Chủ Nhật, 18/06/2017, 10:40 (GMT+7)
.

Khi "phái yếu" lại mê nghiệp võ

Trong thời gian qua, các môn võ thuật là thế mạnh của thể thao Tiền Giang tại các giải đấu với nhiều huy chương đóng góp vào thành công chung của thể thao tỉnh nhà. Để đạt được những thành tích đó, vận động viên (VĐV) các đội võ thuật tỉnh (ĐVTT) đã nỗ lực tập luyện, trong đó có các VĐV nữ với nhiều khó khăn, gian khổ hơn so với nam.

So với các VĐV nam, trong tập luyện và thi đấu võ thuật các VĐV nữ gặp phải nhiều khó khăn hơn.
So với các VĐV nam, trong tập luyện và thi đấu võ thuật các VĐV nữ gặp phải nhiều khó khăn hơn.

Khó và khổ luyện

Võ thuật là môn thể thao thi đấu đối kháng trực tiếp giữa các VĐV, với tính quyết liệt và căng thẳng hơn hẳn các môn thể thao khác. Ở mỗi trận đấu, các VĐV võ thuật thường phải chịu nhiều đòn đánh của đối phương nên dễ bị chấn thương. Để có thể thi đấu tốt, các VĐV phải trải qua quá trình luyện tập chăm chỉ, gian khổ để có thể giữ phong độ ổn định.

Theo thống kê của Trung tâm Huấn luyện - Thi đấu (HL-TĐ) thể dục - thể thao  (TDTT) tỉnh, trung tâm có 4 đội võ thuật được đầu tư, thi đấu đỉnh cao gồm: Teakwondo, Pencak Silat, Vovinam, Boxing với tổng cộng 65 VĐV, trong đó có đến 32 VĐV nữ tham gia tập luyện tại các ĐVTT.

Đa phần các VĐV nữ đến với các môn võ rất sớm từ các lớp dạy võ phong trào địa phương hoặc được tuyển chọn bồi dưỡng tại các ĐVTT từ lúc nhỏ. VĐV trẻ Phạm Như Ngọc, (VĐV Đội Teakwondo tỉnh), chia sẻ: “Em bắt đầu học võ từ năm lớp 5, tại một lớp võ Teakwondo tổ chức ở gần nhà. Đến năm 12 tuổi, em được các thầy tuyển chọn về tập luyện ở Đội Teakwondo tỉnh, tính đến nay đã 6 năm. Lúc đầu, em học võ với mục đích rèn luyện sức khởe và phòng thân, nhưng sau thời gian tập luyện, em bắt đầu đam mê với môn thể thao đòi hỏi sức mạnh và khả năng chịu đòn mà nhiều người vẫn cho là không thích hợp với nữ”.

Với đặc thù đối kháng, các môn võ đòi hỏi các VĐV phải tập luyện thể lực, sức chịu đựng, sự dẻo dai một cách gian khổ để có thể đạt thành tích tốt nhất khi thi đấu với nhiều vết đau, sưng, bầm. VĐV Trần Thanh Thảo Nhi (Đội Vovinam tỉnh) cho biết: “Tôi tập luyện tại Đội Vovinam tỉnh từ lúc 14 tuổi. Lúc mới về tập trung cùng đội, được huấn luyện viên (HLV) cho tập với giáo án tập luyện và thi đấu cường độ cao, tôi đã bị đau, sưng tấy ở nhiều nơi, tưởng chừng đã bỏ cuộc. Nhưng được sự động viên của các thầy, cô HLV tôi đã vượt lên các cơn đau, vững bước thực hiện đam mê của mình, tiếp tục thi đấu suốt 8 năm qua”.

Bà Bùi Thị Cẩm Bình (HLV Đội Vovinam tỉnh) cho biết: “Từng là VĐV thi đấu đỉnh cao Vovinam nên tôi thấu hiểu được những khó khăn của những nữ VĐV khi tập luyện môn võ này. Vovinam có nhiều đòn đánh dễ gây chấn thương, nguy hiểm cho nữ VĐV trong tập luyện và thi đấu như: Các đòn đánh thẳng vào mặt, các đòn đá chân trên không, đòn kẹp dưới gối… Một khó khăn nữa là theo luật thi đấu, tại các giải đấu, các trận đấu Vovinam được tổ chức cuốn chiếu với nhiều trận đấu liên tiếp làm cho các nữ VĐV dễ bị kiệt sức, dẫn đến nguy hiểm trong lúc thi đấu”.

Đến với nghiệp võ, các nữ VĐV cũng chấp nhận đánh đổi nét duyên dáng của mình khi tay chân dần thô, cứng sau thời gian dài thi đấu. VĐV trẻ Mai Nguyễn Kim Hương (Đội Boxing tỉnh) chia sẻ: “Lúc chọn theo đuổi đam mê võ thuật có nhiều người nói với em  rằng con gái không nên học võ, người sẽ thô kệch, cơ bắp lắm, mất duyên… nhưng em không quan tâm, xem đó chỉ là chuyện nhỏ. Theo em, tập võ chưa chắc đã làm cho mình xấu, vì có rất nhiều diễn viên, người mẫu là VĐV đó thôi”.

Ông Lê Bá Tùng, Trưởng Phòng Huấn luyện , Trung tâm HL-TĐ TDTT tỉnh cho biết: “Hiện tại, các đội võ của tỉnh đều tập luyện với giáo án 2 buổi mỗi ngày (cả ngày thứ bảy, chủ nhật) với cường độ cao nhằm giúp các VĐV đạt phong độ tốt nhất khi tham gia các giải đấu. Do vậy, các VĐV nữ có nhiều khó khăn hơn so với các VĐV nam, đặc biệt là đặc điểm về sinh lý nữ gây ảnh hưởng đến quá trình tập luyện và thi đấu. Tuy nhiên, với lòng đam mê võ thuật, các em đã nỗ lực nén các cơn đau do chấn thương, đánh đổi vẻ đẹp của mình để hăng say tập luyện không kém gì các VĐV nam”.

Và những thành tích nổi bật

Với niềm đam mê, thời gian qua, các VĐV nữ của các ĐVTT đã nỗ lực vượt qua những khó khăn, thi đấu tốt tại các giải đấu cấp khu vực và toàn quốc, với những gương mặt tiêu biểu như: Teakwondo: VĐV Phạm Như Ngọc: Huy chương Vàng (HCV) tại Hội khỏe Phù Đổng và Hội thao Học sinh toàn quốc năm 2012, HCV Giải Vô địch toàn quốc năm 2016… Vovinam: VĐV Trần Thanh Thảo Nhi: Vô địch Quốc gia năm 2016, HCV tại Đại hội TDTT ĐBSCL 3 lần liên tiếp vào các năm 2013, 2015, 2017; VĐV Trần Thị Quỳnh Như Vô địch Quốc gia năm 2015, 2016, HCV Giải Vô địch các đội mạnh các năm 2014, 2016… Boxing: VĐV Trần Thị Oanh Nhi: Vô địch Quốc gia các năm 2015, 2016, HCV Giải Cúp các CLB Kick Boxing 2017… Pencak Sillat: VĐV Cao Thị Mỹ Xuyên: HCV Giải Vô địch trẻ toàn quốc năm 2016, Vô địch toàn quốc năm 2017... Vẫn còn rất nhiều VĐV nữ khác mà phạm vi bài báo này không thể kể hết được, đã góp phần vào thành công của võ thuật nói riêng và thể thao của tỉnh nói chung tại các giải đấu cấp khu vực và toàn quốc trong thời gian qua.

Ông Lê Bá Tùng cho biết:“Nhìn chung, tại các giải thi đấu thể thao cấp khu vực và toàn quốc, các VĐV nữ đều thi đấu rất tích cực và có phần nhỉnh hơn các VĐV nam về thành tích. Cụ thể, tại Đại hội TDTT ĐBSCL lần thứ VII vừa qua, các VĐV nữ đã đoạt 2/3 trong tổng số 112 huy chương mà các môn võ đạt được. Thời gian qua, Ban Giám đốc yêu cầu HLV các đội võ cần tập trung đầu tư, huấn luyện các VĐV nữ để có thể đạt nhiều thành tích hơn ở cấp khu vực, quốc gia và quốc tế”.

Ông Trần Phát Tài, Giám đốc Trung tâm HL-TĐ TDTT tỉnh cho biết: “Để kịp động viên, đồng hành cùng các VĐV nữ, BGĐ Trung tâm phối hợp với Đoàn Thanh niên, Công đoàn, Phòng Huấn luyện thường xuyên theo dõi, hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe cho các VĐV nữ. Bên cạnh đó, Trung tâm còn tổ chức tặng quà, thăm hỏi các VĐV nữ nhân các ngày lễ như: 8-3, 27-3, 20-10”.

PHAN THẮNG

.
.
.