Thứ Tư, 05/02/2020, 16:37 (GMT+7)
.

Những hiểu biết thông thường về Coronavirus chủng mới

Thời gian vừa qua, chúng ta nghe nói rất nhiều về một loại dịch bệnh gọi là viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của một loại virus là Corona (gọi tắt là nCoV). Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu để biết và chủ động phòng tránh loại dịch bệnh này.

Coronavirus, cũng được gọi là virus Corona, là một nhóm gồm các loại virus thuộc phân họ Coronavirinae trong Họ Coronaviridae, thuộc Bộ Nidovirales. Coronavirus gây bệnh ở các loài động vật có vú, bao gồm cả con người và chim. Coronavirus là virus bao bọc với hệ gen ARN sợi đơn chiều dương và với một nucleocapsid đối xứng xoắn ốc. Kích thước bộ gen của coronavirus khoảng từ 26 - 32 kilo base pair, lớn nhất đối với virus RNA.

Tên “coronavirus” có nguồn gốc từ tiếng La tinh: Từ corona có nghĩa là vương miện hoặc hào quang, với một rìa lớn, tạo thành một hình ảnh như vương miện hoàng gia hoặc vành nhật hoa. Coronavirus chủ yếu lây nhiễm đường hô hấp trên và đường tiêu hóa của động vật có vú và chim. Các triệu chứng gồm sốt 90% trường hợp mắc bệnh; mệt mỏi và ho khan 80% trường hợp; 20% bị khó thở và suy hô hấp chiếm 15%. X-quang ngực có dấu hiệu bệnh lý ở cả hai phổi. Xét nghiệm máu cho thấy giảm bạch cầu, nhất là lympho.

Hiện tại có 7 chủng coronavirus lây nhiễm cho người, gồm:
1. Coronavirus 229E ở người (HCoV-229E).
2. Coronavirus OC43 (HCoV-OC43).
3. SARS-CoV.
4. Coronavirus ở người NL63 (HCoV-NL63, coronavirus New Haven).
5. Vi rút coronavirus ở người HKU1.
6. Hội chứng hô hấp Trung Đông do coronavirus (MERS-CoV).

7.Coronavirus mới (2019 - nCoV), còn được gọi là viêm phổi Vũ Hán hoặc coronavirus Vũ Hán. Từ “mới” trong trường hợp này có nghĩa là mới được phát hiện. 2019-nCoV với trình tự bộ gen được báo cáo là giống từ 75 đến 80% so với trình tự bộ gen của SARS-CoV và có sự tương đồng với các chủng coronavirus lây nhiễm ở loài dơi. Nguồn động vật hoang dã tự nhiên của 2019‐nCoV và vật chủ trung gian truyền 2019-nCoV sang người vẫn chưa được xác nhận. Tuy nhiên, rất có thể nguồn nguyên thủy của virus này là rắn và dơi.

Virus corona được phát hiện vào những năm 1960. Những người đầu tiên được phát hiện là virus viêm phế quản truyền nhiễm ở gà và 2 loại virus từ khoang mũi của bệnh nhân bị cảm lạnh thông thường được đặt tên là coronavirus 229E ở người và coronavirus OC43 ở người.

Năm 2003, sau khi bùng phát hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đặt tên chính thức là SARS coronavirus (SARS-CoV). Hơn 8.000 người bị nhiễm bệnh này, khoảng 10% trong số họ đã chết.

Đến cuối năm 2004, 3 phòng thí nghiệm nghiên cứu độc lập đã báo cáo về việc phát hiện ra một loại coronavirus thứ tư ở người. Nó đã được các nhóm nghiên cứu khác nhau đặt tên là NL63, NL và New Haven coronavirus.

Đầu năm 2005, một nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Hồng Kông đã báo cáo tìm thấy một loại coronavirus thứ năm ở 2 bệnh nhân bị viêm phổi. Họ đặt tên cho nó là Human coronavirus HKU1.
Vào năm 2012, một loại coronavirus mới đã được xác định là coronavirus hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-CoV). Tính đến năm 2019, có 2.468 trường hợp nhiễm MERS-CoV, 851 người tử vong, tỷ lệ tử vong khoảng 34,5%.

Vào ngày 31-12-2019, một chủng coronavirus mới được ký hiệu là 2019-nCoV, đã được báo cáo tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc và đã gây ra một vụ dịch nghiêm trọng, sau đó lan sang các nơi khác trên thế giới. Tính đến ngày 4-2, trên thế giới có 20.639 trường hợp nhiễm virus nCoV, có 427 trường hợp tử vong; tại Việt Nam xác nhận có 10 trường hợp nhiễm virus nCoV (Tiền Giang chưa có ca nhiễm nào), trong đó có 3 trường hợp điều trị khỏi và xuất viện, không có tử vong.

Hiện nay, thế giới chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng ngừa (các nhà khoa học đang nghiên cứu). Vì vậy, việc phòng, chống là cực kỳ quan trọng, bao gồm các giải pháp sau đây:

Trường hợp đã tiếp xúc với người bệnh nhiễm virus corona, nếu có triệu chứng lâm sàng như sốt, ho, khó thở phải đến các cơ sở y tế để được cách ly và xét nghiệm để được xác định và điều trị, khả năng khỏi bệnh cao, vì những trường hợp có biến chứng nặng hoặc tử vong thường là do đến trễ hoặc người bệnh đã có mắc sẵn bệnh lý nền mãn tính, gây suy giảm sức đề kháng của cơ thể. Nếu không có triệu chứng cũng nên tự cách ly theo dõi ở nhà trong 14 ngày, mang khẩu trang khi tiếp xúc với người khác.

Chúng ta không nên chủ quan với loại dịch bệnh này, bởi vì nó có thể lây lan thành dịch rất nhanh và có thể gây ra chết người. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên quá hoang mang, lo lắng do những thông tin chưa chính xác hoặc thổi phồng, bịa đặt; bởi vì, chúng ta có thể phòng, chống được nếu như mọi người đều có ý thức cùng hợp tác với các ngành chức năng một cách chặt chẽ; và cũng bởi vì, hiện nay, cả hệ thống chính trị (các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, các cơ quan chức năng và mọi người) đã vào cuộc, chủ động, chuẩn bị sẵn sàng tất cả các điều kiện, phương tiện và nguồn lực cho việc phòng, chống loại dịch bệnh nguy hiểm này.

BS CKII TRẦN THANH THẢO

.
.
.