Thứ Hai, 04/03/2019, 11:20 (GMT+7)
.

Dịch bệnh diễn biến phức tạp và nỗ lực của thành phố

Trong 2 tháng đầu năm 2019, tình hình dịch bệnh nói chung và bệnh sốt xuất huyết (SXH) nói riêng trên địa bàn TP. Mỹ Tho diễn biến khá phức tạp. Song, với sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của chính quyền thành phố, sự phối hợp của các ngành liên quan và sự nỗ lực của ngành Y tế thành phố trong công tác phòng, chống dịch, thành phố đã kiềm chế số trường hợp mắc bệnh.

Trong 2 tháng đầu năm 2019, tình hình dịch bệnh nói chung và bệnh sốt xuất huyết (SXH) nói riêng trên địa bàn TP. Mỹ Tho diễn biến khá phức tạp.
Cán bộ y tế tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh tại hộ gia đình.

SỐ CA MẮC BỆNH SXH CAO VÀ NỖ LỰC KIỀM CHẾ

Tính đến cuối tháng 2-2019, trên địa bàn TP. Mỹ Tho đã xảy ra 49 trường hợp bệnh SXH Dengue, tăng 188,2% so cùng kỳ năm 2018 và đã xảy ra 1 trường hợp tử vong (bệnh nhi dưới 1 tuổi). Theo ngành Y tế thành phố, bệnh SXH tại thành phố tiếp tục diễn biến bất thường, ngay trong tháng đầu năm đã có số ca mắc cao và có số ca mắc hằng tuần trung bình từ 1 - 6 trường hợp. Đến nay, bệnh SXH đã xảy ra ở 15/17 phường, xã (phường 2 và xã Thới Sơn chưa phát hiện ca bệnh SXH). Trước tình hình trên, ngay từ đầu năm 2019, Ban Chỉ đạo Chăm sóc sức khỏe nhân dân TP. Mỹ Tho đã tập trung chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống dịch SXH và đã đạt được một số kết quả nhất định..., qua đó góp phần hạ thấp số trường hợp mắc bệnh SXH trên địa bàn thành phố... Cụ thể, ngành Y tế thành phố thường xuyên tổ chức cho cán bộ y tế khu phố, ấp tuyên truyền, vận động các hộ dân trên địa bàn thực hiện tốt việc súc rửa các vật chứa nước, thả cá vào các vật chứa nước để diệt lăng quăng; đồng thời, dọn dẹp sạch khu vực chung quanh nhà, góp phần hiệu quả trong công tác phòng, chống bệnh SXH và các bệnh lây truyền qua muỗi. Thành phố và các phường, xã còn thường xuyên tổ chức vận động nhân dân tổng vệ sinh nhà ở và khu vực xung quanh; vận động nhân dân diệt lăng quăng, diệt muỗi phòng, chống bệnh SXH. Ngành Y tế thành phố còn xử lý 3 ổ dịch nhỏ (diệt lăng quăng và phun hóa chất diệt muỗi) bảo vệ cho 135 hộ dân trên địa bàn…

Tuy thành phố tổ chức thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp trong phòng, chống dịch bệnh nhưng bệnh SXH trên địa bàn thành phố vẫn còn diễn biến phức tạp và bất thường. Nguyên nhân một phần do đặc điểm của thành phố là nơi tập trung đông dân, dân nhập cư nhiều, tỷ lệ biến động dân lớn là điều kiện thuận lợi dễ phát sinh bệnh truyền nhiễm, dễ lây lan thành dịch; tình hình thời tiết phức tạp (đặc biệt là khi chuyển mùa) nên dễ phát sinh dịch bệnh... Bên cạnh đó, một bộ phận người dân chưa thực hiện tốt việc giữ gìn vệ sinh chung, chưa thực hiện triệt để việc diệt lăng quăng, diệt muỗi (là trung gian gây bệnh)... làm ảnh hưởng đến việc khống chế bệnh SXH.

ĐỀ PHÒNG CÁC BỆNH TRUYỀN NHIỄM

Bên cạnh đó, đến cuối tháng 2-2019, toàn thành phố đã xảy ra 10 trường hợp bệnh sởi, tăng 10 trường hợp so với cùng kỳ năm 2018; 6 trường hợp bệnh tay chân miệng; 2 trường hợp bệnh thủy đậu; 43 trường hợp bệnh tiêu chảy nhập viện... Tất cả các ca bệnh này đều không xảy ra trường hợp tử vong. Tuy từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn thành phố không ghi nhận ca bệnh cúm A H1N1, H5N1, tả, thương hàn, não mô cầu, sốt rét..., nhưng do tính chất nguy hiểm của các loại bệnh truyền nhiễm này có khả năng thành dịch lớn nên các ngành, các cấp đã tích cực tập trung cho việc thực hiện các biện pháp phòng, chống. Trong tháng 2-2019, Trung tâm Y tế TP. Mỹ Tho tập trung thực hiện chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella cho trẻ từ 1 - 5 tuổi trong vùng có nguy cơ cao trên địa bàn thành phố. Theo đó, thành phố thực hiện chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella cho khoảng 11.360 trẻ từ 1 - 5 tuổi trong vùng có nguy cơ cao trên toàn địa bàn.

Bên cạnh những thuận lợi trên, trong những tháng đầu năm 2019 công tác phòng, chống dịch bệnh của thành phố vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: Diễn biến dịch bệnh phức tạp; nguy cơ xâm nhập các bệnh truyền nhiễm mới nổi vào thành phố rất cao; ý thức phòng bệnh của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, nhất là diệt lăng quăng, diệt muỗi, giữ gìn vệ sinh môi trường, sử dụng nguồn nước sạch và sử dụng thực phẩm an toàn; một bộ phận người dân tuy có kiến thức nhưng chưa có trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh, từ đó dẫn đến tình trạng một số bệnh truyền nhiễm trên địa bàn thành phố vẫn còn xảy ra thường xuyên. Chính vì thế, ngay từ đầu năm 2019 công tác phòng, chống dịch bệnh được thành phố tăng cường thực hiện, trong đó có sự chủ động của chính quyền thành phố và sự tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, UBND các phường, xã. Đặc biệt là vai trò của ngành Y tế thành phố đối với việc thực hiện hiệu quả các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn thành phố...

Trong thời gian tới, để chủ động phòng, chống bệnh SXH nói chung và các bệnh truyền nhiễm khác, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện một số nội dung trọng tâm như: Củng cố Ban Chỉ đạo Chăm sóc sức khỏe nhân dân của thành phố và các phường, xã; đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục y tế về phòng, chống bệnh SXH; tổ chức giám sát chặt chẽ các bệnh truyền nhiễm - dịch; tiếp tục điều tra, xử lý triệt để các ổ dịch nhỏ, các ca bệnh SXH; sẽ triển khai thực hiện việc dập dịch các điểm nóng (nếu dịch bệnh phức tạp) nhằm khống chế bệnh SXH đến mức thấp nhất trên địa bàn thành phố...

THANH TÙNG

 
.
.
.