.

Làm gì khi trẻ bị nhiễm Omicron?

Cập nhật: 21:31, 10/01/2022 (GMT+7)

(ABO) Trong tình hình biến thể Omicron đang lan nhanh, nhiều nhất là trẻ em và người trẻ tuổi. Nếu trẻ bị nhiễm biến thể Omicron, chúng ta cần phải làm gì?

Bình tĩnh là việc đầu tiên của tất cả các bậc cha mẹ

Khi trẻ có kết quả xét nghiệm dương tính với Omicron, cha mẹ nên bình tĩnh, động viên, giải thích cho con về căn bệnh mới này, đồng thời cách ly trẻ với mọi người xung quanh. Sau đó thông báo với trạm y tế và trường học của trẻ. Làm theo hướng dẫn từ bác sĩ, trạm y tế địa phương. Trong thời gian cách ly, điều quan trọng là không để trẻ gặp gỡ bạn bè. Ngay sau đó, tất cả mọi người trong nhà đều làm xét nghiệm Covid-19. Xét nghiệm que thử Covid-19 nhanh không thể cho biết bị nhiễm biến thể nào - nhưng được cho là vẫn có tác dụng để chúng ta biết âm tính hay dương tính kể cả với Omicron.

Cung cấp cho trẻ thông tin chính xác

Tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ, giải thích cho trẻ hiểu sự xuất hiện của biến thể mới Omicron. Omicron đang phát triển mới vài tháng nay, các nhà khoa học đang tìm hiểu về nó. Thông tin ban đầu cho biết, biến thể này phần lớn gây bệnh nhẹ, hoặc không triệu chứng. Nó lây nhiễm rất nhanh và hay gặp người trẻ tuổi. Nếu trong gia đình có người lớn tuổi, người trẻ có bệnh nền, thì giữ an toàn cho mọi người là rất quan trọng. Phòng ngừa vẫn như trước đây, là chích ngừa, thực hiện quy tắc 5K, đặc biệt chú ý mang khẩu trang là rất quan trọng. Nếu trẻ được cách ly tại nhà, động viên trẻ ăn uống nhiều, biết tự vệ sinh cá nhân. Thảo luận về ý nghĩa của an toàn đối với tất cả mọi người trong nhà. Cần lắng nghe và quan tâm với tất cả ý kiến của trẻ.

Theo dõi các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm

Hướng dẫn cụ thể, đơn giản các triệu chứng chuyển nặng cho trẻ hiểu, chủ yếu là dấu hiệu cảm thấy khó chịu khi thở. Đặc biệt là ở thanh, thiếu niên, một số trẻ cảm thấy sợ hãi do hiểu sai trước các thông tin thiếu chính xác trên mạng xã hội.

Cha mẹ cần chú ý và kịp thời giải thích cho con, nhất là lưu ý đến biến chứng nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng của trẻ là Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C) liên quan đến Covid-19. Hội chứng này thường xuất hiện từ 2 đến 6 tuần sau khi nhiễm Covid-19, trong đó các bộ phận khác nhau của cơ thể bị viêm như tim, phổi, thận, não, da, mắt hoặc các cơ quan tiêu hóa.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), nguyên nhân của Hội chứng MIS-C liên quan đến Covid-19 vẫn chưa được biết. Dấu hiệu sớm của hội chứng này gồm: Sốt cao, kèm theo một số triệu chứng như đau bụng, mắt đỏ ngầu, tiêu chảy, chóng mặt hoặc choáng váng (dấu hiệu của huyết áp thấp), da phát ban, nôn ói.

CDC đã ghi nhận hơn 6.400 trường hợp MIS-C và 55 trường hợp tử vong tại Hoa Kỳ tính đến ngày 3-1-2022. Sự gia tăng hiện tại của các trường hợp nhiễm biến thể Omicron ở trẻ em, có khả năng nhiều trường hợp MIS-C sẽ xuất hiện.

Nhưng nhìn chung, trẻ em bị nhiễm bệnh thường tốt hơn người lớn, vì khả năng miễn dịch bẩm sinh của trẻ em mạnh hơn người lớn.

Dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ

Tùy theo mức độ bệnh nặng nhẹ mà trẻ dùng thuốc phù hợp. Có bốn mức độ bệnh: Nhẹ, trung bình, nặng, nguy kịch. Vì vậy, cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị, không tự ý dùng thuốc theo lời mách bảo của người không chuyên môn. Khác với người lớn, một số loại thuốc kháng virus dạng uống không được sử dụng cho trẻ em dưới 18 tuổi và bà mẹ mang thai, cho con bú vì nó có thể ảnh hưởng đến gen và đột biến tế bào của trẻ sau này.

Để phòng ngừa trẻ mắc Omicron, phụ huynh cần tránh cho trẻ tiếp xúc với những người chưa được tiêm chủng, hạn chế người ngoài gia đình ôm hôn da kề da với trẻ; thực hiện tốt 5K. Trẻ trong nhóm tuổi được tiêm ngừa Covid-19 thì cần tiêm đầy đủ. Nâng cao thể chất cho trẻ bằng dinh dưỡng đúng và tập thể dục thể thao phù hợp với trẻ.

BS NGUYỄN THÀNH ÚC

 

.
.
.