Thứ Năm, 25/04/2019, 15:40 (GMT+7)
.

Lưu ý phòng bệnh trong mùa nắng nóng

Trong gần 1 tháng qua, bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm (ĐKTT) Tiền Giang tăng cao. Trong đó, trẻ em và người cao tuổi là 2 nhóm tuổi bị ảnh hưởng sức khỏe nhiều nhất. Có một số bệnh tăng nổi bật là viêm đường hô hấp, tiêu chảy ở trẻ em và bệnh tim mạch, rối loạn tiêu hóa ở người cao tuổi.

BỆNH NHI TĂNG

Theo bác sĩ Huỳnh Công Thanh, khoa Nhi, Bệnh viện ĐKTT Tiền Giang, thời tiết nắng nóng những ngày qua khiến trẻ em đến khám và nhập viện điều trị tại bệnh viện tăng ở một số bệnh là viêm đường hô hấp và rối loạn tiêu hóa.

 Bệnh lý về hô hấp và tiêu hóa tăng ở trẻ em do nắng nóng. Bác sĩ Huỳnh Công Thanh thăm khám cho bệnh nhi.
Bệnh lý về hô hấp và tiêu hóa tăng ở trẻ em do nắng nóng. Trong ảnh, bác sĩ Huỳnh Công Thanh thăm khám cho bệnh nhi.

Bệnh hô hấp chiếm từ 40% đến 50% trẻ em nằm viện, nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Nguyên nhân mùa nóng làm trẻ mắc bệnh hô hấp tăng cao là do trẻ bị nhiễm lạnh. Điều này nghe có vẻ nghịch lý, nhưng khả năng nhiễm lạnh của các bé có thể gặp trong những tình huống như:

Trời nóng nực, do cơ thể bị mất nước nhiều nên trẻ em hay cảm thấy khát nước và thích uống nước đá, nước lạnh để giải nhiệt cơn khát. Tuy nhiên, niêm mạc ở họng rất nhạy cảm, dễ bị kích thích, nước đá, nước lạnh có thể làm tổn thương niêm mạc vì nhiệt độ quá lạnh; trong nước đá không rõ nguồn gốc có thể chứa nhiều vi khuẩn nên khả năng gây viêm họng càng cao hơn.

Dùng quạt máy không đúng cách cũng làm trẻ nhiễm lạnh. Khi mồ hôi ra nhiều mà ta bật quạt ngay khiến cho các mạch máu ngoài da toàn thân lúc đó đang giãn rộng, nếu bị gió đột ngột sẽ co lại làm ngưng trệ bài tiết mồ hôi, gây mất cân bằng giữa việc sinh nhiệt và thải nhiệt trong cơ thể, trẻ bị rối loạn cân bằng nhiệt độ gây suy yếu cơ thể, lúc đó virus và vi khuẩn xâm nhập có thể gây bệnh cảm nhiễm đường hô hấp.

Đề phòng bệnh viêm đường hộ hấp trong mùa nắng, người dân cần chú ý không để trẻ bị nhiễm lạnh. Khi nằm quạt, nên nằm cùng hướng thổi của quạt, hướng ra cửa và không nên bật số cao. Phòng thoáng gió thì chỉ nên mở quạt với vận tốc nhỏ cho gió thổi nhẹ.

Cũng không nên để quạt thốc thẳng vào người mà để gió thổi lệch sang phía khác, tránh gió lạnh xâm nhập cơ thể, nhất là với người đang suy nhược hoặc đang đầm đìa mồ hôi. Tốt nhất là dùng quạt đảo chiều.

Với máy lạnh thì để máy lạnh ở mức 26 độ C là vừa. Nên uống nhiều nước để chống khô họng. Trong phòng nên đặt một chậu nước, năng lau sàn nhà bằng khăn ướt. Mỗi khi từ phòng lạnh ra ngoài nên mở to cửa và đứng ở cửa khoảng 2-3 phút để cơ thể thích nghi với không khí mới.

Bệnh thứ hai là rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy. Nhiều trẻ em nhập viện tuổi rất nhỏ. Trẻ nhập viện trong tình trạng nôn ói, tiêu chảy nhiều dẫn đến mất nước, điện giải. Bệnh viện phải bù nước cho trẻ bằng truyền dịch.

Theo bác sĩ Thanh, tiêu chảy cấp vẫn còn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ vì do cơ thể mất nước và điện giải. Tiêu chảy cũng chính là nguyên nhân khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, ảnh hưởng tới sự tăng trưởng của trẻ. Khi trẻ đi ngoài phân lỏng hay bị tóe nước hơn 3 lần/24 giờ là trẻ đã bị tiêu chảy.

Vào mùa nắng nóng, trẻ thường bị tiêu chảy do vi khuẩn (như E.Coli) hoặc do virut. Khi trẻ bị tiêu chảy, việc đầu tiên các bậc cha mẹ cần làm là cho con uống nước oresol, không nên bắt trẻ phải nhịn ăn, tiếp tục cho trẻ bú mẹ nếu trẻ đang trong thời kỳ bú. Khi trẻ khỏi nên cho trẻ ăn tăng bữa để trẻ lấy lại được sự cân bằng nhanh chóng. Không được uống bất cứ loại thuốc nào nếu như không được bác sĩ chỉ định.

Để phòng bệnh tiêu chảy, nên cho con bú mẹ hoàn toàn trong 4-6 tháng đầu để trẻ hấp thu các kháng thể. Cung cấp cho trẻ các loại vitamin và các loại nguyên tố vi lượng như kẽm, sắt, đồng, acid folic... Và quan trọng hơn cả là khi chế biến thức ăn cho trẻ, các bậc cha mẹ phải chú ý tới việc chế biến, việc bảo quản thức ăn và nguồn nước phải được bảo đảm vệ sinh. Thực hiện rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn và cho trẻ ăn.

BỆNH TIM MẠCH Ở NGƯỜI CAO TUỔI

Bác sĩ Cao Hồng Như, Trưởng khoa Khám, Bệnh  viện ĐKTT tỉnh, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận khám cho hơn 2.000 bệnh nhân. Tuy nhiên, những ngày nắng nóng đỉnh điểm vừa qua khiến bệnh nhân đến khám bệnh tăng lên gần 3.000 lượt mỗi ngày. Trong đó bệnh tăng tập trung chủ yếu ở đối tượng trẻ em và người cao tuổi với các nhóm bệnh chủ yếu ở người cao tuổi là tăng huyết áp, rối loạn tiêu hóa, tim mạch.

Người dân mắc vấn đề về sức khỏe tăng do nắng nóng kéo dài
Người dân mắc vấn đề về sức khỏe tăng do nắng nóng kéo dài.

Bác sĩ Như cho rằng thời tiết nắng nóng khiến cơ thể ra nhiều mồ hôi dẫn đến mất nước, điện giải nếu không cấp bù đủ nước sẽ khiến máu cô đặc lại, giảm thể tích máu lưu thông, khiến tim đập nhanh và huyết áp tăng. Do đó bệnh nhân mắc bệnh tim mạch mãn tính trở nặng thêm.

Để phóng bệnh, bảo vệ sức khỏe trong điều kiện thời tiết nóng bức này, bác sĩ Như khuyến cáo: Nên uống nhiều nước, đủ nước và không nên uống nhiều nước đá vì có thể gây viêm họng; hạn chế ra ngoài trong thời gian nắng đỉnh điểm từ 10 giờ đến 15 giờ mỗi ngày.

Nếu cần thiết phải ra bên ngoài trong lúc trời nắng phải mang nón, áo khoác, khẩu trang chống nóng. Cần nên thực hiện ăn chín, uống sôi, ăn thức ăn lỏng dễ tiêu hóa và tránh ăn quá no; nên ăn nhiều trái cây mọng nước; tránh thay đổi môi trường đột ngột (từ phòng máy lạnh ra ngoài) để tránh tình trạng sốc nhiệt nguy hiểm…

THỦY HÀ

.
.
.