Thứ Bảy, 27/05/2023, 12:16 (GMT+7)
.

Bệnh thủy đậu gia tăng, nhiều biến chứng

Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm do virus Varicella Zoster gây ra và hiện đã có vaccine phòng ngừa. Dù là bệnh lành tính nhưng thủy đậu có thể diễn biến bất thường, có nguy cơ biến chứng nặng, gây tử vong, nhất là ở trẻ em và phụ nữ có thai.

Bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đang thăm khám cho trẻ mắc thủy đậu.
Bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đang thăm khám cho trẻ mắc thủy đậu.

Lây nhiễm nhanh, biến chứng nặng

Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm 2023 tới nay, cả nước đã ghi nhận khoảng 4.000 ca mắc thủy đậu, trong đó tại Hà Nội là trên 1.400 ca mắc (tăng hơn 21 lần so với cùng kỳ năm ngoái). Nhiều bệnh viện tại Hà Nội và TPHCM cho biết, nếu năm ngoái cùng thời điểm này không ghi nhận ca mắc thủy đậu nào thì gần đây, ngày nào cũng có bệnh nhân mắc thủy đậu tới khám, trong đó có một số ca bội nhiễm, biến chứng viêm đường hô hấp.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, một tháng gần đây tiếp nhận hàng chục bệnh nhân mắc thủy đậu đến điều trị, trong đó có nam thanh niên 32 tuổi tử vong do biến chứng viêm phổi, suy gan. Đáng chú ý, trước khi vào bệnh viện 2 tuần, bệnh nhân tiếp xúc với con trai mắc thủy đậu. Bệnh nhân đi khám tại phòng khám tư, bác sĩ chẩn đoán mắc thủy đậu và cho dùng thuốc. Tuy nhiên, các triệu chứng không thuyên giảm nên người nhà đưa bệnh nhân vào bệnh viện tuyến dưới khám. Khi bệnh nhân chuyển nặng thì được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai, và tử vong sau 4 ngày điều trị.

Tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông, bác sĩ Trần Thị Kim Anh, Trưởng khoa Nhiệt đới, thông tin, hiện mỗi tuần bệnh viện tiếp nhận trên 10 trường hợp phải nhập viện điều trị. Một số trường hợp mắc thủy đậu là thanh niên, nhập viện trong tình trạng sốt cao, mệt mỏi, các vết phỏng mọc toàn thân kèm theo ho nhiều, tức ngực do bị thủy đậu biến chứng viêm phế quản phổi. Tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) cũng vừa tiếp nhận điều trị 1 trường hợp bệnh nhân 22 tuổi, đang mang thai 22 tuần, bị thủy đậu bội nhiễm.

Tại các tỉnh phía Nam, dù chưa ghi nhận ca tử vong do thủy đậu nhưng nhiều bệnh viện cũng cảnh báo số ca mắc thủy đậu đang có chiều hướng gia tăng. Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM ghi nhận hơn 400 trường hợp đến khám vì mắc thủy đậu, nhiều ca phải nhập viện do biến chứng nặng. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm TPHCM, thủy đậu là loại bệnh truyền nhiễm thường thấy, do virus có tên Varicella Zoster gây nên, có thể mắc ở cả người lớn và trẻ em. Một số nghiên cứu cho thấy trẻ em từ 2-8 tuổi có nguy cơ mắc cao nhất, ngoài ra người lớn vẫn có thể nhiễm bệnh nếu không được tiêm phòng đầy đủ. Người lớn mắc thủy đậu sẽ bệnh nặng hơn trẻ em và dễ có nguy cơ bị bội nhiễm.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, trẻ em từ 1 tuổi trở lên cho tới 12 tuổi chưa mắc thủy đậu và người lớn chưa có kháng thể với virus Herpes Zoster cần tiêm vaccine ngừa thủy đậu. Vaccine thủy đậu có tính an toàn và hiệu quả cao.

Chưa có thuốc đặc trị

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phụ trách khoa Điều trị và Chăm sóc đặc biệt 1, Bệnh viện Nhi Trung ương, virus gây thủy đậu có thể lây truyền từ mẹ sang con khi mẹ mang thai, hoặc trẻ mắc bệnh do tiếp xúc với các giọt bắn trong môi trường chứa virus thủy đậu lây truyền qua đường hô hấp, hay tiếp xúc trực tiếp với người chăm sóc bị nhiễm bệnh. Trẻ em mắc thủy đậu, đặc biệt trẻ sơ sinh, có nguy cơ tử vong cao, tới 30% do tổn thương đa cơ quan. Trẻ mắc thủy đậu không được điều trị kịp thời và đúng phác đồ sẽ gặp các biến chứng nguy hiểm như: suy hô hấp, sốc nhiễm trùng nhiễm độc, bội nhiễm vi khuẩn. Đồng thời có thể để lại các biến chứng về thần kinh như: viêm màng não, viêm tủy, viêm dây thần kinh thị giác, viêm đa dây thần kinh, suy thận, viêm cầu thận…

Hiện bệnh thủy đậu chưa có thuốc đặc trị, việc điều trị thường tập trung làm giảm nhẹ các triệu chứng và giữ bệnh nhân không bị mất nước. Vì vậy, việc chăm sóc người bệnh thủy đậu đóng một vai trò quan trọng, cần đảm bảo ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn các thức ăn mềm, uống đủ nước; vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý; thay quần áo và tắm rửa hàng ngày bằng nước ấm sạch, tránh gãi làm vỡ các nốt phỏng vì dễ gây bội nhiễm và tạo sẹo.

Để phòng bệnh, biện pháp hiệu quả là tiêm vaccine phòng thủy đậu cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên. Theo nhiều nghiên cứu, nếu trẻ đã được tiêm đầy đủ vaccine thủy đậu thì 80%-90% có khả năng phòng bệnh. Còn khoảng 10% trẻ vẫn có nguy cơ bị thủy đậu sau khi tiêm chủng, nhưng các trường hợp này chỉ bị nhẹ và thường là không bị biến chứng. Đồng thời, những trường hợp mắc thủy đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7-10 ngày để tránh lây lan.

(Theo sggp.org.vn)

.
.
.