Thứ Sáu, 01/07/2022, 10:50 (GMT+7)
.
BÁC SĨ CHUYÊN KHOA 2 TRẦN THANH THẢO, GIÁM ĐỐC SỞ Y TẾ TỈNH TIỀN GIANG:

Nâng chất hoạt động trạm y tế và tăng cường giám sát phát hiện, xử lý ổ dịch

Trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cơ bản được quản lý tốt. Tuy nhiên, đối với các bệnh lưu hành địa phương là sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng đang tăng so với cùng kỳ năm trước và có chiều hướng phức tạp. Trong khi đó, dịch Covid-19 với sự xuất hiện các biến thể phụ của Omicron khiến nguy cơ dịch quay trở lại là hiện hữu nếu như chúng ta không có giải pháp phòng ngừa hiệu quả. Xoay quanh vấn đề này, Báo Ấp Bắc có cuộc trao đổi với Bác sĩ chuyên khoa 2 (BSCK2) Trần Thanh Thảo, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang.

* Phóng viên (PV): Trước tình hình dịch bệnh trên, bác sĩ có đánh giá thế nào về chất lượng, hiệu quả công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân tại các trạm y tế (TYT) cấp xã, đặc biệt là khi có dịch Covid-19?

* BSCK2 Trần Thanh Thảo: TYT là nơi chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, với việc khám, chữa bệnh, phòng bệnh và thực hiện tốt chương trình mục tiêu y tế - dân số. Thời gian vừa qua, nhìn chung, các TYT trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt công tác tham mưu, phối hợp và hoạt động chuyên môn, từng bước nâng chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn, đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay.

Hằng năm, mỗi TYT đã khám và điều trị cho hàng ngàn lượt bệnh nhân, trung bình mỗi ngày có gần 30 - 40 lượt người đến khám và điều trị, chủ yếu là các bệnh thông thường, như: Đau đầu, đau bụng và một số bệnh liên quan đến hô hấp, cảm cúm...

Bên cạnh đó, các TYT đã tổ chức tốt công tác sơ cấp cứu và chuyển viện kịp thời những trường hợp bệnh nặng lên tuyến trên, không để xảy ra sai sót trong chuyên môn; tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của đội ngũ y, bác sĩ không ngừng được nâng cao trong khám, chữa bệnh, nhất là đối với người nghèo, người cao tuổi, người có công…

Các TYT bám sát những nội dung hoạt động của ngành Y tế để phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, nhân viên trong công tác khám, điều trị và phòng chống dịch bệnh. Để xây dựng đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã, các TYT đã lập kế hoạch hoạt động cụ thể cũng như các kế hoạch hoạt động trong năm, có tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả đạt và chưa đạt để phấn đấu hoàn thành tất cả các tiêu chí theo quy định.

Tuy nhiên, qua đợt dịch Covid-19 vừa qua, chúng ta thấy rằng, hoạt động của các TYT còn bộc lộ nhiều hạn chế, cần nghiên cứu khắc phục trong thời gian tới. Cụ thể, số lượng cán bộ y tế còn thiếu khi dịch bệnh bùng phát; trình độ cán bộ y tế chưa đồng đều, chưa đáp ứng yêu cầu chăm sóc người dân; số bác sĩ về xã công tác chủ yếu là thực hiện khám, chữa bệnh, nhất là bảo hiểm y tế theo phân tuyến kỹ thuật của Bộ Y tế.

Bên cạnh đó, các trang thiết bị và danh mục thuốc men khá hạn chế do là tuyến cơ sở với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe y tế ban đầu đối với các bệnh lý đơn giản, nếu vượt khả năng thì phải chuyển về tuyến trên. Cơ sở vật chất khá chật hẹp, không đủ phân bổ theo quy trình một chiều và số lượng lớn người bệnh khi dịch Covid-19 bùng phát…

* PV: Như vậy, ngành Y tế sẽ có các biện pháp gì để phòng ngừa dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là bệnh SXH, tay chân miệng và dịch Covid-19 trên địa bàn trong thời gian tới, thưa bác sĩ?

* BSCK2 Trần Thanh Thảo: Ngành Y tế đảm bảo thực hiện chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm theo quy định. Sở Y tế thực hiện giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời tham mưu UBND tỉnh việc huy động nguồn lực đáp ứng công tác phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bệnh bùng phát trên diện rộng. Đồng thời, triển khai công tác kiểm soát dịch bệnh, tăng cường các hoạt động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm, đáp ứng ngay, xử lý triệt để ổ dịch không để lan rộng và kéo dài tại cộng đồng.

Tiếp tục triển khai nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Chúng tôi sẽ củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết.

Đối với các bệnh dịch có vắc xin phòng bệnh như sởi, Rubella, bạch hầu, ho gà... tăng cường chỉ đạo tổ chức triển khai công tác tiêm chủng thường xuyên, tiêm chủng bổ sung và tiêm vét, đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi đạt trên 90% theo quy mô xã, phường và sử dụng hiệu quả nguồn vắc xin.

Song song đó, tập trung đẩy mạnh công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 theo đúng hướng dẫn và tiến độ phân bổ vắc xin của Bộ Y tế; tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát, phát hiện bệnh và điều trị ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở. Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát hỗ trợ các đơn vị trên địa bàn triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.

* PV: Xin cảm ơn bác sĩ!

MAI HÀ (thực hiện)

.
.
.