Thứ Bảy, 21/03/2015, 06:53 (GMT+7)
.
Ths. Lê Bá Tùng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật tỉnh:

Giải nhằm góp phần khôi phục, phát triển phong trào tập luyện võ cổ truyền

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa tổ chức thành công Giải Vô địch Võ Cổ truyền tỉnh năm 2015 (diễn ra vào đầu tháng 3). Xung quanh sự kiện này, Thạc sĩ (ThS) Lê Bá Tùng, Trưởng Phòng Huấn luyện Trung tâm Thể dục - Thể thao (TDTT) tỉnh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật tỉnh, Tổng trọng tài giải cho biết:

Giải Vô địch Võ Cổ truyền tỉnh là hoạt động được tổ chức hàng năm nhằm khôi phục và phát triển bộ môn Võ Cổ truyền, cũng như thúc đẩy phong trào tập luyện võ thuật cổ truyền trong tỉnh.

Tham dự Giải năm nay gồm có 111 vận động viên (VĐV) đến từ 11 đơn vị huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Các võ sĩ tranh tài ở 2 nội dung: Đối kháng (nam gồm 9 hạng cân từ 39 kg đến trên 64 kg, nữ gồm 7 hạng cân từ 32 kg đến trên 54 kg) và thi quyền cho cả nam và nữ.

Ở nội dung thi đấu đối kháng, các VĐV thi đấu loại trực tiếp một lần thua; ở nội dung thi đấu quyền, các VĐV trình diễn 6 bài quy định cho cá nhân nam, nữ chia thành 3 nhóm quyền tay không và binh khí gồm: Lão hổ thượng sơn và Độc lư thương, Hùng kê quyền và Bát quái côn, Ngọc trản quyền và Roi Thái sơn. Các VĐV đạt thành tích cao tại giải lần này sẽ được tuyển chọn bổ sung cho đội ngũ VĐV tỉnh nhà để tham gia thi đấu ở môn Võ Cổ truyền Đại hội TDTT Đồng bằng sông Cửu Long lần VI năm 2015 tại An Giang.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, đây là một giải đấu mang tính đột phá, tạo điều kiện cho các tay đấm Võ Cổ truyền cọ xát để nâng cao trình độ chuyên môn, hướng tới thi đấu chuyên nghiệp. Giải đấu sẽ góp phần thúc đẩy phong trào tập luyện và thi đấu Võ Cổ truyền trong tỉnh bằng cách tạo ra một sân chơi bổ ích cho các võ sĩ có cơ hội thi đấu nhiều hơn để nâng cao bản lĩnh và kỹ thuật.

* Phóng viên (PV): Ông có nhận xét gì về chất lượng của VĐV tham dự giải năm nay?

* Ths. Lê Bá Tùng: Như các môn võ khác của cả nước, các võ sĩ môn Võ Cổ truyền Việt Nam chỉ được thi đấu ở 1 trong 2 giải chính thức hàng năm, đó là giải Vô địch toàn quốc và giải Trẻ toàn quốc, nên thiếu môi trường cọ xát đỉnh cao để hoàn thiện về kỹ thuật thi đấu.

Thế nên, việc tổ chức Giải Vô địch Võ Cổ truyền tỉnh không chỉ là cơ hội để các võ sĩ tỉnh nhà cọ xát, mà còn là nơi để khích lệ tinh thần dân tộc, tinh thần thượng võ và khơi gợi lòng yêu nước của quần chúng nhân dân.

Do điều lệ giải năm nay quy định không cho đối tượng là VĐV đội tuyển, trẻ của tỉnh ở các môn võ khác đăng ký tham dự nên chất lượng chuyên môn của VĐV tham gia giải thấp hơn năm vừa qua. Tuy nhiên, đây lại là điều kiện thuận lợi lớn để thúc đẩy phong trào tập luyện võ cổ truyền ở các địa phương trong tỉnh phát triển; đồng thời qua đó góp phần phát hiện năng khiếu để bổ sung cho lực lượng VĐV năng khiếu của tỉnh.

Bên cạnh đó, số lượng VĐV tham dự giải năm nay tăng thêm so với giải năm vừa qua, cho thấy phong trào tập luyện võ cổ truyền đã và đang phát triển rộng khắp với số lượng người tham gia đông đảo. Một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã duy trì và phát triển mạnh môn Võ Cổ truyền và có nhiều VĐV tham dự giải như: TX. Gò Công, huyện Gò Công Tây, Chợ Gạo, Châu Thành, TP. Mỹ Tho…

VĐV thi đấu ở Giải vô địch Võ Cổ truyền tỉnh năm 2015.			                                                                Ảnh: Tuấn Lâm
VĐV thi đấu ở Giải vô địch Võ Cổ truyền tỉnh năm 2015. Ảnh: Tuấn Lâm

* PV: Theo những người yêu thích, Giải Vô địch Võ Cổ truyền là tín hiệu vui cho việc khôi phục và phát triển môn Võ Cổ truyền. Ông có chia sẻ gì về sự hy vọng này?

* Ths. Lê Bá Tùng: Thuận lợi lớn nhất là tỉnh nhà có hệ phái Võ Gò Công, một trong những tinh hoa võ thuật của dân tộc. Ngoài ra, phong trào tập luyện võ thuật nói chung và võ cổ truyền nói riêng trên địa bàn tỉnh là một phong trào hoạt động rộng khắp với số lượng người tham gia đông đảo.

Thời gian qua, Liên đoàn Võ thuật tỉnh cùng Hội Võ Cổ truyền tỉnh đã có những đóng góp tích cực trong việc duy trì, thúc đẩy môn Võ Cổ truyền phát triển. Qua đó, các địa phương đã phát hiện, đóng góp vận động viên (VĐV) có năng khiếu, tiềm năng võ thuật cho Đội tuyển Trẻ tỉnh và đã đạt được nhiều thành tích cao tại các giải thi đấu trong nước, khu vực và quốc tế.

Tuy nhiên, việc khôi phục, phát triển Võ Cổ truyền còn gặp không ít khó khăn vì mức đầu tư cho lĩnh vực này còn quá khiêm tốn; hoạt động võ cổ truyền thời gian qua thiếu nhà tài trợ nên ảnh hưởng đến việc tổ chức, duy trì các giải đấu nhằm thu hút và thúc đẩy phong trào tập luyện võ cổ truyền ở các địa phương…

Tín hiệu vui là môn Võ Cổ truyền cũng đã được đưa vào danh sách Đề án phát triển thể thao thành tích cao, mặc dù ở thứ hạng sau các môn khác. Hơn nữa, trong chương trình trọng điểm phát triển TDTT của tỉnh cũng có phân bổ chỉ tiêu cho bộ môn Võ Cổ truyền. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi và là nền tảng cho việc khôi phục và phát triển bộ môn Võ Cổ truyền.

Thời gian qua, Trung tâm TDTT tỉnh đã tăng cường, đẩy mạnh công tác huấn luyện, đào tạo VĐV ở các môn trọng điểm như Quyền anh, Boxing về cơ sở; đồng thời qua đó lồng ghép vào bộ môn Võ Cổ truyền. Trung tâm sẽ lựa chọn những VĐV xuất sắc, có kinh nghiệm thi đấu và lập thành tích tốt trong các giải đấu để đưa về địa phương làm HLV nhằm đẩy mạnh công tác huấn luyện, tuyển chọn VĐV phát triển bài bản, có hệ thống.

* PV: Xin cảm ơn ông!

HOÀNG AN (thực hiện)

.
.
.