.

Hướng dẫn mới nhất xác định F0 và xử lý phòng, chống dịch

Cập nhật: 13:32, 18/01/2022 (GMT+7)

(ABO) Sở Y tế Tiền Giang vừa ban hành Công văn 260/SYT-NVYD về việc hướng dẫn tạm thời công tác quản lý, giám sát, xử lý ổ dịch và SARS-CoV-2 đối với người nghi nhiễm, người nhiễm Covid-19 và cho bệnh nhân Covid-19 xuất viện để các địa phương áp dụng từ ngày 17-1 và thay thế các văn bản hướng dẫn trước đó. Trong hướng dẫn này, có nhiều điểm mới so với các văn bản hướng dẫn trước đó.

THẾ NÀO CA NGHI NGỜ, CA BỆNH COVID-19

Ca bệnh giám sát (ca bệnh nghi ngờ) là một trong số các trường hợp: Là người tiếp xúc gần (F1) và có ít nhất 2 trong số các biểu hiện lâm sàng như sốt; ho; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác; giảm hoặc mất khứu giác; đau, nhức đầu; tiêu chảy; khó thở; viêm đường hô hấp. Là người có yếu tố dịch tễ (không bao gồm F1) và có ít nhất 2 trong số các biểu hiện lâm sàng như trên. Là người có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính với vi rút SARS-CoV-2 (trừ trường hợp nêu tại mục 1.2, điểm b, c và d).

Người có yếu tố dịch tễ (không bao gồm F1) là người có mặt trên cùng phương tiện giao thông hoặc cùng địa điểm, sự kiện, nơi làm việc, lớp học… với ca bệnh xác định (F0) đang trong thời kỳ lây truyền. Người ở, đến từ khu vực ổ dịch đang hoạt động.

F1 tiêm đủ liều cơ bản vắc xin phòng Covid-19 chỉ phải theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày
F1 tiêm đủ liều cơ bản vắc xin phòng Covid-19 chỉ phải cách ly y tế tại nhà 7 ngày và thực hiện xét nghiệm vào ngày thứ 7.

Ca bệnh xác định (F0) là một trong số các trường hợp: Là người có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2 bằng phương pháp phát hiện vật liệu di truyền của vi rút (PCR); là người tiếp xúc gần (F1) và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính với vi rút SARS-CoV-2; là người có biểu hiện lâm sàng nghi mắc Covid-19 và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính với vi rút SARS-CoV-2 và có yếu tố dịch tễ; là người có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính 2 lần liên tiếp với vi rút SARS-CoV-2 (xét nghiệm lần 2 trong vòng 8 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm lần 1) và có yếu tố dịch tễ. Trong trường hợp chỉ có 1 kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính với vi rút SARS-CoV-2 thì cần phải có xét nghiệm Real-time RT-PCR để khẳng định.

Sở Y tế lưu ý sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên với vi rút SARS-CoV-2 phải thuộc danh mục được Bộ Y tế cấp phép. Xét nghiệm nhanh kháng nguyên do nhân viên y tế thực hiện hoặc người nghi nhiễm thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa.

Người tiếp xúc gần (F1) là một trong số các trường hợp: Người có tiếp xúc cơ thể trực tiếp (bắt tay, ôm, hôn, tiếp xúc trực tiếp với da, cơ thể…) với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0; người đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp trong vòng 2 mét hoặc trong cùng không gian hẹp, kín và tối thiểu trong thời gian 15 phút với ca bệnh xác định (F0) khi đang trong thời kỳ lây truyền của F0; người không đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp gần trong vòng 2 mét hoặc ở trong cùng không gian hẹp, kín với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0; người trực tiếp chăm sóc, khám và điều trị ca bệnh xác định (F0) khi đang trong thời kỳ lây truyền của F0 mà không sử dụng đầy đủ các phương tiện phòng hộ cá nhân (PPE).

Thời kỳ lây truyền của ca bệnh xác định (F0) được tính từ 2 ngày trước khi khởi phát (đối với ca bệnh xác định không có triệu chứng thì thời kỳ lây truyền được tính từ 2 ngày trước ngày được lấy mẫu có kết quả  dương tính) cho đến khi kết quả âm tính hoặc giá trị Ct ≥ 30.

XÉT NGHIỆM ĐỂ PHÁT HIỆN NGƯỜI MẮC COVID-19 VÀ CHO NGƯỜI BỆNH RA VIỆN

Theo hướng dẫn mới, được phép sử dụng kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên để xác định tình trạng khỏi bệnh và cho ra viện. Trong đó, đối với người bệnh Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ đủ điều kiện cách ly, điều trị tại nhà theo quy định sẽ được dỡ bỏ cách ly, điều trị tại nhà khi thời gian cách ly, điều trị đủ 10 ngày. Kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính với vi rút SARS-CoV-2. Trạm Y tế nơi quản lý người bệnh chịu trách nhiệm xác nhận khỏi bệnh cho người bệnh.

được phép sử dụng kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên để xác định tình trạng khỏi bệnh và cho ra viện.
Được phép sử dụng kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên để xác định tình trạng khỏi bệnh và cho ra viện.

Đối với người bệnh Covid-19 nằm điều trị các các cơ sở thu dung, điều trị, những người bệnh Covid-19 đơn thuần thì khi các triệu chứng lâm sàng hết trước ngày ra viện từ 3 ngày trở lên; có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp Real-time RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 hoặc nồng độ vi rút thấp (Ct ≥ 30) hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính với vi rút SARS-CoV-2 vào trước ngày ra viện (mẫu xét nghiệm nhanh do Bộ Y tế cấp phép). 

Người bệnh sau khi ra viện cần ở tại nhà và tự theo dõi trong 7 ngày, phải tuân thủ thông điệp 5K, thực hiện đo thân nhiệt 2 lần/ngày. Nếu thân nhiệt cao hơn 380C ở hai lần đo liên tiếp hoặc có bất kỳ dấu hiệu lâm sàng bất thường nào thì báo cho y tế cơ sở để thăm khám và xử trí kịp thời.

Người bệnh Covid-19 có bệnh nền hoặc bệnh kèm theo thì khi các triệu chứng lâm sàng của bệnh Covid-19 hết trước ngày ra viện từ 3 ngày trở lên, có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp Real-time RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 hoặc nồng độ vi rút thấp (Ct ≥ 30) hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính với vi rút SARS-CoV-2 vào trước ngày ra viện, người bệnh được chuyển sang khoa điều trị bệnh kèm theo hoặc khoa điều trị bệnh nền (nếu cần) tại buồng riêng của khoa đó để tiếp tục điều trị và được sàng lọc, theo dõi theo quy định đối với người bệnh nội trú. Đo thân nhiệt 2 lần/ngày và tuân thủ thông điệp 5K.

PHÂN LOẠI NGUY CƠ VÀ NƠI ĐIỀU TRỊ

Các trường hợp F0 được phân loại và đưa đi điều trị tại các cơ sở điều trị theo hướng dẫn tại bảng sau:

Nhóm nguy cơ thấp gồm F0 từ 3 tháng đến 49 tuổi và chưa phát hiện bệnh lý nền, đã tiêm đủ liều vắc xin, sức khỏe chưa có dấu hiệu bất thường và SpO2 từ 97% trở lên được điều trị tại nhà riêng nếu nhà riêng đủ điều kiện theo quy định.

Nhóm nguy cơ trung bình là người từ 50 - 64 tuổi, chưa phát hiện bệnh lý nền và đã tiêm đủ liều vắc xin; tuổi từ 3 tháng đến 49 tuổi và chưa tiêm đủ liều vắc xin; người có dấu hiệu như sốt, ho, đau họng, khó thở nhẹ... và SpO2 từ 97% trở lên. Được điều trị tại bệnh viện, cơ sở thu dung điều trị Covid-19 tầng 1. Nếu cơ sở điều trị tầng 1 của địa phương quá tải thì có thể xem xét điều trị tại cộng đồng.

Nhóm nguy cơ cao bao gồm: Người từ 65 tuổi trở lên và đã tiêm đủ liều vắc xin; người mắc bệnh lý nền và đã tiêm đủ liều vắc xin; người từ 50 đến 64 tuổi, chưa phát hiện bệnh lý nền và chưa tiêm đủ liều vắc xin; phụ nữ có thai, vừa sinh con ≤ 42 ngày; trẻ em dưới 3 tháng tuổi; người có chỉ số SpO2 từ 94% đến 96%. Nhóm này được điều trị tại bệnh viện thu dung điều trị Covid-19 tầng 2.

Nhóm nguy cơ rất cao bao gồm:  Người từ 65 tuổi trở lên và chưa tiêm đủ liều vắc xin; người mắc bệnh lý nền và chưa tiêm đủ liều vắc xin; người có tình trạng cấp cứu, khi có bất kỳ các biểu hiện rối loạn ý thức, khó thở, thở nhanh > 25 lần/phút hoặc SpO2 < 94%, nhịp tim nhanh > 120 nhịp/phút, huyết áp tụt, huyết áp tối đa < 90 mmHg, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg hoặc người có bất kỳ dấu hiệu bất thường khác mà nhân viên y tế chỉ định xử trí cấp cứu. Các trường hợp này được chỉ định điều trị tại các bệnh viện thu dung điều trị Covid-19 tầng 2, 3 hoặc Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19 (căn cứ chỉ định của bác sĩ và tính sẵn có giường bệnh). 

Bệnh nhân có nguy cơ cao được chỉ định điều trị tại bệnh viện tầng 2, 3 trong mô hình điều trị tháp 3 tầng của tỉnh
Bệnh nhân có nguy cơ cao được chỉ định điều trị tại bệnh viện tầng 2, 3 trong mô hình điều trị tháp 3 tầng của tỉnh.

QUẢN LÝ TRƯỜNG HỢP LIÊN QUAN VỚI F0 

Khi phát hiện F0, tiến hành phong tỏa hộ gia đình, dán bảng phong tỏa trước nhà: “ĐỊA ĐIỂM CÁCH LY Y TẾ PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19” nền đỏ chữ vàng. Trạm y tế báo cáo chính quyền cấp xã để quản lý, hỗ trợ hậu cần cho các gia đình bị cách ly, phong tỏa.

Truy vết các trường hợp tiếp xúc gần và có nguy cơ theo Sổ tay hướng dẫn thực hành truy vết người tiếp xúc với người có SARS-CoV-2 dương tính.

Tiến hành cách ly y tế cho người tiếp xúc gần (F1). Đối với các trường hợp F1 chưa tiêm vắc xin thì thực hiện cách ly y tế 14 ngày tại nhà, nơi lưu trú (nếu đủ điều kiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú). Tuân thủ 5K; thực hiện xét nghiệm Real-time RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên vào ngày thứ 14. Nếu kết quả âm tính thì kết thúc quá trình cách ly, tự theo dõi sức khỏe thêm 7 ngày. Nếu kết quả dương tính thì xử lý như F0 theo quy định.

Đối với các trường hợp F1 đã tiêm 1 liều vắc xin: Thực hiện cách ly y tế 10 ngày tại nhà, nơi lưu trú (nếu đủ điều kiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú). Tuân thủ 5K; thực hiện xét nghiệm Real-time RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên vào ngày thứ 10. Nếu kết quả âm tính thì kết thúc quá trình cách ly, tự theo dõi sức khỏe thêm 7 ngày. Nếu kết quả dương tính thì xử lý như F0 theo quy định.

Đối với trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 (thẻ xanh trên Sổ Sức khỏe điện tử hoặc Giấy chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin của cơ quan có thẩm quyền cấp), liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày và không quá 6 tháng hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm được xác định là đối tượng F1 (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19): Thực hiện cách ly y tế 7 ngày tại nhà, nơi lưu trú (nếu đủ điều kiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú). Tuân thủ 5K; thực hiện xét nghiệm Real-time RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên vào ngày thứ 7. Nếu kết quả âm tính thì kết thúc quá trình cách ly, tự theo dõi sức khỏe thêm 7 ngày. Nếu kết quả dương tính thì xử lý như F0 theo quy định.

Đối với công nhân, người lao động là F1 làm việc ở trong và ngoài các khu, cụm công nghiệp, nếu đã tiêm đủ liều vắc xin cơ bản phòng Covid-19, khuyến khích cách ly y tế tại doanh nghiệp. Nếu không đảm bảo cách ly tại doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải lập danh sách báo Tổ y tế tại khu/cụm công nghiệp (hoặc trạm y tế địa phương), Tổ/Trạm y tế báo về địa phương nơi F1 cư trú để được cách ly tại nhà, nơi luu trú hoặc cách ly tập trung theo quy định. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm đưa các trường hợp F1 này về nơi cách ly.

Đối với công nhân, người lao động là F1 nếu chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin cơ bản phòng Covid-19 thì thực hiện theo hướng dẫn phần trên. 

20 BỆNH NỀN CÓ NGUY CƠ CAO

1. Đái tháo đường

2. Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và các bệnh phổi khác

3. Ung thư (đặc biệt là các khối u ác tính về huyết học, ung thư phổi và bệnh ung thư di căn khác)

4. Bệnh thận mạn tính

5. Ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu

6. Béo phì, thừa cân

7. Bệnh tim mạch (suy tim, bệnh động mạch vành hoặc bệnh cơ tim)

8. Bệnh lý mạch máu não

9. Hội chứng Down

10. HIV/AIDS

11. Bệnh lý thần kinh, bao gồm sa sút trí tuệ

12. Bệnh hồng cầu hình liềm

13. Bệnh hen suyễn

14. Tăng huyết áp

15. Thiếu hụt miễn dịch

16. Bệnh gan

17. Rối loạn sử dụng chất gây nghiện

18. Sử dụng corticosteroid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác

19. Các loại bệnh hệ thống

 20. Các bệnh nền của trẻ em theo hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế

MAI HÀ

 

 

.
.
.