Thứ Tư, 02/05/2018, 20:33 (GMT+7)
.

Ngộ độc ở bếp ăn tập thể: Vẫn còn nhiều nỗi lo

Mặc dù, các ngành chức năng đã tăng cường quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) nhưng tình hình ngộ độc thực phẩm (NĐTP) vẫn diễn biến rất phức tạp. Đặc biệt, NĐTP xảy ra tại bếp ăn tập thể ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp (gọi tắt khu, cụm CN) trường học, đám tiệc... có xu hướng tăng lên về số lượng và quy mô.

Nguy cơ NĐTP tại các bếp ăn tập thể ở các doanh nghiệp, các khu, cụm CN đang có xu hướng gia tăng. 	       Ảnh: HỮU NGHỊ
Nguy cơ NĐTP tại các bếp ăn tập thể ở các doanh nghiệp, các khu, cụm CN đang có xu hướng gia tăng. Ảnh: HỮU NGHỊ

Mỗi năm, Việt Nam ghi nhận khoảng 250 - 500 vụ NĐTP, với khoảng 7.000 - 10.000 người mắc và có từ 100 - 200 trường hợp tử vong. Năm 2017, cả nước xảy ra 139 vụ NĐTP, với 3.869 người mắc, trong đó có 24 trường hợp tử vong. So với năm 2016, NĐTP giảm về số vụ, số người mắc nhưng tăng số trường hợp tử vong. Trong 3 tháng đầu năm 2018, cả nước xảy ra 20 vụ NĐTP, với 502 người mắc, trong đó có 3 trường hợp tử vong.

Tại Tiền Giang, trong năm 2017, xảy ra 5 vụ NĐTP, với 192 người mắc. Từ đầu năm 2018 đến nay, Tiền Giang chưa ghi nhận vụ NĐTP nào xảy ra. Tuy nhiên, theo các ngành chức năng của tỉnh, nguyên nhân gây ra các vụ NĐTP trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua được xác định là do thực phẩm bị nhiễm vi sinh vật (33%), bị ô nhiễm hóa chất (27%), chứa các chất độc tự nhiên (37,5%) và bị nhiễm thuốc trừ sâu hay các chất phụ gia (hàn the, màu công nghiệp, đường hóa học)…

Theo các ngành chức năng, trong các vụ NĐTP xảy ra thì NĐTP tập thể có xu hướng gia tăng, nhất là tại bếp ăn tập thể của các doanh nghiệp trong khu, cụm CN. Nguyên nhân dẫn đến các vụ NĐTP tại bếp ăn tập thể ở các khu, cụm CN có rất nhiều và cũng khó khắc phục trong thời gian ngắn.

Trong đó, có các nguyên nhân chủ yếu: Mua suất ăn chế biến sẵn từ nơi khác vận chuyển đến; khó kiểm soát và quản lý nguồn thực phẩm nguyên liệu cung cấp, phương tiện, dụng cụ chế biến, thời gian vận chuyển... Bên cạnh đó, khẩu phần ăn của công nhân còn rất thấp, chỉ có giá trị từ 10.000 - 12.000 đồng/suất ăn.

Trong khi đó, công tác quản lý, kiểm tra, giám sát về VSATTP và khắc phục, xử lý các vụ NĐTP xảy ra ở bếp ăn tập thể tại các khu, cụm CN hiện nay gặp không ít khó khăn. Bởi có một thực tế, là khi các ngành chức năng muốn kiểm tra, thanh tra các bếp ăn tập thể ở các doanh nghiệp nằm trong khu, cụm CN thì phải thông báo trước từ 7 đến 10 ngày cho ban quản lý các khu, cụm CN và phải được sự chấp thuận của chủ doanh nghiệp.

Do đó, việc thanh tra, kiểm tra đột xuất tại bếp ăn tập thể ở các khu, cụm CN là gần như rất khó thực hiện. Bên cạnh đó, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, việc thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp tránh chồng chéo giữa các cơ quan chức năng và không cùng quá 1 lần trong năm. Trách nhiệm kiểm tra, giám sát chất lượng các bữa ăn và phòng ngừa nguy cơ NĐTP của tổ chức Công đoàn tại các doanh nghiệp còn rất  mờ nhạt...

Hiện nay, không chỉ có việc kiểm sát, bảo đảm an toàn thực phẩm ở các bếp ăn tập thể tại các khu, cụm CN là gặp khó mà đây còn là khó khăn chung của công tác quản lý VSATTP, phòng ngừa nguy cơ xảy ra các vụ NĐTP.

Nguyên nhân của những khó khăn thì có nhiều, nhưng chủ yếu là do Ban Chỉ đạo liên ngành về VSATTP của một số địa phương chưa thực sự quan tâm, sâu sát công tác bảo đảm VSATTP nói chung và trong phòng chống các nguy cơ dẫn đến NĐTP nói riêng.

Nguồn nhân lực cũng như kinh phí đầu tư cho công tác bảo đảm an toàn thực phẩm còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, một số quy định quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm vẫn chưa thực sự phù hợp với thực tế và còn chồng chéo.

Vấn đề bảo đảm VSATTP cũng như tình trạng NĐTP đang rất cần những giải pháp đồng bộ, toàn diện để từng bước cải thiện, khắc phục những tồn tại. Trong đó, cần tăng cường đầu tư kinh phí cho an toàn thực phẩm theo Nghị quyết 34 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật quản lý chất lượng VSATTP.

Nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm quản lý, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo liên ngành về VSATTP tại địa phương. Huy động sự phối hợp tham gia đầy đủ, tích cực của các đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội, kể cả người dân. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm; đồng thời, kiểm soát phòng, chống NĐTP.

Công tác thông tin tuyên truyền phổ biến kiến thức, quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, phòng chống NĐTP, nhất là tại bếp ăn tập thể cần được tăng cường thực hiện. Chú trọng truyền thông thay đổi hành vi cho các đối tượng sử dụng dịch vụ, cung cấp dịch vụ thức ăn sẵn và người tiêu dùng.

Nghiên cứu triển khai các mô hình điểm về bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố, vùng nguyên liệu an toàn, chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn. Các bếp ăn tập thể phải thực hiện triệt để quy trình, kỹ thuật và nội dung kiểm thực 3 bước gồm: Kiểm tra nguồn nguyên liệu thực phẩm nhập vào; kiểm tra thực phẩm trước, trong và sau khi chế biến; lưu mẫu...

BS CKII TRẦN THANH THẢO

.
.
Liên kết hữu ích
.