Thứ Ba, 16/11/2021, 14:35 (GMT+7)
.

Kết quả dương tính bằng kỹ thuật realtime RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên đều được xem là F0

(ABO) Căn cứ vào Công văn 6890 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang, ngày 15-11-2021, Sở Y tế Tiền Giang ban hành hướng dẫn quản lý và xử lý ổ dịch Covid-19 trong tình hình mới.

Về việc phát hiện ca nhiễm (F0), trước đây, việc phát hiện các F0 chỉ dựa vào kết quả xét nghiệm realtime RT-PCR mẫu đơn dương tính. Các test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 mẫu đơn dương tính đều phải khẳng định lại bằng phương pháp realtime RT-PCR do lo ngại phương pháp test nhanh kháng nguyên có thể gây ra dương tính giả. Tuy nhiên, theo kết quả thống kê từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh gần đây cho thấy, tỷ lệ kết quả test nhanh SARS-CoV-2 dương tính sau khi xét nghiệm lại bằng phương pháp realtime RT-PCR có kết quả gần tương đương nhau (tỷ lệ chính xác từ 94% đến 100).

Theo Quyết định 4038 ngày 21-8-2021 của Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn tạm thời về việc quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà, người nhiễm Covid-19 được khẳng định dương tính bằng xét nghiệm RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên. Do đó, các trường hợp có kết quả test nhanh kháng nguyên dương tính sẽ được công nhận, quản lý và điều trị như một ca dương mà không cần phải xét nghiệm khẳng định lại bằng phương pháp realtime RT-PCR.

Từ những căn cứ trên, các trường hợp có kết quả dương tính bằng kỹ thuật realtime RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên đều được xem là F0 và đưa vào quản lý, chăm sóc. Đối với các trường hợp người dân tự làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên, nếu các cơ sở y tế còn nghi ngờ (do không đủ chứng cứ để xác định F0) thì thực hiện lại test nhanh kháng nguyên mẫu đơn.

Về xử lý ổ dịch, khi phát hiện các trường hợp F0 thông qua test kháng nguyên hoặc bằng RT-PCR, các cơ sở y tế thực hiện theo những bước như sau:

Đưa F0 đi quản lý, điều trị: Đối với các trường hợp F0 có triệu chứng hoặc F0 có nguy cơ cao (người mắc bệnh nền đang diễn tiến, người thừa cân béo phì…) phải đưa đi điều trị tại các cơ sở y tế theo phân tầng điều trị. Các trường hợp còn lại quản lý, điều trị tại nhà hoặc tại cơ sở cấp xã theo hướng dẫn của Sở Y tế (Hướng dẫn số 6047 ngày 7-11-2021của Sở Y tế Tiền Giang).

Công tác quản lý: Tiến hành phong tỏa hộ gia đình, dán bảng phong tỏa trước nhà: “ĐỊA ĐIỂM CÁCH LY Y TẾ PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19” nền đỏ chữ vàng. Sau 14 ngày, xét nghiệm RT-PCR gộp cho toàn hộ gia đình, nếu kết quả âm tính thì quyết định kết thúc cách ly, nếu còn dương tính thì tiếp tục cách ly thêm 7 ngày nữa. Trạm y tế báo cáo chính quyền cấp xã để quản lý, hỗ trợ hậu cần cho các gia đình bị cách ly, phong tỏa.

Truy vết và xử lý đối với các trường hợp F1 không chung nhà với F0, bước 1: Truy vết các trường hợp tiếp xúc gần và có nguy cơ theo Sổ tay hướng dẫn thực hành truy vết người tiếp xúc với người có xét nghiệm SAR-CoV-2 dương tính, ban hành kèm theo Quyết định số 5053 ngày 3-12-2020 của Bộ Y tế. Bước 2: Tiến hành cách ly y tế tại nhà cho người tiếp xúc gần (F1) theo hướng dẫn tại Công văn số 5599 ngày 14-7-2021 của Bộ Y tế. Đến ngày thứ 14 lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR đơn đối với F1 hoặc mẫu gộp theo hộ gia đình (tùy theo tình hình thực tế) để quyết định kết thúc cách ly.

Xác định nguồn lây, đánh giá dịch tễ: Xác định chỉ số CT trong kết quả xét nghiệm PCR để truy tìm nguồn lây, đồng thời để truy vết hết F0, F1.

Về xét nghiệm đối tượng nguy cơ: Tất cả các trường hợp có biểu hiện: sốt, ho, đau họng, khó thở, giảm hoặc mất vị giác, khứu giác: Xét nghiệm nhanh kháng nguyên đơn, nếu dương tính thì giải quyết như một ca dương, nếu âm tính thì lấy mẫu xét nghiệm lại bằng kỹ thuật RT-PCR mẫu đơn để khẳng định.

Đối với người làm nhiệm vụ có nguy cơ tiếp xúc trực tiếp với người nghi nhiễm SAR-CoV-2 (như: nhân viên lấy mẫu xét nghiệm, nhân viên làm việc tại các cơ sở thu dung điều trị Covid-19, cán bộ phụ trách khu cách ly, nhân viên điều tra dịch tễ), nhân viên thuộc các cơ sở khám chữa bệnh: xét nghiệm bằng phương pháp RT- PCR gộp 10 hoặc test nhanh mẫu gộp 3 với tần suất định kỳ 7 ngày/lần.

Đối với người giao hàng, shipper, người làm việc trong các chợ truyền thống, tiệm tạp hóa, cửa hàng mua sắm tiện lợi, các vựa hàng hóa, nông sản, các nhà hàng, quán bán thức ăn, nước uống: Tùy vào tình hình dịch bệnh, địa phương quyết định tần suất và tỷ lệ xét nghiệm phù hợp (địa phương thuộc cấp độ 4: xét nghiệm 100%, cấp độ 3: xét nghiệm 70%, cấp độ 2: xét nghiệm 50%, cấp độ 1: xét nghiệm 20%, chọn đối tượng nguy cơ nhất) với tần suất định kỳ 7 ngày/lần bằng phương pháp xét nghiệm nhanh mẫu gộp 3.

Đối với người về từ địa phương có ca mắc cao: Thực hiện theo Công điện 1700 ngày 25-10-2021 của Bộ Y tế và theo quy định tại Phụ lục Biện pháp áp dụng kiểm soát dịch 4 cấp độ ban hành kèm theo Công văn 6808 ngày 10-11-2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Về tần suất, tỷ lệ xét nghiệm đối với người lao động có nguy cơ lây nhiễm cao, thực hiện theo Công văn số 9472 ngày 8-11-2021 của Bộ Y tế.

M.T

.
.
.