Thứ Sáu, 23/09/2022, 16:00 (GMT+7)
.

Giám sát việc mua sắm, quản lý, sử dụng vaccine trong phòng, chống dịch

Sáng 23/9, cho ý kiến vào dự thảo Kế hoạch giám sát của Đoàn giám sát, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị xem xét, đánh giá việc mua sắm, quản lý, phân phối và sử dụng vaccine trong phòng, chống dịch Covid-19.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên họp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên họp.

Tiếp tục chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9, sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và đề cương các báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.

Giám sát tại những điểm nóng về dịch Covid-19, có vấn đề nổi cộm về y tế cơ sở, y tế dự phòng

Trình bày báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường, Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát nhấn mạnh mục đích cuộc giám sát nhằm đánh giá đầy đủ, toàn diện, khách quan tình hình và kết quả thực hiện việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; và việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Trong mỗi nội dung làm rõ tình hình, thực trạng và thực hiện chính sách, pháp luật; kết quả đạt được; tồn tại, hạn chế, yếu kém, bất cập; nguyên nhân (chủ quan, khách quan); bài học kinh nghiệm, đặc biệt là mối quan hệ giữa xây dựng hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng với công tác phòng, chống dịch.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo về dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo về dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết.

Đồng thời, đánh giá tính kịp thời, đầy đủ, đồng bộ, khả thi của chính sách, pháp luật; làm rõ ưu, nhược điểm của việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đối với từng nội dung, lĩnh vực giám sát; xác định trách nhiệm của các chủ thể, đối tượng giám sát liên quan đến từng nội dung giám sát; đề xuất, kiến nghị giải pháp để các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, xử lý nhằm phát huy các kết quả đạt được, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế…

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết, nội dung giám sát sẽ tập trung vào việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật trong huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc tổ chức hệ thống y tế cơ sở, điều kiện bảo đảm và công tác tổ chức thực hiện các quy định về y tế cơ sở; việc tổ chức bộ máy y tế dự phòng, điều kiện bảo đảm và công tác tổ chức thực hiện các quy định về y tế dự phòng.

Đối tượng giám sát là Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Hoạt động giám sát được thực hiện trên phạm vi cả nước, thời gian giám sát từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 31/12/2022 đối với việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; từ ngày 1/1/2018 đến hết ngày 31/12/2022 đối với thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu ý kiến tại phiên họp.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu ý kiến tại phiên họp.

Về kế hoạch triển khai, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết, sau khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chỉ đạo về dự thảo Kế hoạch chi tiết và Đề cương báo cáo giám sát, Đoàn giám sát sẽ Ban hành Kế hoạch chi tiết và Đề cương báo cáo; gửi văn bản yêu cầu các cơ quan thuộc đối tượng giám sát và cơ quan, tổ chức có liên quan báo cáo.

Trong tháng 2 và tháng 3/2023, trên cơ sở tổng hợp báo cáo kết quả của các đối tượng giám sát và báo cáo kết quả giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội tại địa phương, báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Đoàn giám sát sẽ giám sát trực tiếp tại một số Bộ, ngành, địa phương. Trong đó, chú trọng những nơi có tình hình nổi bật, có tính đại diện về vùng, miền, kinh tế-xã hội, là điểm nóng về dịch Covid-19, có vấn đề nổi cộm về y tế cơ sở, y tế dự phòng trong thời gian vừa qua.

Bên cạnh đó, Đoàn giám sát cũng tổ chức 1 hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học về việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng và phòng, chống dịch; làm việc với Chính phủ, báo cáo kết quả giám sát với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 4/2023 trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5.

Qua hoạt động giám sát, cần làm rõ trách nhiệm giải trình

Cho ý kiến vào dự thảo Kế hoạch giám sát, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tập trung xem xét hiệu quả huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực trong phòng, chống dịch, đặc biệt là nguồn lực từ ngân sách nhà nước.

Trong đó, giám sát việc mua sắm vaccine từ bên ngoài, cũng như quá trình quản lý, phân phối và sử dụng vaccine trong phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời đánh giá kỹ hơn, sâu hơn về chủ trương, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước…

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh thông qua hoạt động giám sát, cần làm rõ trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính nhà nước.

Đối với lĩnh vực y tế cơ sở, Chủ tịch Quốc hội đề nghị xem xét, đánh giá thực trạng, mô hình tổ chức hệ thống y tế cơ sở và việc sắp xếp lại theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW, cũng như việc triển khai chính sách về chế độ, phụ cấp… Bên cạnh đó, cần làm rõ việc điều chỉnh mô hình tổ chức y tế xã, phường như trong điều kiện dịch bệnh và bình thường ra sao…

Quang cảnh phiên họp.
Quang cảnh phiên họp.

Liên quan y tế dự phòng, Chủ tịch Quốc hội cho biết có 2 vấn đề rủi ro cần lưu ý, thứ nhất là một số địa phương không bố trí đủ vốn từ ngân sách cho y tế dự phòng. Theo quy định, phải trích ít nhất 30% nguồn lực chi sự nghiệp y tế cho y tế dự phòng, nhưng có địa phương không thực hiện, chưa quan tâm đúng mức đến lĩnh vực này.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cuộc giám sát lần này phải trả lời được câu hỏi tại sao gói hỗ trợ tăng cường y tế dự phòng theo Nghị quyết 43 của Quốc hội khá lớn nhưng lại không được dùng hết, do địa phương không có nhu cầu hay không quan tâm bố trí nguồn lực cho y tế dự phòng. Ngoài ra, cần đưa ra kiến nghị đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng trong thời gian tới.

Rủi ro thứ 2, theo Chủ tịch Quốc hội, là lấy nguồn lực từ quỹ khám, chữa bệnh chi cho y tế dự phòng. Đây là khoản chi không đúng và cũng cần phải làm rõ.

Về phương thức huy động lực lượng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng tình với phương án không bắt buộc Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện giám sát độc lập mà giao Đoàn đại biểu Quốc hội chủ trì, phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân thực hiện giám sát chuyên đề tại các địa phương. Tuy nhiên, khuyến khích Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố tổ chức giám sát riêng.

(Theo nhandan.vn)

 

 

 

 

.
.
.