Thứ Tư, 27/02/2019, 16:36 (GMT+7)
.

Chuyện chăm sóc sức khỏe ở huyện vùng sâu

Nếu như trước đây, huyện Tân Phước là điểm nóng của tỉnh về tình trạng thiếu bác sĩ, thì hiện nay địa phương này có tỷ lệ bác sĩ trên vạn dân cao hơn tỷ lệ bình quân của tỉnh. Điều đặc biệt là huyện Tân Phước đã có sáng kiến “tăng cường ngược” giúp nâng cao tay nghề và tình yêu nghề của đội ngũ bác sĩ ở địa phương.

Bác sĩ Nguyễn Thị Mai ân cần khám bệnh cho người dân tại TYT xã Hưng Thạnh.
Bác sĩ Nguyễn Thị Mai ân cần khám bệnh cho người dân tại TYT xã Hưng Thạnh.

ĐÀO TẠO ĐỂ CÓ BÁC SĨ

Cách nay 10 năm, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân của huyện Tân Phước gặp nhiều khó khăn, bởi chỉ có 6/13 trạm y tế (TYT) xã của huyện có bác sĩ, tỷ lệ đạt chưa đến 50%.

Cùng với đó, các khoa, phòng của Trung tâm y tế (TTYT) huyện Tân Phước cũng thiếu bác sĩ nghiêm trọng. Để đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, bác sĩ tuyến huyện phải tăng cường về tuyến xã khám bệnh; đồng thời, tại TTYT huyện bác sĩ phải tham gia trực 2 ngày/tuần.

Áp lực về nhân lực trình độ chuyên môn cao đối với huyện Tân Phước vô cùng nặng nề, trong khi đó tình trạng thiếu bác sĩ, dược sĩ của tỉnh cũng rất lớn.

Bác sĩ Chuyên khoa II (CKII) Lê Văn Đức, Giám đốc TTYT huyện Tân Phước chia sẻ: “Các bệnh viện lớn cũng như các địa phương có điều kiện thuận lợi còn khó tuyển bác sĩ về công tác, thì huyện vùng khó khăn như Tân Phước bác sĩ nào mà về. Từ thực trạng đó, lãnh đạo TTYT huyện xác định muốn có bác sĩ để khám, chữa bệnh cho nhân dân không còn cách nào khác là phải đưa cán bộ của đơn vị đi đào tạo. Từ đó, công tác đào tạo cán bộ được TTYT huyện quan tâm đầu tư và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của tập thể đội ngũ cán bộ, viên chức ngành Y tế huyện nhà. Dù không được hỗ trợ kinh phí đào tạo nhưng phong trào học tập của cán bộ, viên chức ngành Y tế huyện rất cao”.

Hiện nay, đội ngũ cán bộ, viên chức ngành Y tế huyện Tân Phước ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. 100% TYT xã của huyện đã có bác sĩ, trong đó có 4 TYT xã có đến 2 bác sĩ. Tại TTYT huyện Tân Phước hiện có 2 thạc sĩ, 30 bác sĩ, trong đó có 2 bác sĩ CKII và 17 bác sĩ CKI.

Theo bác sĩ CKII Lê Văn Đức, hiện TTYT huyện đang đưa đi đào tạo 1 nghiên cứu sinh, 4 bác sĩ CKI và 1 dược sĩ CKI. Huyện Tân Phước hiện có tỷ lệ bình quân 8 bác sĩ/vạn dân, trong khi tỷ lệ này của tỉnh chỉ đạt 6,6 bác sĩ/vạn dân.

CHUYỆN “TĂNG CƯỜNG NGƯỢC”

Việc tăng cường bác sĩ từ tuyến huyện về tham gia khám, chữa bệnh tại các TYT xã được các địa phương trong tỉnh thực hiện rất tốt. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, huyện Tân Phước thực hiện quy trình “tăng cường ngược”, có nghĩa là các bác sĩ ở TYT xã mỗi tuần đều phải tăng cường về TTYT huyện ít nhất 1 ngày. Trong ngày tăng cường đó, các bác sĩ này phải tham gia khám bệnh và trực cấp cứu như những bác sĩ khác.

Bác sĩ Trần Ngọc Lĩnh, Trưởng TYT xã Phước Lập cho biết: “Mỗi tuần, tôi về TTYT huyện trực 1 ngày, vừa tham gia khám bệnh vừa trực cấp cứu. Tuy phải sắp xếp công việc ở TYT để đến TTYT huyện thực hiện nhiệm vụ tăng cường nhưng tôi rất hài lòng với cách làm này của Ban Giám đốc TTYT huyện. Bởi khi tham gia khám, chữa bệnh tại tuyến huyện tôi được tiếp xúc với nhiều bệnh nhân, từ đó nâng cao tay nghề hơn; đồng thời, tôi cũng được học tập thêm kinh nghiệm từ đồng nghiệp trong cách xử trí các tình huống cấp cứu”.

Không chỉ đội ngũ bác sĩ đang công tác tại TYT xã hài lòng với cách tổ chức của TTYT huyện Tân Phước, mà chính người dân cũng hài hòng hơn với chất lượng khám, chữa bệnh của các TYT xã.

Chị Nguyễn Ngọc Tuyết (ấp Hưng Phú, xã Hưng Thạnh) là bệnh nhân đang điều trị bệnh cao huyết áp và thoái hóa cột sống cho biết: “Tôi và người thân khi gặp vấn đề về sức khỏe thường đến TYT xã Hưng Thạnh để khám và điều trị bệnh. Bác sĩ và nhân viên ở trạm không chỉ rất nhiệt tình, chu đáo, mà còn chẩn đoán bệnh không khác bác sĩ tuyến trên nên tôi rất yên tâm. Bệnh nào trạm có thuốc sẽ điều trị, còn nếu bệnh không có thuốc, thì bác sĩ hướng dẫn rồi chuyển lên tuyến trên”.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Mai, Trưởng TYT xã Hưng Thạnh, năm 2015, trạm đạt 10 tiêu chí Quốc gia về y tế xã và duy trì cho đến nay. Thời điểm từ năm 2017 trở về trước, trung bình mỗi ngày trạm tiếp nhận khoảng trên dưới 10 bệnh nhân. Đến nay, mỗi ngày TYT khám và điều trị cho trên 30 người.

Bác sĩ Mai giải thích: “Từ lúc thực hiện Đề án tăng cường bác sĩ lên TTYT huyện khám bệnh nên kiến thức và kinh nghiệm trong chẩn đoán, điều trị bệnh của bác sĩ tuyến xã được cập nhật thường xuyên, từ đó tạo được lòng tin của nhân dân. Bệnh nhân đến trạm khám bệnh hiện nay đã không phải chờ đợi lâu; đồng thời, lượng thuốc của trạm theo danh mục phân cấp là 241 loại nên cơ bản đầy đủ để điều trị các bệnh thông thường và các bệnh mãn tính không lây”.

“Đào tạo để có bác sĩ chăm sóc sức khỏe nhân dân đã khó, thì việc giữ bác sĩ ở lại với huyện Tân Phước lại còn khó hơn. Do đó, chúng tôi xác định cần phải tạo môi trường làm việc tốt, ổn định cuộc sống gia đình cho cán bộ, viên chức ngành Y tế huyện. Tại Tân Phước không có sự phân biệt là bác sĩ tuyến huyện hay bác sĩ tuyến xã. Tất cả đều là bác sĩ của TTYT huyện và được quý trọng, tạo điều kiện làm việc như nhau” - bác sĩ CKII Lê Văn Đức khẳng định.

THỦY HÀ

.
.
.