Thứ Tư, 23/02/2022, 09:42 (GMT+7)
.
Những đóa hoa nơi "tuyến lửa"

BÀI 2: Xuyên đêm chống "bão" Covid-19

BÀI 1: Ứng phó với "bão" Covid-19

Đó không phải là cuộc ra quân phòng, chống dịch bệnh đơn thuần của lực lượng tuyến đầu nói chung, ngành Y tế nói riêng, mà đó là “mặt trận” không tiếng súng, là cuộc chiến xuyên đêm với “kẻ thù” ẩn mặt, cuộc chiến không cân sức nên vô cùng khốc liệt, với nhiều vất vả, gian nan chưa có tiền lệ…

Nhân viên y tế Cơ sở 2, Bệnh viện Dã chiến số 1 cắt túi ni lông che mưa để tiếp nhận bệnh nhân trong đêm 19-7-2021. Ảnh: PHÚC THỊNH
Nhân viên y tế Cơ sở 2, Bệnh viện Dã chiến số 1 cắt túi ni lông che mưa để tiếp nhận bệnh nhân trong đêm 19-7-2021. Ảnh: PHÚC THỊNH

Trong khoảng thời gian cao điểm của dịch Covid-19, vi rút SARS-CoV-2 đã không còn ở đâu đó ngoài ngõ, bên kia đường…, mà nó hiện hữu một cách vô hình trước mặt, sau lưng mỗi người, lây nhiễm cho bất kỳ ai nếu lơ là, chủ quan. Một không khí nặng nề, căng thẳng… len lỏi vào mọi ngóc ngách từ thành thị đến nông thôn. Mọi ánh mắt đều đổ dồn về lực lượng tuyến đầu, hy vọng các cán bộ, y, bác sĩ và nhân viên y tế với phẩm chất “lương y như từ mẫu” sẽ nỗ lực hết mình để “chiến đấu” với vi rút SARS-CoV-2, giành lại sự sống cho bệnh nhân.

XUYÊN ĐÊM CHỐNG “BÃO”

BS CKII Lê Đăng Ngạn, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang cho biết: Hầu hết cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đều tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19, với các vị trí ban chỉ đạo, công tác tuyến, hỗ trợ các khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, phun khử khuẩn, tiếp nhận mẫu, xét nghiệm và trả kết quả 24/24 giờ... Bên cạnh đó, còn tổ chức tiêm vắc xin với số lượng người dân rất lớn, thời gian ngắn trong điều kiện dịch bệnh, nên phải kiểm soát lây nhiễm chéo, đảm bảo khám sàng lọc, tiêm an toàn và xử lý, cấp cứu kịp thời các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng.

Đội ngũ y, bác sĩ thay đồ phòng hộ cấp III để thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: PHÚC THỊNH
Đội ngũ y, bác sĩ thay đồ phòng hộ cấp III để thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: PHÚC THỊNH

Thời điểm “nước sôi lửa bỏng” do “bão” Covid-19, công việc của đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên y tế của Trung tâm rất vất vả và nguy hiểm do thường xuyên đi vào vùng dịch bất kể lúc nào, tiếp xúc với người bệnh, người nghi ngờ nhiễm Covid-19. Các tổ xét nghiệm làm việc xuyên đêm, kéo dài do số lượng mẫu rất lớn. Chính vì vậy, đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế của Trung tâm luôn trong tình trạng căng thẳng, kiệt sức do không có thời gian nghỉ ngơi, thức ăn khó tìm do các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Là người “vào tuyến lửa” ngay từ những ngày đầu dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh, BS CKII Lê Đăng Ngạn không thể nhớ mình đã bao “đêm trắng” để xây dựng, góp ý, điều chỉnh kế hoạch “tác chiến” với giặc Covid-19; cùng đồng đội truy vết F0, F1… trên mọi nẻo đường từ thành thị đến nông thôn; chuyển đổi công năng trường học thành khu cách ly y tế chỉ trong 1 đêm để có nơi tiếp nhận F1.

GS-TS-BS Tạ Văn Trầm, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang cho biết, ngoài việc cử đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên y tế nòng cốt, giỏi chuyên môn về hồi sức cấp cứu, thành thạo sử dụng máy thở, Bệnh viện còn thành lập các đội tiêm ngừa để tăng cường cho tuyến tỉnh và các tuyến khác, mỗi đội từ 15 - 20 người.

Bên cạnh đó, đội ngũ nhân viên y tế của Bệnh viện còn tham gia vào các đội truy vết trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; tập huấn cho đội ngũ nhân viên y tế tuyến huyện về chuyên môn trong công tác điều trị SARS-CoV-2; tham gia hội chẩn các trường hợp bệnh nhân Covid-19 diễn tiến nặng… Chính vì vậy, trong thời gian cao điểm của dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện hầu như phải làm việc xuyên đêm.

Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang cũng là đơn vị đầu tiên của tỉnh triển khai xét nghiệm khẳng định vi rút SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR với công suất 1.000 mẫu gộp/ngày đêm, trong khi đội ngũ Khoa Xét nghiệm của Bệnh viện chỉ có 31 người.

TS. Nguyễn Thị Bích Huyền, Trưởng khoa Xét nghiệm nhớ lại: Khi Khoa Xét nghiệm tiếp nhận máy xét nghiệm khẳng định vi rút SARS-CoV-2, đội ngũ cán bộ, nhân viên của khoa đã làm việc xuyên đêm ròng rã trong khoảng 10 ngày viết quy trình chuyên môn, quy trình vận hành, an toàn sinh học… để đưa phòng xét nghiệm SARS-CoV-2 vào hoạt động. Trong thời gian cao điểm của dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, cả máy móc và nhân lực của phòng xét nghiệm đều làm việc 24/24 giờ, nâng công suất xét nghiệm từ 1.000 mẫu gộp lên khoảng 1.200 mẫu gộp/ngày đêm.

“ĐÊM TRẮNG” NƠI “TUYẾN LỬA”

Trong giai đoạn “nước sôi lửa bỏng”, bao ánh mắt đang ngày đêm đau đáu dõi về nơi tuyến đầu, đặt tất cả niềm tin và kỳ vọng vào đội ngũ y, bác sĩ. Vì thế, ngày nào nơi “tuyến lửa” cũng là ngày đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế phải căng mình, chạy đua với thời gian, giành giật từng dấu hiệu sinh tồn để giành lại sự sống cho bệnh nhân Covid-19.

Cử nhân điều dưỡng Võ Hồng Phúc Thịnh nhớ lại: “Giai đoạn đầu khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh, em được phân công tăng cường cho Bệnh viện Dã chiến số 1 đặt tại Tiểu đoàn Ấp Bắc (Trường Quân sự địa phương cũ). Đêm 19-7-2021, cơn mưa lớn kéo dài từ chiều muộn đến khuya. Các ca nhiễm Covid-19 liên tục được chuyển đến. Do không chuẩn bị sẵn áo mưa nên anh em điều dưỡng phải lấy túi ni lông cắt ra trùm lên người che mưa ra nhận bệnh.

Khuya, mưa vẫn nặng hạt, một bệnh nhân có dấu hiệu tiến triển nặng nên buộc phải chuyển viện để điều trị. Phúc Thịnh được phân công chuyển viện cho bệnh nhân... Cứ thế, bất kể trong hoàn cảnh nào, đội ngũ nhân viên y tế vẫn sẵn sàng trong tâm thế “ra trận” để chăm lo cho bệnh nhân Covid-19. Điều dưỡng đôi khi phải kiêm luôn công việc mang cơm, nước đến tận khoa, phòng hỗ trợ nhân viên hậu cần, làm công tác tư tưởng, an ủi, trấn an tinh thần bệnh nhân, phân chia hóa chất hỗ trợ công tác khử khuẩn buồng bệnh, phun xịt khử khuẩn xe ô tô khi ra - vào khu cách ly...”.

Cử nhân điều dưỡng Huỳnh Thị Mộng Thường, Điều dưỡng trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang, Điều dưỡng trưởng Trung tâm Hồi sức Covid-19 chia sẻ: Trong giai đoạn cao điểm của dịch Covid-19, Trung tâm Hồi sức Covid-19 có từ 80 - 90 bệnh nhân nhưng chỉ có 53 điều dưỡng. Do bệnh nhân của Trung tâm là những bệnh nhân nặng, lại không có người nhà chăm sóc để tránh bị lây bệnh, nên mọi sinh hoạt cá nhân từ ăn, uống, rửa mặt, lau mình, thay tã… cho  bệnh nhân đều do điều dưỡng hỗ trợ. Chính vì vậy, nhân viên y tế hầu như làm việc xuyên đêm, công việc quá tải nên không có thời gian nghỉ ngơi và chăm sóc bản thân.

TS-BS Đỗ Quang Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang, Phó Giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 1 cho biết: Trong giai đoạn đầu, các nhân viên y tế trong Bệnh viện Dã chiến số 1 chia nhau trực theo tua, trung bình mỗi tua trực có 6 bác sĩ, 8 điều dưỡng và 4 hộ lý. Chỉ với số lượng nhân viên y tế ít ỏi như thế, nhưng hằng ngày, đội ngũ thầy thuốc Bệnh viện Dã chiến số 1 phải chăm sóc, điều trị, xử lý lau chùi, phun khử khuẩn bề mặt theo quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn nghiêm ngặt cho khoảng 350 - 400 bệnh nhân. Trong thời gian cao điểm của dịch bệnh, còn phải tham gia hội chẩn liên tục, kể cả lúc nửa đêm, rạng sáng; rồi tham gia truy vết, đi khảo sát cơ sở vật chất để mở thêm bệnh viện dã chiến mới…, vì vậy TS-BS Thành cũng không nhớ mình đã ngủ được mấy đêm trọn giấc.

Thời điểm dịch bùng phát mạnh trên địa bàn tỉnh, nguồn lực y, bác sĩ, nhân viên y tế tại các bệnh viện dã chiến mỏng nên anh em phải gồng gánh công việc cho nhau. BS CKI Trần Mai Nhiên, Phó Trưởng khoa Nội B, Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Trung tâm Hồi sức Covid-19 bồi hồi nhớ lại: Trong giai đoạn “nước sôi lửa bỏng” của dịch Covid-19, Nhiên đã phải trải qua nhiều “đêm trắng” liên tục để lo sắp xếp ổn định Trung tâm Hồi sức Covid-19, điều chuyển bệnh nhân nặng từ Bệnh viện Dã chiến số 2 về Trung tâm Hồi sức… Do bệnh nhân chuyển đến Trung tâm là những bệnh nhân nặng nên cán bộ, y, bác sĩ phải nỗ lực tìm mọi biện pháp cứu chữa để giảm đến mức thấp nhất tỷ lệ tử vong. Có những trường hợp bệnh nặng, người nhà đòi chuyển tuyến; có những ca tử vong, người nhà buộc phải giải trình… Tất cả cộng dồn lại trở thành áp lực rất lớn đối với đội ngũ y, bác sĩ và nhân viên y tế. “Giờ ngồi nhớ lại, không hiểu tại sao lúc ấy mình có thể vượt qua được những áp lực khủng khiếp như thế!” - Mai Nhiên chia sẻ.

THIÊN QUANG

(Còn tiếp)

.
.
.