Thứ Ba, 22/04/2025, 15:04 (GMT+7)
.

5 tác hại nghiêm trọng của thuốc giả, thuốc kém chất lượng đối với sức khỏe

(ABO) Vừa qua, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết đã triệt phá một đường dây sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả với quy mô lớn. Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố 14 bị can liên quan đến hành vi “sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh”.

Đây là thông tin rất đáng lo ngại. Thuốc giả, thuốc kém chất lượng đã đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người dân. Dưới đây là 5 tác hại nghiêm trọng mà người dùng có thể gặp phải khi sử dụng thuốc giả:

1. Không điều trị được bệnh

Thuốc giả thường không chứa hoạt chất hoặc chỉ chứa với hàm lượng rất thấp, dẫn đến hiệu quả điều trị không có hoặc không đáng kể. Người bệnh có thể bỏ lỡ “thời gian vàng” để điều trị bệnh đúng cách, khiến bệnh trở nặng hơn.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính mỗi năm có hơn 1 triệu người tử vong liên quan đến việc sử dụng thuốc giả và thuốc kém chất lượng.

2. Gây ra tác dụng phụ nguy hiểm

Một số thuốc giả có thể chứa tạp chất độc hại, sản xuất trong điều kiện mất vệ sinh, dễ bị nhiễm nấm, vi khuẩn. Hậu quả có thể là ngộ độc, dị ứng nặng, suy gan, suy thận, rối loạn tiêu hóa, nhiễm trùng…; thậm chí tử vong.

3. Làm tăng tình trạng kháng thuốc

Đặc biệt nguy hiểm là thuốc kháng sinh giả. Khi hoạt chất không đủ liều hoặc không đúng loại, vi khuẩn có thể “học cách” kháng lại thuốc, gây khó khăn trong điều trị về sau.

Theo UNODC (Văn phòng Liên Hợp quốc về ma túy và tội phạm), riêng tại khu vực châu Phi cận Sahara, gần 500.000 người tử vong mỗi năm do dùng thuốc giả, trong đó có gần 170.000 trẻ em tử vong vì thuốc kháng sinh giả điều trị viêm phổi.

4. Tổn hại tâm lý và tài chính

Người bệnh khi dùng thuốc giả sẽ mất niềm tin vào thuốc men, bác sĩ và hệ thống y tế. Đồng thời, họ còn phải tốn kém thêm chi phí điều trị biến chứng do thuốc giả gây ra, chưa kể mua thuốc không có tác dụng.

5. Nguy cơ tử vong cao

Trong nhiều trường hợp, thuốc giả không chỉ làm chậm trễ việc điều trị, mà còn gây độc cho cơ thể. Một số thống kê từ WHO cho thấy, có từ 72.000 đến 169.000 trẻ em tử vong mỗi năm do thuốc kháng sinh giả. Thuốc chống sốt rét giả cũng gây ra hơn 200.000 ca tử vong mỗi năm.

Tại Mỹ, CDC ghi nhận số ca tử vong do quá liều thuốc giả đã tăng gấp đôi chỉ trong 2 năm (2019 - 2021).

Để phòng tránh mua nhầm thuốc giả, người dùng nên mua thuốc tại các cơ sở y tế, nhà thuốc uy tín, có giấy phép rõ ràng. Luôn kiểm tra kỹ bao bì, tem nhãn, hạn sử dụng trước khi dùng. Không mua thuốc qua mạng, không rõ nguồn gốc, hoặc từ người bán không chuyên. Nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.

Thuốc là con dao hai lưỡi. Dùng đúng thuốc, đúng cách sẽ giúp chữa bệnh hiệu quả. Ngược lại, dùng thuốc giả có thể trả giá bằng sức khỏe, thậm chí bằng cả tính mạng của chính mình và người thân của mình. Người dùng cần hết sức cảnh giác.

BS NGUYỄN THÀNH ÚC

 

.
.
.