Thứ Bảy, 05/06/2021, 16:51 (GMT+7)
.
TIỀN GIANG:

Hướng dẫn tổ chức và hoạt động y tế tại khu cách ly y tế tập trung phòng, chống dịch bệnh COVID-19

(ABo) Ngày 5-6-2021, Sở Y tế ban hành Hướng dẫn 2469 về việc tổ chức tổ chức và hoạt động y tế tại khu cách ly y tế tập trung phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do COVID-19. Báo Ấp Bắc đăng toàn văn hướng dẫn này.

I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố (chính quyền cấp huyện, xã do Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh/thành phố chỉ định) hoặc Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh, thành phố, các cơ quan có thẩm quyền của quân đội, công an ra quyết định thành lập cơ sở cách ly.
2. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành hoặc ủy quyền ban hành quyết định phê duyệt danh sách người được cách ly tập trung, danh sách và cấp giấy chứng nhận người kết thúc thời gian cách ly tập trung.
3. Các yêu cầu đối với cơ sở cách ly
- Đảm bảo điều kiện sinh hoạt thiết yếu: điện, nước, khu vệ sinh, nhà tắm.
- Đảm bảo thông thoáng khí.
- Đảm bảo an ninh, an toàn.
- Đảm bảo phòng chống cháy nổ.
- Tốt nhất nên riêng biệt với khu dân cư hoặc có hàng rào ngăn cách.
- Thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển người được cách ly, tiếp tế hậu cần và vận chuyển chất thải đi xử lý.
- Nếu có điều kiện thì trang bị tivi và internet cho từng phòng cách ly.
4. Thời gian cách ly
Cách ly 21 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với người nhiễm hoặc nguồn nghi ngờ truyền nhiễm COVID-19.
5. Đảm bảo trực y tế, trực an ninh trật tự, trực hậu cần.
II. TỔ CHỨC KHU VỰC CÁCH LY Y TẾ
Cơ sở cách ly y tế tập trung được tổ chức thành 10 khu vực như sau:
1. Trạm gác
- Bố trí trạm gác ở cổng và các lối ra vào cơ sở cách ly.
- Bố trí điểm rửa tay với xà phòng và nước sạch. Trường hợp không bố trí được điểm rửa tay thì phải có dung dịch sát khuẩn tay.
- Trạm gác có bảo vệ trực 24/24 giờ hàng ngày; tuyệt đối không cho phép những người không có nhiệm vụ vào cơ sở cách ly.
- Đặt biển cảnh báo nền đỏ, chữ vàng: “CƠ SỞ CÁCH LY TẬP TRUNG KHÔNG NHIỆM VỤ MIỄN VÀO”.
- Tuyệt đối không mang bất cứ đồ vật gì ra khỏi khu cách ly kể cả hồ sơ, vật dụng y tế khi chưa được khử khuẩn, sát khuẩn.
- Trạm gác do lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ, y tế đảm nhiệm.
- Có thùng đựng rác có nắp đậy, có đạp chân.
2. Điểm khử khuẩn phương tiện vận chuyển
- Bố trí gần cổng ra vào cơ sở cách ly.
- Tất cả các phương tiện vận chuyển được phép ra, vào cơ sở cách ly phải được phun khử trùng bằng dung dịch chứa 0,1% Clo hoạt tính (tốt nhất là đi 1 chiều).
3. Khu vực dành cho Ban điều hành, nhân viên y tế và nhân viên phục vụ
- Khu vực điều hành bố trí ở vị trí riêng với phân khu cách ly, thuận tiện đi lại và dễ quan sát phân khu cách ly, đồng thời đảm bảo:
+ Máy tính, máy in và các thiết bị, vật tư - văn phòng phẩm.
+ Đảm bảo thông tin liên lạc, mạng internet, wifi.
+ Có tủ đựng thuốc, dụng cụ y tế và tài liệu, hồ sơ.
+ Có nơi bảo quản vật tư y yế (khẩu trang, quần áo bảo hộ, dung dịch sát khuẩn…)
+ Có bàn, ghế làm việc và giường nằm nghỉ cho nhân viên y tế và nhân viên phục vụ.
- Thiết lập hệ thống loa truyền thanh hoặc loa cầm tay để phổ biến, nhắc nhở, thông báo thông tin cho người được cách ly và những cán bộ trong khu cách ly.
- Có sẵn nơi/điểm rửa tay với xà phòng và nước sạch. Trường hợp không bố trí được điểm rửa tay thì phải có dung dịch sát khuẩn tay.
- Có nhà vệ sinh nam, nữ; nhà vệ sinh có đủ xà phòng và nước sạch để rửa tay, tắm giặt. Có sẵn chất tẩy rửa thông thường.
- Có thùng đựng rác sinh hoạt, có nắp đậy, có đạp chân và có lót túi.
4. Phân khu dành cho người được cách ly (phân khu cách ly)
- Lựa chọn địa điểm:
+ Tốt nhất chọn khu vực biệt lập, cuối hướng gió, dễ quan sát, dễ tiếp cận.
+ Xa các khu vực chức năng và khu dân cư xung quanh.
- Bố trí bàn, ghế làm việc và tủ đựng hồ sơ trong phân khu cách ly.
- Bố trí bàn tiếp nhận tại cổng ra vào, phía bệnh trong phân khu cách ly.
- Khoanh vùng phân khu cách ly:
+ Khoanh vùng phân khu cách ly bằng hàng rào mềm hoặc hàng rào cứng tùy
theo điều kiện.
+ Đặt biển cảnh báo nền đỏ chữ vàng: “KHU VỰC DÀNH CHO NGƯỜI
ĐƯỢC CÁCH LY - KHÔNG PHẬN SỰ MIỄN VÀO”

- Lối ra, vào phân khu cách ly:
+ Thiết lập một lối ra, vào phân khu cách ly bằng hàng rào mềm.
+ Bố trí tại lối ra, vào phân khu cách ly:
• Thùng màu vàng có nắp đậy, có đạp chân và có lót túi đựng chất thải lây
nhiễm, có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”.
• Thùng đựng rác sinh hoạt, có nắp đậy, có đạp chân và có lót túi.
• Nơi/điểm rửa tay có sẵn xà phòng và nước sạch. Trường hợp không bố trí được điểm rửa tay thì phải có dung dịch sát khuẩn tay có chứa ít nhất 60% cồn.
- Khu vực tiếp đón đối tượng cách ly:
Chọn khu vực thuận lợi, đủ rộng, thông thoáng nằm trong phân khu cách ly để tiếp đón, kiểm tra y tế ban đầu, phân loại người được cách ly ngay khi tiếp nhận.
- Phòng ở cho người được cách ly:
+ Phân thành khu vực nam, nữ riêng biệt. Mỗi khu vực nên phân thành nhiều phân khu nhỏ để tránh trường hợp người cách ly từ khu vực này giao lưu với khu vực khác (thuận tiện cho việc tách riêng phân khu nhỏ đi nơi khác khi xét nghiệm những lần sau có ca dương tính, tránh phải cách ly lại toàn bộ từ đầu)
+ Phòng phải được đánh số phòng, số giường và có danh sách chi tiết cho từng phòng, từng giường (để thuận tiện trong thời gian quản lý, cấp giấy chứng nhận hoàn thành cách ly y tế sau này).
+ Phòng phải đảm bảo thông thoáng, thường xuyên mở cửa sổ và không dùng điều hòa.
+ Các giường cách ly phải đặt cách nhau tối thiểu 2 mét trở lên. Nếu không bố trí được giữa các giường phải ngăn cách bằng màn che nhựa, màu trắng.
+ Trước cửa mỗi phòng, bố trí dung dịch sát khuẩn tay; thùng màu vàng có nắp đậy, có đạp chân và có lót túi đựng chất thải lây nhiễm, có dán nhãn
“CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”;
+ Trong phòng cách ly có chổi, cây lau nhà, giẻ lau, 02 xô và dung dịch khử khuẩn hoặc chất tẩy rửa thông thường để người được cách ly tự làm vệ sinh khử khuẩn phòng.
+ Có bảng nội quy phòng cách ly.
- Phòng cách ly tạm thời trong phân khu cách ly

+ Bố trí từ một đến hai phòng cách ly tạm thời dành cho những người có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh phát hiện được trong lúc tiếp nhận hoặc phát hiện được trong quá trình theo dõi cách ly. Phòng này được bố trí riêng xa phòng ở của những người đang được cách ly và thuận tiện trong việc vận chuyển người bệnh đến cơ sở điều trị.

+ Phòng cách ly tạm thời cần có: giường cá nhân, dung dịch khử khuẩn tay, găng tay, khẩu trang, thùng màu vàng có nắp đậy, có đạp chân và có lót túi đựng chất thải lây nhiễm, có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”; thùng đựng rác sinh hoạt, có nắp đậy, có đạp chân và có lót túi.

- Phòng ở dự trữ trong trường hợp khẩn cấp: bố trí từ một đến hai phòng ở dữ trữ dành để chuyển những người cùng phòng với người có các triệu chứng nghi ngờ, mắc bệnh trong quá trình cách ly. Phòng này được bố trí riêng xa phòng ở của những người đang được cách ly khác.
- Khu vực vệ sinh, nhà tắm trong phân khu cách ly:
Tốt nhất mỗi phòng cách ly có nhà vệ sinh và nhà tắm riêng, trong trường hợp phòng cách ly không có nhà vệ sinh và nhà tắm riêng thì phải bố trí khu vực vệ sinh, nhà tắm trong phân khu cách ly đảm bảo:
+ Nam, nữ riêng.
+ Có sẵn xà phòng và nước sạch, giấy vệ sinh, chất tẩy rửa thông thường có thùng màu vàng có nắp đậy, có đạp chân và có lót túi đựng chất thải lây nhiễm, có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”; thùng đựng rác sinh hoạt, có nắp đậy, có đạp chân và có lót túi.
+ Vệ sinh hàng ngày sạch sẽ.
+ Đối với công trình vệ sinh lưu động phải thu gom xử lý chất thải khi đầy.
5. Xét nghiệm và khu vực lấy mẫu xét nghiệm
- Xét nghiệm SARS-CoV-2 được thực hiện 3 lần vào các ngày 1, ngày 14, ngày 20 trong các ngày suốt quá trình cách ly y tế.
- Bố trí khu vực lấy mẫu xét nghiệm rộng rãi, thoáng mát, bố trí bàn, ghế làm việc;
- Bố trí hướng đi một chiều để thuận tiện cho việc lấy mẫu xét nghiệm và tránh lây nhiễm chéo.
6. Khu vực nhà bếp
- Nhà bếp phải được bố trí tách biệt với phân khu cách ly.
- Có đủ nước sạch để sử dụng.
- Đảm bảo an toàn thực phẩm trong chế biến, phân phối thức ăn.
- Có xe đẩy để chuyển suất ăn cho người được cách ly.
- Thực hiện lưu mẫu thức ăn theo quy định.
- Có thùng đựng rác sinh hoạt, có nắp đậy, có đạp chân và có lót túi.
- Có nội quy nhà ăn, hướng dẫn an toàn thực phẩm trong cơ sở cách ly phòng dịch.
- Sử dụng dụng cụ đựng thức sử dụng lần
Trường hợp đặt thức ăn nấu sẵn bên ngoài phải bố trí khu tiếp nhận thức ăn.
7. Khu cầu thang bộ, thang máy, sảnh chờ (nếu có)
- Có sẵn tài liệu truyền thông về phòng chống dịch COVID-19.
- Bố trí dung dịch sát khuẩn tay.
- Có thùng màu vàng có nắp đậy, có đạp chân và có lót túi đựng chất thải lây
nhiễm, có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”.
- Có thùng đựng rác sinh hoạt, có nắp đậy, có đạp chân và có lót túi.
- Lau, vệ sinh khử khuẩn cầu thang bộ, thang máy, bảng điều khiển, nền sảnh chờ, hành lang hàng ngày.
8. Khu vực tiếp nhận đồ tiếp tế:
- Tại trạm gác, thiết lập 1 bàn tiếp nhận đồ tiếp tế gửi vào cho người được cách ly.
- Người tiếp tế đến đăng ký với người bảo vệ trực và để đổ tiếp tế tại bàn tiếp nhận, trong đó ghi rõ tên, tuổi người tiếp nhận và người tiếp tế.
- Cán bộ của cơ sở cách ly vận chuyển đồ tiếp tế đến cửa của phân khu cách ly và thông báo cho người cách ly đến nhận đồ tiếp tế.
- Nghiêm cấm mang vật dụng của người cách ly ra khỏi khu vực cách ly khi chưa được khử trùng.
9. Quản lý và xử lý chất thải lây nhiễm
- Bố trí một khu vực riêng, có mái che, có nền cao thoát nước, có biển cảnh báo để lưu giữ chất thải tạm thời cho cơ sở cách ly, thuận tiện để vận chuyển chất thải đi xử lý.
- Có thùng màu vàng đựng chất thải lây nhiễm có nắp đậy, có bánh xe, có thành cứng, có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”.
- Có thùng đựng rác thải sinh hoạt, có nắp đậy, có bánh xe, có thành cứng.
- Có sẵn nơi/điểm rửa tay với xà phòng và nước sạch.
- Có sẵn dung dịch khử trùng có chứa 0,05% Clo hoạt tính để khử khuẩn thùng đựng chất thải sau sử dụng.
- Có Hợp đồng xử lý chất thải lây nhiễm với cơ sở có lò đốt rác;
- Có Hợp đồng xử lý đồ vải với cơ sở có hệ thống xử lý.
10. Khu vực Phòng thay đồ bảo hộ, vệ sinh cá nhân
- Bố trí Phòng/khu vực đệm thay đồ bảo hộ cho nhân viên khi vào, ra khu vực người được cách ly.
- Bố trí nơi ra, vào khu cách ly có thùng màu vàng đựng chất thải lây nhiễm
có nắp đậy, có bánh xe, có thành cứng, có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2” để chứa đựng quần áo bảo hộ bẩn ngay phía bên trong nơi ra khỏi khu vực người được cách ly.
- Bố trí nhà vệ sinh, nhà tắm phía bên ngoài nơi ra vào khu cách ly để người làm nhiệm vụ vệ sinh cá nhân sau khi ra khỏi khu vực người được cách ly.
III. HOẠT ĐỘNG THƯỜNG TRỰC
1. Phân công thường trực

- Phân công Tổ thường trực tại khu cách ly theo ca.
- Thành phần mỗi ca thường trực y tế, gồm: bác sĩ, điều dưỡng hoặc y sĩ (sau đây gọi là điều dưỡng) và hộ lý. Tùy theo số lượng công dân được tiếp nhận, sẽ tăng cường số lượng và thành phần ca trực theo ngày, phải có quyết định phân công trực và bảng chấm công hàng ngày.
- Các thành viên tham gia trực được lãnh đạo đơn vị tổ chức xe đưa, rước đến điểm trực và về nhà; tự chuẩn bị trang phục chuyên môn và các vật dụng cá nhân khi tham gia trực.
- Thời gian mỗi ca trực là 24 giờ, bắt đầu từ 07 giờ ngày nhận trực đến 07 giờ sáng ngày hôm sau;
- Địa điểm thường trực: tại Khu vực dành cho Ban điều hành, nhân viên y tế và nhân viên phục vụ (được bố trí riêng với khu vực cách ly y tế của công dân).
- Sau mỗi ca trực, bàn giao giữa ca trực trước và ca trực tiếp theo thông qua Sổ bàn giao ca trực (có chuẩn bị sẵn), có ký giao và ký nhận giữa hai tổ trực.
Nội dung bàn giao ca trực gồm:
+ Bàn giao số lượng công dân, danh sách quản lý công dân;
+ Bàn dụng cụ, thuốc, vật tư y tế;
+ Nội dung, tình hình ca trực ngày hôm trước.
2. Nhiệm vụ của các thành viên ca trực
2.1. Bác sĩ (Tổ trưởng ca trực)

- Quản lý chung về y tế;
- Quản lý việc sử dụng dụng cụ, thuốc, vật tư y tế;
- Tiếp nhận công dân từ đoàn vận chuyển công dân vào khu cách ly;
- Khám, chữa bệnh cho công dân: kê đơn thuốc thành 2 bản (01 gửi công dân
để biết sử dụng, 01 lưu để thanh quyết toán
(nếu có)); trường hợp công dân có bệnh đột xuất (không phải SARS-CoV-2) phải làm bệnh án theo quy định của
cơ sở điều trị, nếu vượt quá khả năng bác sĩ trực khu cách ly thì đề nghị hội chẩn điều trị, nếu cần chuyển đến cơ sở điều trị phải hội chẩn và làm giấy chuyển viện trước khi chuyển.
- Báo cáo kết quả tiếp nhận công dân từ đoàn vận chuyển công dân về Trung tâm y tế, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và/hoặc lãnh đạo Sở Y tế;
- Báo cáo ngay lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và/hoặc lãnh đạo Sở Y tế về ca nghi ngờ nhiễm COVID-19 (sốt, ho, khó thở…) hoặc những triệu chứng bất thường khác của công dân (nếu có);
- Ký bàn giao Sổ trực cho tổ trực tiếp theo.
2.2. Điều dưỡng
- Thực hiện theo dõi nhiệt độ của công dân ngay khi tiếp nhận và theo dõi nhiệt độ ít nhất 02 lần/ngày trong khu cách ly. Báo cáo kết quả theo dõi nhiệt độ của công dân cho bác sĩ của tổ trực. Báo cáo ngay các biểu hiện bệnh lý bất thường khác (nếu có) trong quá trình theo dõi nhiệt độ của công dân cho bác sĩ biết để kịp thời xử lý;
- Bố trí phòng nghỉ, giường nằm (có sẵn các vật dụng cá nhân tại giường) khi công dân mới tiếp nhận về. Hướng dẫn nội quy, chế độ sinh hoạt, ăn uống, vệ
sinh… tại khu vực cách ly;
- Hỗ trợ công dân khuyết tật, người già, trẻ em… trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày (nếu cần);
- Thực hiện nhiệm vụ khác theo sự phân công của bác sĩ tổ trưởng ca trực.
2.3. Hộ lý
- Dọn vệ sinh khu vực phòng trực y tế và khu vực cách ly ít nhất 02 lần/ ngày, lau chùi bề mặt sàn nhà, tay nắm các cửa ra vào,… bằng dung dịch sát khuẩn đã được cung cấp.
- Phối hợp điều dưỡng trong việc hỗ trợ công dân khuyết tật, già, trẻ em… trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày (nếu cần).
- Hướng dẫn, nhắc nhở công dân để rác đúng nơi quy định;
- Thực hiện nhiệm vụ khác theo phân công của bác sĩ tổ trưởng ca trực.
3. Quản lý hồ sơ, dụng cụ, thuốc, vật tư y tế
- Biểu mẫu khai báo y tế, hồ sơ, dụng cụ, thuốc, vật tư y tế theo danh mục được giao cho Tổ trưởng ca trực quản lý, sử dụng. Sau khi sử dụng phải ghi rõ số lượng đã sử dụng, số tồn, đảm bảo số lượng hiện còn bằng số lượng được giao trừ đi số lượng đã sử dụng.
- Các biểu mẫu, hồ sơ, dụng cụ, thuốc, vật tư y tế… khi đã đưa vào khu vực cách ly không được mang trở lại Phòng trực Y tế và/hoặc khu vực ngoài khu cách ly công dân.
4. Tiếp nhận, quản lý và chăm sóc y tế đối với công dân tại khu cách ly y tế
4.1. Tiếp nhận công dân
- Khi nhận được thông tin tiếp nhận công dân về khu cách ly y tế, Bác sĩ trưởng ca trực chỉ đạo các điều dưỡng sẵn sàng trang phục phòng hộ, kiểm tra dụng cụ y tế để đo nhiệt độ cho công dân mới được tiếp nhận, thông tin cho cán bộ trực bảo vệ chuẩn bị máy phun thuốc sát khuẩn xe y tế và xe vận chuyển công dân sau khi vận chuyển;
- Khi đoàn xe vận chuyển công dân về đến cơ sở cách ly, cán bộ y tế đi theo đoàn vận chuyển công dân sẽ bàn giao cho Bác sĩ trưởng ca trực các hồ sơ gồm: danh sách, các tờ khai y tế cá nhân và số công dân được cách ly. Bác sĩ trưởng ca trực kiểm tra, tiếp nhận, chỉ đạo điều dưỡng đo và ghi nhận nhiệt độ của từng công dân vào phiếu theo dõi nhiệt độ cá nhân; bố trí phòng, giường nằm và hướng dẫn nội quy, chế độ sinh hoạt, ăn uống, vệ sinh… tại khu vực cách ly;
- Thông báo cho cán bộ trực bảo vệ thực hiện phun thuốc sát khuẩn xe y tế và
xe vận chuyển công dân cách ly y tế;
- Báo cáo ngay bằng điện thoại đến lãnh đạo Trung tâm y tế về kết quả tiếp nhận công dân từ đoàn vận chuyển công dân.
4.2. Thời gian cách ly y tế
- Thời gian cách ly 21 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với người nhiễm hoặc nguồn nghi ngờ truyền nhiễm COVID-19.
- Trong quá trình cách ly y tế nếu công dân có triệu chứng nghi ngờ (sốt, ho, khó thở…) sẽ được cách ly lần 2 tại phòng cách ly nghi ngờ của khu vực cách ly y tế, đồng thời báo cáo ngay lãnh đạo Trung tâm y tế biết để chỉ đạo.
- Trong quá trình cách ly y tế nếu công dân có bệnh lý đột xuất khác, quá khả năng điều trị tại chỗ phải báo cáo ngay lãnh đạo Trung tâm y tế biết để chỉ đạo chi viện hoặc chỉ đạo xử lý.
- Sau 21 ngày cách ly y tế, công dân có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính, không có biểu hiện triệu chứng nghi ngờ (sốt, ho, khó thở…) thì xem như là sức khỏe bình thường, các công dân này sẽ được cấp giấy xác nhận đã qua cách ly y tế để hòa nhập cộng đồng.
5. Vệ sinh môi trường sau cách ly y tế
Sau khi kết thúc nhiệm vụ, cơ sở cách ly tập trung tiến hành thực hiện các công việc sau:
- Thực hiện các thủ tục hoàn tất nhiệm vụ theo quy định của các cấp có thẩm quyền.
- Dọn dẹp chất thải, rác thải và thực hiện vệ sinh môi trường.
- Tiến hành khử trùng lần cuối khu vực cách ly bằng phun dung dịch khử
trùng có chứa clo 0,1% Clo hoạt tính.
- Thực hiện rút kinh nghiệm, tổng kết hoàn tất nhiệm vụ cách ly.
- Tổng hợp, báo cáo Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh, thành
phố, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng có liên quan về kết quả
thực hiện theo quy định./.

.
.
.