Thứ Bảy, 01/07/2017, 08:36 (GMT+7)
.

Võ Gò Công, mất dần thế thượng phong

Gò Công là cái nôi của Võ cổ truyền tỉnh với hệ phái Võ Gò Công nổi tiếng một thời. Nhưng thời gian gần đây, vì nhiều lý do mà hệ phái võ nổi tiếng này không còn giữ được vị thế của mình tại các giải đấu.

Những năm gần đây, tại các giải đấu, thành tích của Võ Gò Công có dấu hiệu khựng lại do gặp nhiều khó khăn.
Những năm gần đây, tại các giải đấu, thành tích của Võ Gò Công có dấu hiệu khựng lại do gặp nhiều khó khăn.

Một thời vang bóng

Theo các tài liệu, Võ Gò Công phát nguồn từ lực lượng kháng chiến chống Pháp của Anh hùng dân tộc Trương Định. Từ đây, Võ Gò Công ra đời và phát triển với những thế đánh độc đáo cùng những võ sư nổi tiếng.

TX. Gò Công được xem là cái nôi của Võ cổ truyền với Võ đường Gò Công do Võ sư Triệu Tử Long (tên thật Phạm Văn Chí) sư tổ của hệ phái võ Triệu Tử Long (tên gọi khác của Võ Gò Công) sáng lập. Võ đường Gò Công đã đào tạo nhiều võ sư nổi tiếng như: Hồng Long, Sơn Long, Hồng Yên, Hồng Cầm, Trần Bình Long, Hắc Long, Ngọc Long, Huỳnh Long…

Sau khi Võ sư Triệu Tử Long mất vào năm 1972, Võ đường Gò Công được con của ông là Võ sư Hồng Long (tên thật Phạm Văn Thời) tiếp quản và tiếp tục truyền dạy võ nghệ cho đến thập niên 90 của thế kỷ XX với tên mới là Võ đường Hồng Long.

Đồng thời, trong khoảng thời gian sau giải phóng, các võ sư thế hệ đầu tiên của Võ đường Gò Công đã mở nhiều võ đường trong tỉnh, có nhiều võ sĩ tham gia thi đấu mang lại nhiều thành tích nổi bật, khẳng định vị thế của Võ Gò Công tại các võ đài trong và ngoài tỉnh.

Ông Trần Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao (VH-TT) TX. Gò Công cho biết: “Thời kỳ “hoàng kim” của Võ Gò Công là vào khoảng những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước đến đầu những năm 2000. Thời gian này, các võ sĩ trưởng thành từ các võ đường của hệ phái Võ Gò Công đã thi đấu vượt bậc với vị thế độc tôn tại các giải đấu như Đại hội Thể dục - Thể thao (TDTT) tỉnh, giải Vô địch Võ cổ truyền tỉnh,… nổi bật nhất là thành tích đoạt 9/10 Huy chương Vàng ở nội dung đối kháng môn Võ cổ truyền tại Đại hội TDTT tỉnh lần thứ IV, với các võ sĩ như: Hồng Nhật, Hồng Dũng, Hồng Minh, Hồng Phong, Hồng Đức… Đây cũng là nòng cốt của Đội Võ cổ truyền tỉnh giành nhiều thành tích cao ở các giải đấu cấp khu vực và toàn quốc”.

Gặp nhiều khó khăn

Trong khoảng 4 năm trở lại đây, Võ Gò Công có dấu hiệu khựng lại ở mặt thành tích. Ở các giải thi đấu gần đây, Võ Gò Công không còn giữ vị thế độc tôn như trước. Như ở giải Vô địch Võ cổ truyền tỉnh vừa qua, Đội Võ cổ truyền TX. Gò Công chỉ xếp ở vị trí thứ Tư toàn đoàn.

Ông Trần Ngọc Hùng cho biết: “Do hiện tại vận động viên (VĐV) Võ cổ truyền của thị xã đang trong giai đoạn chuyển giao, các VĐV đa số còn trẻ, ít kinh nghiệm nên khi thi đấu ở các giải đấu thường đạt thành tích không cao. Bên cạnh đó, do các VĐV còn thuộc lứa tuổi học sinh, tập trung nhiều cho việc học văn hóa nên thời gian tập luyện ít, ảnh hưởng đến thi đấu. Một khó khăn nữa ảnh hưởng đến thành tích của các VĐV là thiếu nhà tập luyện, các VĐV phải tập luyện ngoài trời chịu ảnh hưởng của thời tiết”.
Ngoài ra, một nguyên nhân khác ảnh hưởng đến thành tích của Võ Gò Công tại các giải đấu là công tác tạo nguồn và đào tạo VĐV thời gian gần đây gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng bởi nhiều nguyên nhân khách quan. Nếu như vào thời kỳ thịnh hành, TX. Gò Công có nhiều lớp dạy Võ cổ truyền với hàng trăm võ sinh đăng ký tham gia, thì hiện tại thị xã chỉ còn 3 lớp dạy Võ cổ truyền tại Trung tâm VH-TT TX. Gò Công, Trường Trung cấp nghề khu vực Gò Công và 1 lớp tại nhà riêng của Võ sư Nguyễn Phi Hổ với hơn 100 võ sinh tập luyện mỗi đêm.

Võ sư Lê Trần Phong (Hồng Phong), Chủ nhiệm lớp Võ cổ truyền tại Trung tâm VH-TT TX. Gò Công cho biết: “Do bây giờ tuổi trẻ có nhiều hoạt động giải trí như Game Online, Internet, TV… nên ít mặn mà với việc tập luyện võ thuật. Ngoài ra, các võ sinh và phụ huynh thường chọn các môn võ có cường độ tập luyện nhẹ hơn như Teakwondo, Vovinam… hoặc muốn học võ chỉ để rèn luyện sức khỏe chứ không muốn thi đấu nên công tác tạo nguồn VĐV thành tích cao của Võ cổ truyền thị xã rất khó khăn”.
Để phát triển môn Võ cổ truyền của địa phương trong thời gian tới, Trung tâm VH-TT TX. Gò Công đã thực hiện nhiều giải pháp.

Ông Trần Ngọc Hùng cho biết: “Hiện tại, Trung tâm VH-TT TX. Gò Công đã ký kết thực hiện đào tạo nguồn VĐV tuyến ba với Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh, mở ra nhiều điều kiện thuận lợi cho công tác huấn luyện VĐV. Đồng thời, UBND TX. Gò Công đã có quy hoạch xây dựng khu phức hợp gồm nhà thi đấu, nhà tập và sân vận động sẽ được thực hiện trong thời gian tới. Đồng thời, Trung tâm VH-TT sẽ tổ chức các hoạt động để quảng bá sâu rộng về hệ phái Võ Gò Công đến người dân địa phương”.

PHAN THẮNG

.
.
.