phì và THA.

Biến chứng THA xảy ra chủ yếu ở tim, não, thận, mắt và mạch máu. Tại tim, THA gây tim lớn (lâu ngày gây suy tim), bệnh mạch vành (gồm thiếu máu cơ tim im lặng, cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim và đột tử do tim).

Tại não, THA gây cơn thiếu máu não thoáng qua, suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ và đột quỵ. Tại thận, THA làm tổn thương mạch máu thận dẫn đến suy thận. Tại mắt, THA gây mờ mắt, mù, gọi là bệnh lý võng mạc do THA. Tại mạch máu, THA gây phình, bóc tách thành động mạch chủ, vữa xơ động mạch, viêm tắc động mạch chân...

Về mặt sức khỏe, tất cả biến chứng của THA sẽ làm bệnh nặng dần, tàn tật nhiều (62% đột quỵ và 49% đau thắt ngực do THA) và gây chết đột ngột, từ từ hoặc chết sớm (bởi THA sẽ làm giảm tuổi thọ từ 10 - 20 năm). Còn về mặt tài chính, các triệu chứng THA sẽ làm tăng chi phí điều trị bệnh.

CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG  CHO NGƯỜI THA

Chế độ dinh dưỡng cho người THA sẽ tác động rất lớn tới việc phòng tránh bệnh. Do đó, việc phòng bệnh THA cũng nên bắt đầu từ việc cải tiến kết cấu ăn uống, tăng cường điều dưỡng bằng ăn uống, vì điều này thường thu được hiệu quả phòng trị bệnh rất tốt.

Theo khuyến cáo của bác sĩ Chuyên khoa II Lê Thúy Phượng, Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh, để phòng bệnh THA thì nên ăn ít muối. Chỉ cần ăn giới hạn muối trong khoảng 1.500mg/ngày sẽ làm giảm đáng kể huyết áp ở cả nhóm người ăn theo chế độ thông thường cũng như nhóm ăn theo chế độ kiểm soát huyết áp. Càng ăn ít muối huyết áp càng thấp.

Người đang có huyết áp cao chỉ nên ăn khoảng 2 - 3g muối mỗi ngày. Ngoài việc giảm lượng muối trong khi nấu nướng thì nên hạn chế dùng thêm muối hoặc nước chấm ở các bữa ăn. Bên cạnh đó, cần cẩn thận với những loại thức ăn nhanh, những món ăn công nghiệp, bởi đây là những thức ăn luôn có lượng muối khá cao.

Ăn nhiều rau quả cũng là một trong những giải pháp ngăn ngừa THA. Rau quả, ngũ cốc có tác dụng giúp giảm độ mỡ và điều hòa huyết áp. Chất xơ trong rau quả và những loại ngũ cốc thô như: Gạo lứt, các loại đậu... có tác dụng chuyển hoá các chất béo và làm hạ huyết áp.

Chế độ ăn nhiều chất xơ cũng sẽ giúp giảm mạnh các chứng THA và ngăn chặn hiệu quả các cơn đau tim. Ngoài chất xơ và những vi chất khác, ăn nhiều rau quả giúp bảo đảm chế độ nhiều Potasium và ít Sodium là những yếu tố vô cùng quan trọng việc ổn định huyết áp.

Đặc biệt, chuối có tỷ lệ Potassium/Sodium cực cao, do đó có tác dụng rất tốt trong việc hạ huyết áp và chống đột quỵ. Nếu thường ăn canh nấm mèo (mộc nhĩ), khổ qua thì cũng sẽ có tác dụng rất tốt để giải độc, cải thiện độ mỡ trong máu và làm hạ huyết áp. Các loại đậu, nhất là đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành với nhiều chất xơ, chất khoáng, chất chống oxy hóa... sẽ rất lý tưởng cho phòng chống THA.   

Ăn nhiều cá, hải sản, giảm các loại thịt đỏ. Bởi thịt và mỡ động vật, nhất là các loại thịt đỏ như: Thịt heo, thịt bò và các loại sữa, trứng có hàm lượng mỡ bão hòa cao là nguồn gốc làm phát sinh các chứng xơ vữa động mạch. Do đó, cần chuyển dần chế độ ăn nhiều thịt sang ăn nhiều cá và đạm thực vật.

Những người bệnh tim mạch không nên ăn quá 10% chất béo trong khẩu phần ăn mỗi ngày. Cần ăn chất béo có nguồn gốc từ thực vật như: Dầu thực vật, dầu cá và một số hạt có chất béo (hạt mè, hạt hướng dương, hạt hạnh nhân).

Acid béo omega 3 trong cá và các loại hạt có tác dụng làm hạ cholesterol xấu, tăng lượng cholesterol tốt và giảm nguy cơ máu đông. Những loại hạt này còn có nhiều loại khoáng chất cần thiết để điều hòa huyết áp như: Magnesium, potassium, calcium.

Hạn chế rượu và thuốc lá là điều rất cần thiết trong phòng tránh THA. Bởi hút thuốc làm tăng nhịp tim, THA, làm giảm lượng oxy cần thiết đến các tế bào và các cơ quan trong cơ thể. Còn đối với rượu, nếu lạm dụng thì sẽ gây hậu quả bệnh tật nghiêm trọng cho hệ tim mạch.

Nói chung, trong trường hợp nghiêm trọng, người bệnh THA nên tìm đến những biện pháp cấp cứu của y học hiện đại. Tuy nhiên, việc điều trị căn cơ và tận gốc bệnh THA phải dựa vào một lối sống lành mạnh gồm chế độ ăn uống hợp lý, vận động đều đặn và thực hành thư giãn.

MAI HÀ

.
.
.