.

6 cách chăm sóc người hậu Covid-19 tại nhà

Cập nhật: 16:52, 16/01/2022 (GMT+7)

(ABO) Chị Nguyễn Thị L. (57 tuổi, xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) sau khi bị F0 triệu chứng trung bình, khỏi bệnh về nhà được chưa đầy tháng, mà vẫn còn thấy khó thở, hụt hơi. Chị lo lắng đi khám bác sĩ với mong muốn thở dễ dàng như xưa, nhất là về ban đêm.

Bác sĩ khám cẩn thận tim, phổi cho chị L., rồi nói: “Đây là một trong những di chứng của nhiễm Covid-19, rất hay gặp trong thời gian gần đây. Chị an tâm uống thuốc và làm theo lời dặn của chúng tôi nhé”. Vừa cho thuốc, bác sĩ hướng dẫn chị L. cách chăm sóc tại nhà đúng phương pháp.

Về chuyên môn, hội chứng hậu Covid-19, còn gọi là Covid-19 kéo dài, ngày càng được công nhận là một bệnh lý mới trong nhiễm SARS-CoV-2. Các triệu chứng kéo dài hơn ba tuần sau khi chẩn đoán Covid-19 được gọi là hội chứng hậu Covid-19. Tỷ lệ mắc bệnh của nó dao động từ 10% đến 35%, tuy nhiên, tỷ lệ cao tới 85% đã được báo cáo ở những bệnh nhân có tiền sử nhập viện.

Trước tiên, chúng ta cần biết tại sao F0 lại bị Covid-19 kéo dài, còn được gọi là hậu Covid-19.

4 nguyên nhân gây ra hội chứng hậu Covid-19

Các nhà khoa học đã tìm ra 4 nguyên nhân gây ra hội chứng hậu Covid-19, đó là: Viêm, rối loạn chức năng hệ thần kinh, tổn thương nội mô và huyết khối tắc mạch.

Phản ứng viêm kéo dài có vai trò quan trọng trong hầu hết các biểu hiện hậu Covid-19. Tình trạng viêm xảy ra ở nhiều cơ quan nội tạng như tim, phổi, thận, thần kinh, tiêu hóa…

Rối loạn chức năng hệ thần kinh biểu hiện ở sự mệt mỏi thần kinh cơ bất thường, sự kiểm soát nhận thức bị suy giảm, thờ ơ và rối loạn chức năng suy nghĩ, trí nhớ. Sự thay đổi chức năng thần kinh là do các yếu tố gây viêm như các cytokine tuần hoàn và đặc biệt là IL-6, có thể xâm nhập vào hàng rào máu não gây viêm hệ thần kinh trung ương.

Ngoài ra, viêm liên quan đến Covid-19 có thể dẫn đến suy giảm axit gamma-aminobutyric (GABA). GABA là một chất ức chế dẫn truyền thần kinh. Nó có tác dụng ngăn chặn một số tín hiệu não bộ và giảm hoạt động của hệ thần kinh, khiến cho sự dẫn truyền dây thần kinh trở nên chậm chạp, hoạt động nhận thức của người bệnh trở nên u ám và giải thích cho sự thờ ơ, thiếu khả năng phán đoán.

Tổn thương tế bào nội mô, tế bào này lót mặt trong của tất cả các mạch máu trong cơ thể và tạo nên một lớp màng ngăn chống đông máu. Khi tế bào nội mô bị tổn thương sẽ làm mạch máu mất chức năng thấm chọn lọc, gây ra các cục máu đông, tắc nghẽn mạch máu tạo nên huyết khối và đặc biệt là đóng vai trò chính trong sinh lý bệnh của hội chứng rối loạn chức năng đa cơ quan, trong nhiễm trùng toàn thân và hội chứng đáp ứng viêm hệ thống.

Huyết khối tắc mạch: Biến chứng huyết khối trong các mạch máu lớn và vi tuần hoàn của các cơ quan nội tạng như huyết khối phổi, não, tim, huyết khối tĩnh mạch sâu và huyết khối ở các hệ thống mạch máu khác.

Khi được bác sĩ chẩn đoán và cấp toa theo dõi tại nhà, chúng ta cần làm gì? Có 6 cách như sau:

6 cách chăm sóc tại nhà Covid-19 kéo dài

1. Tập thể dục đều đặn: Mới đầu tập thể dục có thể gây rắc rối trong giai đoạn người bệnh đang hồi phục, vì cơ thể còn yếu. Tuy nhiên, nếu duy trì đều đặn hằng ngày sẽ giúp bệnh nhân khỏe mạnh hơn cả về thể chất lẫn tinh thần. Những bệnh nhân có dấu hiệu khó thở hụt hơi thì sẽ tập các bài tập về hô hấp.

2. Ăn uống bổ dưỡng: Cần bổ sung chế độ bữa ăn phong phú để giúp tăng tốc độ phục hồi. Một vài bệnh nhân cũng bị giảm cân hoặc tăng cân không giải thích được. Do đó, hãy giúp bệnh nhân ăn uống dinh dưỡng tốt với các sản phẩm hữu cơ, rau, trứng và gia cầm an toàn để bù đắp cho sự mất cảm giác ngon miệng. Thực phẩm phải được nấu chín và sạch sẽ. Nên chọn thức ăn mà người bệnh yêu thích.

3. Rèn luyện bộ nhớ hằng ngày: Virus làm tổn thương các tế bào của bộ nhớ. Để lấy lại trí thông minh đã mất, lấy lại khả năng tư duy nhận thức và trí nhớ, người bệnh cần dành nhiều thời gian trong ngày để rèn luyện bộ nhớ như học ngoại ngữ, chơi các câu đố, trò chơi trí nhớ và các hoạt động mà khiến não người bệnh làm việc tích cực hơn. Đồng thời, kết hợp tập thư giãn đầu óc như yoga, ngồi thiền, khí công.

4. Vượt lên chính mình: Trước hết, đừng hy vọng ngay lập tức sẽ trở lại bình thường sau khi mình trở về nhà hoặc xét nghiệm âm tính với virus. Tập thích nghi dần dần với những gì mình đã từng làm được trước khi bị mắc Covid-19. Covid-19 tấn công nghiêm trọng hệ thống miễn dịch và các cơ quan nội tạng của người bệnh, nhất là thần kinh, khiến cho người bệnh hậu Covid-19 luôn bất an và dễ trầm cảm, buông xuôi tất cả. Người bệnh hãy có ý chí dũng cảm, tự tin và không bỏ cuộc để vượt lên mọi khó khăn về sức khỏe của bản thân mình.

5. Phát hiện sớm triệu chứng hậu Covid-19 và giữ liên lạc với bác sĩ điều trị. Triệu chứng hậu Covid-19 rất đa dạng, dù đơn giản như đau đầu, mệt mỏi, rụng tóc hay khó thở, choáng váng, yếu liệt tay chân thì cần phải đến cơ sở y tế ngay lập tức để được khám bệnh. Nên giữ liên lạc thường xuyên với bác sĩ điều trị và báo ngay với bác sĩ nếu có các dấu hiệu bất thường xuất hiện trong giai đoạn sau hồi phục. Khi được bác sĩ khám và cho toa thuốc, phải uống thuốc đúng giờ, đúng liều, đúng liệu trình điều trị. Không bao giờ nghe lời mách bảo của những người không chuyên môn mà dùng thuốc không đúng.

6. Giúp người bệnh hòa nhập với gia đình và xã hội. Hãy tìm cách giúp đỡ người bệnh bất kỳ lúc nào họ cần. Chú ý giúp người bệnh chống lại sự kỳ thị của mọi người xung quanh, như tạo cơ hội cho người bệnh tham gia mọi hoạt động bình thường của gia đình như đi tham quan, mua sắm, nấu ăn, giải trí…Cuộc sống thoải mái, tràn ngập yêu thương sẽ giúp người bệnh nhanh thoát khỏi biến chứng hậu Covid-19.

BS. NGUYỄN THÀNH ÚC

.
.
.