Thứ Hai, 08/04/2019, 14:31 (GMT+7)
.

Tăng huyết áp là nguy cơ hàng đầu gây đột quỵ

Bệnh nhân đột quỵ được điều trị tại đơn vị đột quỵ, Khoa Nội thần kinh (Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh).
Bệnh nhân đột quỵ được điều trị tại đơn vị đột quỵ, Khoa Nội thần kinh (Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh).

Những năm gần đây, chứng bệnh đột quỵ xảy ra ngày càng nhiều. Đột quỵ đã cướp đi sinh mạng và cuộc sống bình thường của nhiều người.

Tăng huyết áp là nguy cơ hàng đầu gây đột quỵ. Tai biến này thường để lại di chứng hết sức nặng nề như liệt nửa người, nói ngọng, bại não, hôn mê, sống đời sống thực vật, thậm chí tử vong… làm ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của con người.

ĐỘT QUỴ LÀ GÌ ?

Đột quỵ là biểu hiện của tai biến mạch máu não. Đột quỵ xảy ra khi một mạch máu nuôi não bị nghẽn tắc (đột quỵ do thiếu máu cục bộ) hoặc bị vỡ (đột quỵ do xuất huyết).

Khi đó phần bị thiếu máu của não không thể hoạt động và bộ phận của cơ thể mà phần não đó kiểm soát cũng không thể hoạt động.

Ngày nay, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong lớn thứ tư trên thế giới. Nó cũng là nguyên nhân chính gây tàn tật nghiêm trọng và lâu dài. Những người trên 55 tuổi có nhiều khả năng bị đột quỵ hơn và càng lớn tuổi thì nguy cơ bị đột quỵ càng cao. Nam giới, những người bị tiểu đường hay bệnh tim có nguy cơ bị đột quỵ nhiều nhất.

Theo bác sĩ CKII Nguyễn Văn Thành, Trưởng khoa Nội thần kinh (Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh), kết quả nghiên cứu gần đây của các chuyên gia y khoa hàng đầu Việt Nam cho thấy, gần 60% nguyên nhân gây đột quỵ là do tăng huyết áp. Đột quỵ có 2 dạng cơ bản: Nhồi máu não (chiếm 80%) và chảy máu não (chiếm 20%), với các mức độ khác nhau, từ  rất nhẹ (tự hồi phục, không di chứng) đến rất nặng (đe dọa tính mạng hoặc tử vong ngay). Tuy xuất huyết não xuất hiện ít hơn nhồi máu não nhưng tỷ lệ tử vong cao hơn và các bệnh nhân còn sống sót bị di chứng sa sút trí tuệ cũng như di chứng liệt nửa người rất nặng nề. Vì thế, bắt buộc phải điều trị bệnh nhân tại bệnh viện có chuyên khoa bệnh mạch máu não.

Người bị đột quỵ có thể có một số hay tất cả các dấu hiệu: Bất ngờ có cảm giác tê liệt hoặc yếu ớt ở mặt, tay hay chân, đặc biệt ở một bên của cơ thể; đột ngột bị lẫn lộn, gặp vấn đề trong việc nói và hiểu; đột ngột có vấn đề về thị lực ở một hoặc cả 2 mắt; đột ngột có vấn đề trong việc đi lại, bị hoa mắt, mất thăng bằng hay mất khả năng kiểm soát sự di chuyển của cơ thể; đau đầu dữ dội và đột ngột mà không rõ nguyên nhân.

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên, hãy gọi cấp cứu y tế gần nhất ngay lập tức. Điều quan trọng là phải đến bệnh viện ngay. Phần nhiều bệnh nhân đột quỵ đến bệnh viện khi đã quá muộn nên di chứng để lại rất nặng nề, khó phục hồi, thậm chí tử vong. Trong khi đó, nếu bệnh nhân đến bệnh viện trước 3 giờ sau khi phát bệnh thì khả năng điều trị phục hồi rất cao.

TĂNG HUYẾT ÁP LÀ THỦ PHẠM HÀNG ĐẦU

Tăng huyết áp làm tăng áp lực thường xuyên của dòng máu lên trên thành mạch làm cho thành mạch bị dãn dần ra và xuất hiện những tổn thương. Những tổn thương này xuất hiện ngày càng tăng ở các mạch máu não, nếu áp lực dòng máu đột ngột tăng cao (gặp trong những cơn cao huyết áp ác tính) có thể làm cho mạch máu bị vỡ ra gây xuất huyết não.

Nếu bị những tổn thương nhỏ, hệ thống tiểu cầu và các sợi fibrin sẽ đến để vá lại vết thương và hình thành các cục máu đông, cộng thêm tình trạng rối loạn mỡ máu, thừa cholesterol thường gặp ở những người cao huyết áp làm cho thành mạch bị dày lên, lâu dần dẫn đến bít tắc các mạch máu.

Tình trạng vỡ hay bít tắc các mạch máu não đều làm ngừng trệ việc cung cấp máu, gây ra thiếu máu cục bộ tại não và xuất hiện những triệu chứng lâm sàng mà người ta gọi là đột quỵ.

Thông thường, bệnh mạch máu não hình thành và phát triển một thời gian trước khi gây đột quỵ não. Bệnh có thể có triệu chứng báo trước, nhưng cũng có thể không có triệu chứng gì cho đến khi đột quỵ xảy ra.

Nếu được phát hiện bệnh trước khi đột quỵ, bệnh nhân có thể sẽ được tư vấn điều trị để hạn chế nguy cơ bị đột quỵ. Như thế sẽ là lý tưởng vì tránh được tổn thương cho các tế bào não.

Để phát hiện bệnh mạch máu não trước khi đột quỵ xảy ra, người bệnh cần đến bác sĩ chuyên khoa mạch máu não để khám nếu có hoặc nghi ngờ có triệu chứng về thần kinh; chẩn đoán hình ảnh não và mạch máu não là bắt buộc vì sự chần chừ có thể phải trả giá bằng tính mạng của bệnh nhân.

Trung bình mỗi năm, Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh tiếp nhận điều trị khoảng 2.000 bệnh nhân đột quỵ, trong đó trên 20% trường hợp bệnh nhân tử vong, trên 50% bệnh nhân còn lại mắc các di chứng nặng nề như liệt nửa người, sống đời sống thực vật…

Đối với bệnh nhân đột quỵ, các phương pháp can thiệp mạch máu não bằng ống thông hoặc phẫu thuật sọ não có thể phải được thực hiện khẩn cấp song song với hồi sức tích cực đột quỵ não. Sau đột quỵ, bệnh nhân cần được tích cực phục hồi chức năng và dùng thuốc dự phòng đột quỵ tái phát theo đơn của bác sĩ chuyên khoa.

Giáo sư Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội Phòng chống cao huyết áp và tai biến mạch máu não Việt Nam cho rằng: “Điều trị đột quỵ phải mất nhiều thời gian, có thể kéo dài từ vài tháng đến vài năm và rất tốn kém tiền bạc, từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng nhưng hiệu quả phục hồi không cao.

Vì vậy để phòng ngừa đột quỵ phải quản lý và điều trị tốt bệnh tăng huyết áp tại phòng khám tim mạch, phòng khám nội ở các bệnh viện… Ngoài ra, còn phải phòng ngừa tăng huyết áp với chế độ ăn dinh dưỡng hợp lý, hạn chế ăn mỡ động vật và thay bằng dầu thực vật. Nếu quản lý và điều trị dự phòng tăng huyết áp tốt thì đột quỵ sẽ giảm”.

THỦY HÀ

.
.
.