.

Cảnh báo lây truyền bệnh tay chân miệng từ người lớn

Cập nhật: 14:25, 20/10/2023 (GMT+7)

Bệnh tay chân miệng (TCM) ở người lớn ngày càng gia tăng với triệu chứng không điển hình hoặc không triệu chứng là nguồn lây cần quan tâm hiện nay. Ngành Y tế khuyến cáo tất cả mọi người nên rửa tay thường xuyên, đặc biệt khi chăm sóc trẻ nhằm hạn chế sự lây truyền bệnh.

ĐẶC ĐIỂM CỦA BỆNH TCM

TCM là bệnh truyền nhiễm phổ biến, có khả năng lây nhiễm cao, thường xảy ra ở lứa tuổi nhỏ, thường dưới 10 tuổi. Nguyên nhân thường gặp nhất là do Coxsackievirus-A16 và Enterovirus-A71. Vi rút TCM có thể lây lan từ người sang người, thường là trên bàn tay chưa rửa sạch và các bề mặt bị nhiễm phân, nơi chúng có thể sống trong vài ngày.

Trong hầu hết các trường hợp, nhiễm trùng Coxsackievirus gây ra các triệu chứng giống cúm nhẹ và tự khỏi mà không cần điều trị. Nhưng trong một số trường hợp, có thể dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng hơn.

GIA TĂNG BỆNH Ở NGƯỜI LỚN VÀ KHÔNG TRIỆU CHỨNG

Trẻ em thường biểu hiện một số mức độ triệu chứng đặc trưng bởi sự phát ban mụn nước điển hình ở bàn tay, bàn chân, niêm mạc miệng và sốt. Biểu hiện không điển hình có thể được đặc trưng bởi sốt cao, sự phân bố tổn thương đa dạng hơn, liên quan đến da rõ rệt với xói mòn, loét, bóng nước và thời gian bệnh dài hơn, có thể kéo dài 2 tuần.

Người lớn có tỷ lệ mắc bệnh ngày càng tăng, nguyên nhân do Coxsackievirus B1-B6 với các triệu chứng không điển hình hoặc không triệu chứng gây khó khăn cho việc chẩn đoán. Gần đây hơn, các đợt bùng phát bệnh TCM có biểu hiện không điển hình ở tuổi trưởng thành trên toàn thế giới liên quan đến vi rút Coxsackie-A6 đã được báo cáo. Theo một số nghiên cứu, 90% trường hợp bệnh TCM không có triệu chứng lâm sàng. Ở người trưởng thành, bệnh có biểu hiện lâm sàng dưới 1%, và là nguồn lây truyền bệnh quan trọng hiện nay.

CÓ THỂ MẮC BỆNH NHIỀU LẦN

Mặc dù việc tiếp xúc với nước mũi, nước bọt, phân hoặc dịch cơ thể của người bị nhiễm bệnh khiến bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc bệnh TCM cao hơn, nhưng người lớn mắc bệnh TCM có khả năng miễn dịch đối với loại vi rút cụ thể gây ra bệnh. Tuy nhiên, vì bệnh TCM do nhiều loại vi rút khác nhau gây ra nên một người có thể mắc bệnh trở lại nếu bị nhiễm một trong các vi rút gây bệnh TCM khác. Ở người lớn có bệnh lý tiềm ẩn làm suy yếu hệ thống miễn dịch thì nguy cơ sẽ cao hơn.

BIỆN PHÁP ĐỂ NGĂN NGỪA BỆNH

Để kiểm soát hiệu quả bệnh TCM, ngành Y tế khuyến cáo tất cả mọi người nên rửa tay thường xuyên, đặc biệt khi chăm sóc trẻ nhằm hạn chế sự lây truyền bệnh, cụ thể như sau: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây. Nếu không có xà phòng và nước, hãy sử dụng chất khử trùng tay chứa cồn. Luôn rửa tay sau khi thay tã, sau khi sử dụng nhà vệ sinh, sau khi xì mũi, ho hoặc hắt hơi, trước và sau khi chăm sóc người bệnh.

Giúp trẻ rửa tay. Dạy trẻ cách rửa tay và đảm bảo trẻ rửa tay thường xuyên. Giúp giữ vết phồng rộp sạch sẽ và tránh chạm vào. Tránh tiếp xúc gần với người bệnh, tránh va chạm như ôm hoặc hôn; tránh chạm vào mắt, mũi và miệng. Một người có thể bị nhiễm bệnh nếu tay có vi rút và sau đó chạm vào mắt, mũi hoặc miệng.

Để giảm nguy cơ mắc bệnh, đừng chạm vào mắt, mũi và miệng bằng tay chưa rửa sạch. Làm sạch và khử trùng các bề mặt thường xuyên chạm vào và các vật dụng dùng chung như đồ chơi và tay nắm cửa. Các nhà nghiên cứu đang nỗ lực phát triển vắc xin giúp ngăn ngừa bệnh TCM trong thời gian tới.

BS LÊ ĐĂNG NGẠN

.
.
.