Thứ Hai, 14/10/2019, 16:27 (GMT+7)
.

Đảm bảo nguồn chi cho khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

Phó Giám đốc phụ trách BHXH tỉnh Lê Văn Chương.
Phó Giám đốc phụ trách BHXH tỉnh Lê Văn Chương.

 (ABO) Việc thực hiện chính sách, pháp luật về khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2016 - 2019 đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, mới đây, Ban Văn hoá - Xã hội (VH-XH), Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Tiền Giang giám sát về vấn đề này cho thấy, vẫn còn tồn tại không ít khó khăn, vướng mắc, nhất là việc sử dụng Quỹ KCB BHYT tại các bệnh viện, trung tâm y tế tiếp tục tăng và vượt so với dự toán được giao. Để hiểu rõ vấn đề này, phóng viên (PV) Báo Ấp Bắc đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc phụ trách Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh Lê Văn Chương.

* PV: Đồng chí có thể cho biết kết quả thực hiện công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT từ năm 2016 đến nay?

* Đồng chí Lê Văn Chương: Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức BHXH từ tỉnh đến các huyện, thị, thành, công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT của tỉnh từ năm 2016 đến nay tăng bình quân trên 7,3%.

Cụ thể, năm 2016 có 1.269.131 người tham gia BHYT, chiếm 72,5% dân số toàn tỉnh, tăng 10,2% so với năm 2015 (vượt 1%  chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao); năm 2017 có 1.401.636 người tham gia BHYT, chiếm 79,6% dân số toàn tỉnh, tăng 9,3% so với năm 2016 (vượt 3,06% chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao); năm 2018, số người tham gia BHYT là 1.470.696 người, chiếm 83% dân số toàn tỉnh, tăng 4,9% so với năm 2017 (vượt 1,3% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao); tính đến 31-8-2019 có 1.549.142 người tham gia BHYT, chiếm 87,2% dân số toàn tỉnh (vượt 1,5% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao).

Đoàn giám sát Ban VH-XH, HĐND tỉnh làm việc với BHXH tỉnh.
Đoàn giám sát Ban VH-XH, HĐND tỉnh làm việc với BHXH tỉnh.

* PV: Qua đợt giám sát mới đây của Ban VH-XH, HĐND tỉnh cho thấy, tình hình vượt Quỹ KCB BHYT ở các bệnh viện, trung tâm y tế ngày càng tăng, vậy đâu là nguyên nhân, thưa đồng chí?

* Đồng chí Lê Văn Chương: Mặc dù BHXH tỉnh đã có nhiều giải pháp nhằm kiểm soát chi phí KCB BHYT nhưng tình hình vượt Quỹ KCB BHYT các năm qua vẫn gia tăng bởi nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Trong đó, nguyên nhân khách quan là mức đóng BHYT không tăng nhưng quyền lợi của người tham gia BHYT càng được mở rộng. Việc phát triển đối tượng tham gia BHYT để tăng tỷ lệ bao phủ BHYT tuy có đẩy mạnh nhưng chưa đảm bảo tính bền vững.

Người tham gia BHYT theo đối tượng hộ gia đình đa số là những người mắc bệnh mãn tính, bệnh nặng có chi phí điều trị cao. Chính sách thông tuyến bệnh viện huyện trên phạm vi cả nước đã tạo thuận lợi cho người dân KCB.

Tuy nhiên, một số bệnh viện ngoài tỉnh lợi dụng chính sách này để khuyến khích bệnh nhân đến KCB, trong đó có chỉ định dịch vụ y tế như xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh… mang tính chất kiểm tra tầm soát nhằm hợp thức hóa chứng từ đưa vào thanh toán BHYT. Chính vì vậy, chi phí KCB BHYT phát sinh ngoài tỉnh luôn chiếm tỷ lệ rất cao.

Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan là do một số cơ sở KCB chưa thực hiện đưa dữ liệu KCB lên hệ thống thông tin giám định BHYT ngay khi bệnh nhân thanh toán ra viện; do đó, khi bệnh nhân đến khám tại cơ sở KCB khác trong ngày không kiểm tra được trên hệ thống. Ngoài ra, chủ trương tự chủ về tài chính gây áp lực lớn trong việc cân đối thu chi tại các đơn vị KCB.

Do cơ sở vật chất cũng như chất lượng KCB tại một số cơ sở KCB trong tỉnh còn hạn chế nên chưa thu hút bệnh nhân đến KCB dẫn đến nhiều bệnh nhân điều trị ngoài tỉnh với chi phí rất cao, nhất là điều trị tại TP. Hồ Chí Minh. Lãnh đạo một số cơ sở y tế chưa quan tâm, chủ động trong việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí được Ủy ban nhân dân tỉnh giao... dẫn đến tình hình vượt Quỹ KCB BHYT ngày càng tăng.

* PV: Như vậy, BHXH tỉnh sẽ có những giải pháp gì để kiểm soát chi phí KCB, đảm bảo duy trì quỹ dự phòng KCB BHYT trong thời gian tới, thưa đồng chí?

* Đồng chí Lê Văn Chương: Nhằm kiểm soát Quỹ KCB BHYT trong thời gian tới BHXH tỉnh đề ra một số giải pháp như sau: Phát triển đối tượng tham gia BHYT bền vững; đẩy mạnh số người tham gia BHYT để tăng nguồn thu, duy trì ổn định các đối tượng đã tham gia BHYT; tăng cường công tác tuyên truyền, xây dựng giải pháp phù hợp để phát triển theo từng nhóm đối tượng; thường xuyên theo dõi tình hình thực hiện nguồn kinh phí được giao.

Bên cạnh đó, Sở Y tế cần chỉ đạo các cơ sở KCB quản lý hiệu quả nguồn kinh phí được giao, chủ động điều tiết, cân đối đảm bảo nguồn chi cho công tác KCB, bảo đảm quyền lợi của người KCB BHYT.

Định kỳ hằng quý hoặc khi cần thiết báo cáo với Tỉnh ủy, HĐND, Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình sử dụng kinh phí KCB BHYT; đồng thời, đề xuất các giải pháp kiểm soát chi phí KCB nhằm ngăn ngừa tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ KCB BHYT.

Hệ thống BHXH của tỉnh sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giám định, thanh toán chi phí KCB BHYT, đôn đốc cơ sở KCB liên thông dữ liệu đúng ngày, phân tích, đánh giá chi phí  KCB.

Qua đó, nếu phát hiện vấn đề bất thường thì kịp thời có các giải pháp can thiệp phù hợp. Phối hợp Sở Y tế tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với những cơ sở KCB có sự gia tăng chi phí bất thường, cơ sở KCB có dấu hiệu lạm dụng, trục lợi Quỹ KCB BHYT; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người tham gia BHYT.

Xác định việc quản lý BHYT, cân đối Quỹ BHYT là trách nhiệm chung của 2 ngành Y tế và BHXH. Vì vậy, lãnh đạo 2 ngành cần triển khai và chỉ đạo cho toàn bộ cán bộ, viên chức của 2 ngành tuân thủ thực hiện những quy định về chính sách BHYT; kiến nghị Bộ Y tế xây dựng lộ trình thu giá viện phí sát thực tế, trong đó những cơ sở KCB BHYT chưa đáp ứng theo cơ cấu định mức kinh tế, kỹ thuật trong kết cấu giá dịch vụ y tế thì giá viện phí sẽ phải thấp hơn những cơ sở KCB đáp ứng đầy đủ định mức kinh tế, kỹ thuật trong kết cấu giá dịch vụ y tế...

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

HOÀI THU (thực hiện)

 

.
.
Liên kết hữu ích
.