Chủ Nhật, 21/05/2023, 11:05 (GMT+7)
.

Ca ngộ độc botulinum tăng, thuốc giải hết

Những ngày gần đây, các bệnh viện Chợ Rẫy, Nhân dân Gia Định, Bệnh nhiệt đới TPHCM đã hội chẩn và phát hiện thêm 3 ca ngộ độc botulinum. Trước đó, thành phố cũng ghi nhận 3 trường hợp ngộ độc loại này.

Sử dụng thực phẩm không an toàn


TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết, 3 trường hợp ngộ độc botulinum đang điều trị tại 3 bệnh viện: Nhân dân Gia Định, Bệnh nhiệt đới TPHCM và Chợ Rẫy.

Ngày 13-5, hai anh em ruột (nam, 18 tuổi và 26 tuổi) ăn bánh mì kèm chả lụa của người bán dạo và một người (45 tuổi) ăn một loại mắm để lâu ngày đều có triệu chứng rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, đau đầu choáng váng, có biểu hiện tiêu chảy. Đến ngày 15-5, tình trạng bệnh nặng hơn, yếu cơ, khó nuốt.

Trong đó, bệnh nhân 18 tuổi diễn biến sớm, yếu sức cơ nên nhập viện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM; bệnh nhân 45 tuổi cũng vào Bệnh viện Nhân dân Gia Định chiều cùng ngày; bệnh nhân 26 tuổi nhẹ hơn nên tự đến Bệnh viện Chợ Rẫy.

Qua hội chẩn, các bác sĩ chẩn đoán cả 3 bệnh nhân ngộ độc botulinum. Hiện 2 bệnh nhân (18 tuổi và 45 tuổi) chỉ có 1/5 sức cơ; còn bệnh nhân 26 tuổi cử động, tự thở được, chưa phải thở máy nhưng diễn tiến nặng.

Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM thăm khám bệnh nhi ngộ độc botulinum.
Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM thăm khám bệnh nhi ngộ độc botulinum.

Trước đó, Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng đã điều trị 3 bệnh nhi (ngụ TP Thủ Đức) bị ngộ độc botulinum do ăn bánh mì kèm chả lụa từ người bán dạo. Bệnh viện Chợ Rẫy đã liên hệ Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam để điều chuyển 2 lọ thuốc giải độc botulinum cuối cùng (tên Botulism Antitoxin Heptavalen - BAT) về điều trị cho bệnh nhi trong ngày 16-5. Đến chiều 20-5, cả 3 bệnh nhi đã có những cải thiện bước đầu về hồi phục sức cơ.

Cả nước “cạn” thuốc giải độc

Khu vực phía Nam hiện hết toàn bộ thuốc BAT, trong khi nước ta thường không dự trữ loại thuốc này hoặc cả nước chỉ có vài lọ. Năm 2020, nhiều người bị ngộ độc botulinum do ăn món patê Minh Chay cũng được cứu nhờ loại thuốc này.

TS-BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, thông tin: Từ trước đến nay, thuốc hiếm BAT trị giá hàng ngàn USD này được Bệnh viện Chợ Rẫy mua dự phòng. Ngày 16-5, ngay sau khi dùng 2 lọ thuốc BAT chuyển từ Quảng Nam vào cứu 3 trẻ bị ngộ độc, cả nước xem như không còn thuốc giải độc độc tố botulinum nào. Ngày 17-5, chúng tôi đã khẩn cấp gửi công văn ra Bộ Y tế xin phép mua thêm thuốc BAT và đang chờ hướng dẫn.

Bệnh nhân ngộ độc botulinum được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Bệnh nhân ngộ độc botulinum được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Theo TS-BS Lê Quốc Hùng, khi được sử dụng thuốc giải độc BAT sớm, chỉ trong vòng 48-72 giờ là bệnh nhân có thể thoát khỏi tình trạng bị liệt và không phải thở máy. Trong trường hợp không có thuốc giải độc BAT, chỉ có điều trị hỗ trợ mới giúp bệnh nhân ổn định.

Việc điều trị hỗ trợ chủ yếu là nuôi dưỡng và thở máy bởi bệnh lý do chất độc của botulinum làm tổn thương hệ thần kinh dẫn tới liệt cơ, khi đó không thể thở được, dễ tử vong.

“Trước đây, nếu chưa có hỗ trợ máy thở về hỗ trợ xâm lấn đường hô hấp, bệnh nhân rất dễ tử vong. Nhưng với phương tiện hỗ trợ thở máy, hiện vấn đề điều trị dễ dàng hơn, tuy nhiên kết quả cũng không được như khi sử dụng thuốc”, TS-BS Lê Quốc Hùng chia sẻ.

Theo ghi nhận y văn thế giới, không có thuốc giải độc thì thời gian trung bình thở máy của bệnh nhân phải kéo dài 3-6 tháng và trong quá trình thở máy có rất nhiều biến chứng xảy ra như nhiễm trùng thứ phát về đường hô hấp, suy dinh dưỡng, liệt hoàn toàn…

Khả năng nhiễm vi khuẩn botulinum luôn rình rập

Xung quanh vấn đề này, PV Báo SGGP đã trao đổi nhanh với TS-BS Lê Quốc Hùng (ảnh).

* PHÓNG VIÊN: Thưa ông, gần đây số ca được chẩn đoán ngộ độc botulinum có dấu hiệu gia tăng, điều đó có bất thường?

* TS-BS LÊ QUỐC HÙNG: Số lượng bệnh nhân ngộ độc botulinum hàng năm có thể không phải đột biến tăng mà do khả năng chẩn đoán của ngành y tế nước ta phát triển, phát hiện nhiều ca hơn.

* Nguyên nhân gây ngộ độc botulinum là gì, thưa ông?

* Vi khuẩn botulinum sống trong môi trường yếm khí. Trong môi trường bình thường, vi khuẩn này không phát triển do có lượng oxy cao nên nó tự động thích nghi và tạo các bào tử (vi khuẩn tạo ra vỏ bọc cho nó để nó ngủ đông, không hoạt động và không chết). Khi nó tồn tại trong môi trường không có không khí, sẽ tái hoạt. Nó sẽ phá vỏ bao bào tử, sản sinh chất độc. Khi đó, chúng ta có thể nhiễm loại vi khuẩn này ở mọi nơi, mọi lúc.

* Việc chế biến, bảo quản thực phẩm nên như thế nào để phòng ngộ độc botulinum?

* Khi chế biến thực phẩm tươi sống, mua đồ về nhà chế biến hoặc chế biến thức ăn đóng chai, lọ thì việc đầu tiên là phải thực hiện trong môi trường sạch sẽ. Không nên đóng kín nếu không có kỹ thuật tốt. Đối với người dân, biện pháp có thể phòng tránh là sử dụng độ chua hay độ mặn trên 5% (5g muối/100g thức ăn) vì ở môi trường mặn vi khuẩn không phát triển được.

Bên cạnh đó, khi sử dụng thức ăn phải xem hạn dùng. Không chỉ botulinum mà các loại vi khuẩn khác cũng có thể gây nhiễm độc. Các vi khuẩn khi tái hoạt sẽ sinh ra khí, làm móp méo các hộp đồ ăn. Nếu hộp đựng thực phẩm phồng lên một cách biến dạng thì không nên ăn dù còn hạn sử dụng.


(Theo sggp.org.vn)


 

.
.
.