Thứ Tư, 15/09/2021, 10:44 (GMT+7)
.
BÁC SĨ CHUYÊN KHOA 2 LÊ ĐĂNG NGẠN, PHÓ GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH TIỀN GIANG:

Tất cả vắc xin triển khai tiêm đều được cấp phép lưu hành và kiểm định chất lượng

Hiện nay, bên cạnh điều trị, xét nghiệm vùng nguy cơ cao và rất cao để tách F0 ra khỏi cộng đồng, thì việc phối hợp tiêm vắc xin để nâng cao miễn dịch cộng đồng là rất quan trọng để ngăn chặn, đẩy lùi dịch Covid-19. Bác sĩ chuyên khoa 2 (BSCK2) Lê Đăng Ngạn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Ấp Bắc về công tác tiêm vắc xin Covid-19 và hiệu quả bảo vệ của vắc xin đối với sức khỏe người dân.

* Phóng viên (PV): Hiện nay, tình hình diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang diễn biến phức tạp, với sự xuất hiện của nhiều bệnh nhân Covid-19 trong cộng đồng. Thời gian qua, để chủ động tạo miễn dịch cộng đồng bằng vắc xin, Tiền Giang đã triển khai thực hiện tiêm vắc xin phòng Covid-19 như thế nào, thưa bác sĩ?

BSCK2 Lê Đăng Ngạn kiểm tra  Chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19  tại TP. Mỹ Tho.
BSCK2 Lê Đăng Ngạn kiểm tra Chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 tại TP. Mỹ Tho.

* BSCK 2 Lê Đăng Ngạn: Hiện nay, vắc xin vẫn là biện pháp căn bản và lâu dài, đóng vai trò quyết định vào sự thành công của chiến lược phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Để kiểm soát dịch bệnh hiệu quả cần tiêm vắc xin càng nhanh càng tốt với mục tiêu tăng miễn dịch cộng đồng đạt từ 70% trở lên (bao gồm số người mắc bệnh có kháng thể sau hồi phục và số người có kháng thể do tiêm vắc xin) kết hợp với các biện pháp phòng, chống dịch.

UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Kế hoạch 243 ngày 1-8-2021 về triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2022. Sở Y tế đã xây dựng Phương án 3994 ngày 8-8-2021 phân bổ số vắc xin được cấp và tiêm cho địa bàn trọng điểm theo hình thức cuốn chiếu, tập trung, hoàn tất cho từng địa bàn.

Với mục tiêu trên 70% dân số được tiêm phòng vắc xin Covid-19 đến hết tháng 12-2021, địa phương ưu tiên là TP. Mỹ Tho, với 80% số lượng được phân bổ; các địa bàn còn lại là 20%. Thứ tự ưu tiên dự kiến và có thể điều chỉnh tùy tình hình dịch: TP. Mỹ Tho, TX. Gò Công, các huyện Châu Thành, Tân Phước, TX. Cai Lậy và lần lượt các huyện Gò Công Đông, Cái Bè, Chợ Gạo, Gò Công Tây, Cai Lậy, Tân Phú Đông.

* PV: Bác sĩ cho biết, với 100.000 liều vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca vừa được Bộ Y tế phân bổ cho Tiền Giang, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phân bổ và triển khai tiêm chủng như
thế nào?

 

* BSCK 2 Lê Đăng Ngạn: Ngày 13-9-2021, Sở Y tế đã có Kế hoạch 4816 về việc phân bổ 100.000 liều vắc xin AstraZeneca, trong đó 36.904 liều tiêm mũi 2 cho các đối tượng đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 1 trên địa bàn toàn tỉnh. Số vắc xin còn lại sẽ phân bổ để tiêm mũi 1 cho các đối tượng còn lại trên địa bàn TP. Mỹ Tho và các vùng nguy cơ khác theo thứ tự ưu tiên. Thời gian triển khai bắt đầu từ ngày 14-9-2021, ngay sau khi các đơn vị nhận vắc xin.

* PV: Cùng với kiến nghị Bộ Y tế sớm phân bổ vắc xin, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã chủ động đề nghị TP. Hồ Chí Minh cho mượn 500.000 liều vắc xin Vero Cell của Sinopharm để tiêm cho công nhân các khu công nghiệp và người dân. Xin bác sĩ cho biết hiệu quả của loại vắc xin này ra sao và có khuyến cáo gì đối với người dân khi tham gia tiêm phòng?

* BSCK 2 Lê Đăng Ngạn: Do số lượng vắc xin được Bộ Y tế phân bổ còn thấp và chậm chưa đáp ứng với kế hoạch phủ vắc xin của tỉnh, nhằm sớm khôi phục các hoạt động sản xuất nên Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã chủ động đề nghị TP. Hồ Chí Minh cho mượn 500.000 liều vắc xin của Sinopharm để tiêm cho công nhân các khu công nghiệp và người dân. Vắc xin được tỉnh tiếp nhận vào ngày 15-9-2021 và địa phương sẽ triển khai ngay sau khi nhận được phân bổ.

Vắc xin Covid-19 (Vero Cell) bất hoạt, tên khác là vắc xin SARS-CoV-2 (Vero Cell bất hoạt) do Trung Quốc tài trợ, được sản xuất bởi Beijing Institute of Biological Products Co., Ltd., China National Biotec Group (CNBG)/Sinopharm - Trung Quốc. Vắc xin này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông qua chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp vào ngày 7-5-2021.

Một thử nghiệm giai đoạn 3 đa quốc gia cho thấy, sau 14 ngày kể từ khi tiêm đủ 2 liều (khoảng cách tiêm giữa 2 liều là 21 ngày), vắc xin có hiệu quả 79% phòng lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2 có triệu chứng. Hiệu quả trong việc phòng ngừa nhập viện là 79%.

Người dân hãy tiêm vắc xin Covid-19 khi đến lượt để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.
Người dân hãy tiêm vắc xin Covid-19 khi đến lượt để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.

Tại Việt Nam, vắc xin Covid-19 Vero Cell của Sinopharm đã được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vắc xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại Quyết định 2763 ngày 3-6-2021 và đã được triển khai tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Các loại vắc xin Covid-19 trước khi lưu hành đều được WHO thẩm định, cấp phép về hiệu quả bảo vệ và tính an toàn. Một vắc xin Covid-19 có hiệu quả ít nhất 50% và được sử dụng rộng rãi sẽ giúp kiểm soát đại dịch. Chúng ta không thể so sánh hiệu quả của từng loại vắc xin do cách tiếp cận khác nhau trong thiết kế các nghiên cứu, nhưng về tổng thể, mọi vắc xin đã có mặt trong danh sách sử dụng khẩn cấp của WHO đều hiệu quả cao trong việc phòng bệnh nặng và nhập viện do Covid-19.

Hiện nay, có 17 loại vắc xin phòng Covid-19 đang được triển khai trên thế giới, trong đó có 7 vắc xin Covid-19 đã được WHO phê duyệt vào danh sách sử dụng khẩn cấp là Pfizer/BionNTech, AstraZeneca của Oxford, AstraZeneca của Viện Huyết thanh Ấn Độ, Janssen, Moderna, Sinopharm và Sinovac.

Tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, khó dự báo, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của nhân dân và ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn cung ứng vắc xin còn hạn chế, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Để sớm đạt miễn dịch cộng đồng, giảm chuyển bệnh nặng và giảm tử vong, các chuyên gia khuyến cáo người dân hãy tiêm bất kỳ vắc xin nào khi đến lượt, vì tất cả vắc xin đó đã được cấp phép lưu hành và kiểm định chất lượng rất chặt chẽ.

Vắc xin tốt nhất là vắc xin đã được cấp phép lưu hành và đến sớm nhất. Do hiệu quả bảo vệ của vắc xin không là 100%, sau khi tiêm vắc xin người dân vẫn cần tuân thủ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh (5K) theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

* PV: Xin cảm ơn bác sĩ!

THỦY HÀ (thực hiện)

 

.
.
.