Thứ Sáu, 27/12/2013, 07:41 (GMT+7)
.

10 sự kiện thể thao trong nước nổi bật năm 2013

1. Đoàn thể thao Việt Nam vượt mục tiêu HCV tại SEA Games 27

Tham dự Đại hội thể thao các nước Đông Nam Á lần thứ 27 (SEA Games 27) tại Myanmar, đoàn thể thao Việt Nam giành được 73 huy chương vàng, 86 huy chương bạc, 86 huy chương đồng và đứng thứ ba trên bảng xếp hạng toàn đoàn.

Nhiều nội dung thi đấu Việt Nam đã khẳng định vị trí hàng đầu khu vực. Tuy nhiên, đội tuyển bóng đá U23 quốc gia vẫn chưa thể vươn tới chiếc huy chương vàng và thậm chí lần đầu tiên sau 5 kỳ SEA Games liên tiếp đã không lọt vào nhóm 4 đội mạnh nhất Đông Nam Á.

Đoàn TTVN vượt mục tiêu tại SEA Games 27 với 73 HCV. (ảnh: Quang Trung)
Đoàn TTVN vượt mục tiêu tại SEA Games 27 với 73 HCV. Ảnh: Quang Trung

2. Lê Quang Liêm vô địch cờ chớp thế giới

Ngày 10-06, VĐV Lê Quang Liêm giành chức vô địch cờ chớp thế giới sau khi vượt qua những kỳ thủ hàng đầu thế giới như Ian Nepomniachtchi và Shakhriyar Mamedyarov. Đây là dấu mốc lịch sử của cờ vua Việt Nam. Sau nhiều thành công tại các giải trẻ, cờ vua Việt Nam lần đầu tiên chiến thắng ở giải đấu dành cho các kỳ thủ trưởng thành.

3. Thể dục dụng cụ tiếp tục khẳng định đạt đẳng cấp thế giới

2013 là năm thành công của các VĐV thể dục dụng cụ khi Phạm Phước Hưng – người từng giành vé tham dự Olympic Luân Đôn 2012 vô địch nội dung xà kép tại cúp thế giới tổ chức ở Slovenia. Tại giải thể dục dụng cụ thế giới Challenge Doha (Qatar), Phan Thị Hà Thanh giành HCV nội dung sở trường – nhảy chống nữ sau khi vượt qua các đối thủ từng giành huy chương Olympic và vô địch châu Âu. Tháng 9, tới lượt Nguyễn Hà Thanh cũng bước lên ngôi vị cao nhất ở nội dung nhảy chống nam trong một giải thế giới khác tổ chức tại Croatia.

4. Nguyễn Tiến Minh giành huy chương tại giải vô địch cầu lông thế giới

Cây vợt Nguyễn Tiến Minh giành huy chương đồng tại giải vô địch cầu lông thế giới. Không những vậy, tại giải đấu này, Nguyễn Tiến Minh cùng Jan Jorgensen lập kỷ lục thế giới với màn đánh cầu dài nhất trong lịch sử với 108 lần chạm vợt. Chiếc huy chương đồng của Tiến Minh đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia thứ 18 có tên trên bảng vàng của giải vô địch cầu lông thế giới.

Tiến Minh chơi tốt tại đấu trường thế giới nhưng lại thất bại tại SEA Games 27. (ảnh: Vnexpress)
Tiến Minh chơi tốt tại đấu trường thế giới nhưng lại thất bại tại SEA Games 27. Ảnh: Vnexpress

5. Đội tuyển nữ giành quyền dự VCK châu Á.

Đội tuyển nữ bóng đá quốc gia dưới sự dẫn dắt của HLV Trần Vân Phát đã vượt qua vòng loại Asian Cup 2014 với thành tích toàn thắng cả ba trận, ghi 24 bàn thắng và không để thủng lưới bàn nào. Giành quyền tham dự Vòng chung kết Asian Cup 2014 mà Việt Nam là nước chủ nhà, đội tuyển bóng đá nữ quốc gia có nhiều cơ hội đoạt vé dự World Cup bóng đá nữ 2015.

6. Nhiều gương mặt VĐV xuất sắc tại SEA Games 27.

Cùng với thành công chung của các môn thể thao Olympic, nhiều vận động viên Việt Nam đã đạt thành tích xuất sắc tại SEA Games 27. Trên đường đua xanh, “kình ngư” Nguyễn Thị Ánh Viên bùng nổ để giành 3 HCV cá nhân, phá hai kỷ lục SEA Games.

Ở môn điền kinh, Đỗ Thị Thảo, Vũ Thị Hương, Nguyễn Văn Lai cùng đoạt “cú đúp” HCV tại các cự ly chạy sở trường. Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh giành 3 HCV, góp phần đưa bắn súng Việt Nam lần thứ tư liên tiếp đứng đầu tại 1 kỳ Đại hội.

Nữ võ sỹ judo Văn Ngọc Tú đi vào lịch sử thể thao Việt Nam với việc giành 5 HCV qua các kỳ SEA Games trong khi Lừu Thị Duyên trở thành nữ võ sỹ quyền Anh đầu tiên của Việt Nam giành HCV SEA Games.

7. Thành công của đội tuyển U19 quốc gia cho thấy tăng cường đầu tư cho bóng đá trẻ là hướng đi đúng và cần thiết.

Bóng đá trẻ Việt Nam đã ghi một mốc son trong năm 2013 khi đội tuyển U19 quốc gia, với nòng cốt là các cầu thủ từ học viện Hoàng Anh Gia Lai – Arsenal JMG toàn thắng cả 3 trận tại vòng loại để lọt vào vòng chung kết giải vô địch bóng đá U19 châu Á.

Thành công này là một điểm sáng của bóng đá Việt Nam năm 2013, gieo niềm tin cho người hâm mộ về tương lại của một lứa cầu thủ được đào tạo bài bản đồng bộ cả về chuyên môn lẫn đạo đức và trình độ văn hóa.

8. Liên đoàn bóng đá Việt Nam vẫn chưa thể tổ chức Đại hội theo kế hoạch.

Đại hội Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) nhiệm kỳ 7 lẽ ra phải được tổ chức vào tháng 10 vừa qua, nhưng sau hai lần trì hoãn, thời gian đã được lùi lại tới đầu năm sau. Trong khi hồ sơ của các ứng viên cho chức Chủ tịch VFF chưa hoàn tất thì ông Nguyễn Trọng Hỷ đã xin từ nhiệm vì lý do sức khỏe và Phó chủ tịch Lê Hùng Dũng giữ chức Quyền Chủ tịch cho tới Đại hội.

Ông Lê Hùng Dũng sẽ giữ chức quyền Chủ tịch cho tới Đại hội VFF nhiệm kỳ 7. (ảnh: Lâm Thỏa)
Ông Lê Hùng Dũng sẽ giữ chức quyền Chủ tịch cho tới Đại hội VFF nhiệm kỳ 7. Ảnh: Lâm Thỏa

9. Lần đầu tiên 1 đội bóng bỏ cuộc ở giải bóng đá Vô địch quốc gia (V.League).

Bóng đá Việt Nam thêm 1 mảng màu xám trong bức tranh toàn cảnh năm 2013 khi ông bầu Nguyễn Xuân Thủy giải thể đội bóng Xi măng Xuân Thành Sài Gòn, chỉ 2 vòng trước khi V.League 2013 kết thúc. Đây là lần đầu tiên 1 đội bóng bỏ giải kể từ khi bóng đá Việt Nam chuyển sang chuyên nghiệp. Và dù mùa bóng vẫn đi đến đích nhưng sự kiện này cũng dự báo những khó khăn mà bóng đá Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối mặt ở mùa giải 2014.

10. Đội tuyển bóng bàn tiếp tục mất đoàn kết.

Việc tổ chức vòng đấu kiểm tra để tuyển chọn những tay vợt dự SEA Games khiến nội bộ đội tuyển bóng bàn quốc gia lại nổi cơn “sóng ngầm”. Nhiều tay vợt tên tuổi như Đinh Quang Linh, Trần Tuấn Quỳnh từ chối tham dự. Thế nhưng tại Myanmar, bóng bàn Việt Nam lại bất ngờ có được chiếc HCB đơn nam của Lê Tiến Đạt - tay vợt trước đó vốn không được đánh giá cao.

(Theo vov.vn)

.
.
.