Thứ Hai, 26/08/2019, 21:15 (GMT+7)
.

Tiền Giang ghi nhận gần 2.400 ca sốt xuất huyết

(ABO) Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang, đến tuần thứ 33 (từ ngày 12-8 đến 18-8), toàn tỉnh ghi nhận 2.387 ca sốt xuất huyết (SXH), tăng 165% so với cùng kỳ năm 2018); trong đó số ca SXH nặng là 15 ca, SXH Dengue và SXH Dengue có dấu hiệu cảnh báo là 2.372 ca.

Các huyện có số ca mắc SXH cao là huyện Cái Bè 488 ca, huyện Châu Thành 403 ca và TP. Mỹ Tho 330 ca. Riêng trong tuần 33, toàn tỉnh có 20 xã thuộc 5 huyện, thị vượt đường cong chuẩn và có nguy cơ gây bùng phát SXH là huyện Cai Lậy, TX. Cai Lậy, huyện Chợ Gạo. TX. Gò Công, huyện Tân Phước và huyện Cái Bè. Bên cạnh đó, có 17 xã thuộc 6 huyện vượt đường trung bình chuẩn.

Nhiều bệnh nhi mắc SXH nhập viện điều trị tại Bệnh viện ĐKTT tỉnh
Nhiều bệnh nhi mắc SXH nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang.

Trước tình hình SXH diễn biến phức tạp hiện nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đề nghị các huyện có các xã vượt đường cong chuẩn và đường trung bình chuẩn báo cáo Ủy ban nhân dân khẩn trương tiến hành dập dịch đúng quy định, không để dịch lan rộng; đồng thời, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn tiến của dịch.

Sở Y tế đã thành lập 2 đoàn kiểm tra các hoạt động phòng, chống SXH ở tất cả các huyện và các xã có số mắc cao có nguy cơ bùng phát dịch nhằm hỗ trợ và can thiệp hiệu quả.

Thực hiện Chỉ thị 07/CT-BYT của Bộ Y tế, Công văn số 3328/UBND- VHXH chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh về tăng cường phòng, chống SXH trong những tháng cuối năm, ngành Y tế chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị có liên quan tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ dịch SXH; tổ chức các đợt chiến dịch lớn để diệt lăng quăng từ nay đến cuối năm như:

Bệnh nhi mắc SXH nặng được theo dõi điều trị tích cực
Bệnh nhi mắc SXH nặng được theo dõi điều trị tích cực.

Cùng với đó là tổ chức các chiến dịch truyền thông nhằm vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch ngay tại hộ gia đình với khẩu hiệu “Không có lăng quăng không có SXH”; hướng dẫn người dân cách xử lý các dụng cụ chứa nước để không cho muỗi vào đẻ trứng, các biện pháp diệt muỗi và phòng tránh muỗi đốt.

Đồng thời, thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch SXH tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch, hỗ trợ tuyến dưới trong công tác phòng, chống dịch; chỉ đạo các đơn vị nghiêm túc chế độ giám sát ca mắc và báo cáo tình hình dịch bệnh theo đúng quy định.

Ngoài bệnh sốt xuất huyết, ngành Y tế cũng khuyến cáo, thời điểm này mọi người cần chủ động phòng các bệnh nhiễm khuẩn đường ruột, viêm hô hấp, tay chân miệng vì đang gia tăng.

 THANH HOÀNG

 

.
.
.