Thứ Sáu, 01/01/2021, 09:51 (GMT+7)
.
TIẾN SĨ, BÁC SĨ CHÂU MỸ CHI, PHÓ GIÁM ĐỐC BỆNH VIỆN ĐA KHOA TRUNG TÂM TIỀN GIANG:

Nỗ lực nâng chất khám và điều trị, chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho bệnh nhân

Theo quy định tại khoản 6, điều 22 Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), từ ngày 1-1-2021, người tham gia BHYT khi đi khám, chữa bệnh (KCB) không đúng tuyến tại cơ sở KCB tuyến tỉnh sẽ được Quỹ BHYT trả chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng như trường hợp KCB đúng tuyến. Xoay quanh vấn đề này, Tiến sĩ, bác sĩ (TS.BS) Châu Mỹ Chi, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa trung tâm (ĐKTT) tỉnh Tiền Giang đã có những chia sẻ về công tác chuẩn bị của bệnh viện để đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh của người dân tại đây.

* Phóng viên (PV): Từ ngày 1-1-2021, khoản 6, điều 22 Luật BHYT sẽ có hiệu lực, vậy bác sĩ có thể nói rõ thêm về những lợi ích mà người tham gia BHYT sẽ được hưởng?

 

TS.BS) Châu Mỹ Chi, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa trung tâm (ĐKTT) tỉnh Tiền Giang
TS.BS Châu Mỹ Chi, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa trung tâm (ĐKTT) tỉnh Tiền Giang

* TS.BS Châu Mỹ Chi: Lợi ích rõ nhất là người tham gia BHYT sẽ thuận lợi hơn trong tiếp cận dịch vụ y tế. Cụ thể, theo Luật BHYT năm 2014, trước ngày 1-1-2021, người có thẻ BHYT đi KCB tại các bệnh viện tuyến tỉnh mà không có giấy chuyển viện từ tuyến dưới sẽ được xem là KCB trái tuyến và chỉ được Quỹ BHYT thanh toán 60% chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng. Đặc biệt, từ thời điểm ngày 1-1-2021, người bệnh có thẻ BHYT được tự lựa chọn điều trị nội trú tại bất kỳ bệnh viện tuyến tỉnh nào trên toàn quốc.

Dù thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại cơ sở y tế tuyến xã, tuyến huyện nhưng khi người bệnh tự đến điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh, không cần giấy chuyển tuyến theo trình tự từ cơ sở y tế tuyến dưới vẫn được coi là điều trị đúng tuyến. Sự thuận lợi mà chính sách này mang lại là tạo điều kiện cho người dân chủ động lựa chọn, tiếp cận dịch vụ y tế phù hợp với tình trạng bệnh, đồng thời cũng là động lực để nâng chất KCB tại tất cả các tuyến y tế.

Tiếp nối quy định thông tuyến huyện cho hoạt động KCB BHYT từ năm 2016, lộ trình mở rộng quyền lợi của người bệnh có BHYT được xây dựng với mục tiêu đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT, góp phần tạo động lực cho việc nâng chất dịch vụ và đổi mới trong quản lý, cung ứng dịch vụ y tế. Do phạm vi lựa chọn cơ sở KCB của người bệnh ngày càng rộng và người bệnh có nhiều sự lựa chọn hơn nên sẽ thúc đẩy các cơ sở y tế từ tuyến cơ sở đến tuyến tỉnh nâng chất KCB để thu hút, tạo sự tin tưởng cho người bệnh.

Để chuẩn bị cho quy định thông tuyến tỉnh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vừa ký ban hành Chỉ thị 25 ngày 21-12-2020 về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý, nâng chất KCB BHYT. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu Thủ trưởng y tế các bộ, ngành và lãnh đạo các Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, chuyên môn cho tuyến dưới, chuyển một số bệnh mạn tính ở thể trung bình và nhẹ về tuyến y tế huyện, xã quản lý; chỉ đạo các cơ sở KCB tuyến huyện, tuyến xã thực hiện các giải pháp nâng chất tuyến y tế cơ sở, chú ý tập trung nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu về chuyên môn trong KCB và nhu cầu KCB của người tham gia BHYT.

ệnh nhân BHYT được chăm sóc và điều trị tại bệnh viện ĐKTT tỉnh Tiền Giang.
Bệnh nhân BHYT được chăm sóc và điều trị tại bệnh viện ĐKTT tỉnh Tiền Giang.

Điều cần lưu ý là với quy định thông tuyến tỉnh từ năm 2021, Quỹ BHYT chỉ chi trả 100% chi phí theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng cho các trường hợp người bệnh tự đi khám tại bệnh viện tuyến tỉnh và có chỉ định điều trị nội trú. Trường hợp người dân tự đi khám ngoại trú, sẽ phải tự chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh.

* PV: Với vai trò là bệnh viện tuyến tỉnh, Bệnh viện ĐKTT tỉnh Tiền Giang đã chuẩn bị như thế nào để đáp ứng nhu cầu của người dân khi thực hiện thông tuyến BHYT, thưa bác sĩ?

* TS.BS Châu Mỹ Chi: Quy định mới về thông tuyến BHYT đối với bệnh viện tuyến tỉnh đã được chúng tôi triển khai, quán triệt trong cán bộ, nhân viên toàn bệnh viện để áp dụng từ ngày 1-1-2021. bệnh viện cũng có những bảng thông tin để người dân được rõ.

Về chuyên môn, tập thể nhân viên y tế bệnh viện không ngừng nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nhằm nâng chất KCB. Bệnh viện đã từng bước đầu tư và triển khai thực hiện những kỹ thuật chuyên sâu, ứng dụng y học hiện đại như điều trị đột quỵ, tim mạch can thiệp, thay khớp háng, phẫu thuật nội soi khớp gối... để người bệnh có thể hưởng lợi từ những tiến bộ y học hiện đại ngay tại bệnh viện tuyến tỉnh.

Về cơ sở vật chất, bệnh viện được thiết kế 1.000 giường bệnh, tuy nhiên hiện tại trung bình mỗi ngày bệnh viện phải bố trí trên 1.200 giường nội trú. Mặc dù cơ sở vật chất chật hẹp nhưng bệnh viện đã cố gắng bố trí, sắp xếp để đáp ứng tốt nhất nhu cầu điều trị bệnh của bệnh nhân.

* PV: Bệnh viện ĐKTT tỉnh Tiền Giang có gặp khó khăn gì khi thực hiện thông tuyến BHYT hay không, thưa bác sĩ?

* TS.BS Châu Mỹ Chi: Cái khó lớn của bệnh viện hiện nay chính là cơ sở vật chất còn chật hẹp nên nếu bệnh nhân đến điều trị nội trú quá đông sẽ khiến bệnh viện quá tải.

Về lâu dài, quy định thông tuyến sẽ tạo ra sự cạnh tranh giữa các bệnh viện tuyến tỉnh, để có bệnh nhân thì bắt buộc các bệnh viện phải nâng cao chất lượng khám và điều trị; đồng thời, làm tốt việc chăm sóc bệnh nhân thông qua thái độ phục vụ của nhân viên y tế.

Đối với Bệnh viện ĐKTT tỉnh Tiền Giang sẽ nỗ lực hết mình để chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân. Tuy nhiên, không vì thu hút bệnh nhân nhằm tăng nguồn thu mà để xảy ra tình trạng “ào ạt” chỉ định điều trị nội trú. Bệnh viện sẽ không chỉ định điều trị nội trú các trường hợp không thực sự cần thiết.

* PV: Xin cảm ơn bác sĩ!

THỦY HÀ (thực hiện)

.
.
Liên kết hữu ích
.