Thứ Sáu, 25/05/2018, 14:52 (GMT+7)
.

Bóng đá Việt Nam và món "đặc sản" ngán ngẩm

Những năm qua, người hâm mộ bóng đá Việt Nam đã khá ngán ngẩm với bạo lực, sai lầm của trọng tài… ở các sân cỏ Việt. Cú hích từ sự thành công của U23 Việt Nam tại đấu trường châu Á vẫn chưa đủ để bóng đá Việt Nam thay đổi.

Pha vào bóng nguy hiểm của Đinh Tiến Thành trong trận đấu giữa FLC Thanh Hóa và  Becamex Bình Dương.                                                                                                                                                  Ảnh: VTV.VN
Pha vào bóng nguy hiểm của Đinh Tiến Thành trong trận đấu giữa FLC Thanh Hóa và Becamex Bình Dương. Ảnh: VTV.VN

Trông người...

Hãy cùng nhìn vào các giải bóng đá hàng đầu châu Âu, nơi thu hút sự quan tâm của hàng triệu người hâm mộ bóng đá trên toàn thế giới, trong đó có đông đảo khán giả Việt Nam.

Vậy từ đâu mà các giải bóng đá đó có sức hút đến thế? Chúng ta có thể dễ dàng thấy rằng, ngoài việc có sự tham gia của nhiều ngôi sao hàng đầu thế giới với chất lượng chuyên môn cao thì mỗi giải đấu đều có những “đặc sản” để tạo nên sức hấp dẫn riêng.

Cụ thể, dù cuộc đua đến chức vô địch của Giải Ngoại hạng Anh 2017 - 2018 đã sớm ngã ngũ khi Manchester City lên ngôi trước nhiều vòng đấu, nhưng giải đấu này vẫn giữ được tính cạnh tranh thuộc hàng “hấp dẫn nhất hành tinh” khi cuộc đua cho các vị trí trong tốp 4 và trụ hạng vẫn diễn ra rất hấp dẫn đến cuối giải.

Hay La Liga (Giải Vô địch quốc gia Tây Ban Nha) thu hút người hâm mộ bằng món “đặc sản” thượng hạng “El Clasico”, nơi có cuộc so tài của 2 cầu thủ xuất sắc nhất hiện nay là L. Messi và
C. Ronaldo.

Ngẩm đến ta.

Vậy bóng đá Việt Nam có “đặc sản” gì không? Câu trả lời là có, bóng đá Việt Nam cũng có món “đặc sản” của riêng mình, nhưng món đặc sản ấy không mang lại sự hấp dẫn, mà là sự ngán ngẩm nơi người hâm mộ với bạo lực sân cỏ, sai sót của trọng tài…

Những tưởng thành công của Đội tuyển U23 Việt Nam tại đấu trường châu Á sẽ tạo động lực để bóng đá Việt Nam trở nên chuyên nghiệp, hấp dẫn hơn, nhưng chỉ sau vài vòng đấu đầu tiên, V-League lại quay về với “guồng quay” ngán ngẩm của mình.

Việc các cầu thủ thi đấu với nhiều pha bóng bạo lực trên sân cỏ đã trở thành vấn đề đáng quan tâm những năm gần đây của bóng đá Việt Nam. V-League 2018 cũng không phải là ngoại lệ, khi có rất nhiều pha bóng bạo lực dẫn đến chấn thương cho các cầu thủ như: Ở hiệp 2 của trận đấu giữa BVN Sanna Khánh Hòa và Than Quảng Ninh, tiền vệ Hải Huy (BVN Khánh Hòa) đã có pha bóng cao chân khiến Trùm Tỉnh (Quảng Ninh) phải nhập viện với chiếc xương sườn số 7 bị gãy và giập một phần phổi.

Còn ở trận đấu giữa Becamex Bình Dương và FLC Thanh Hóa, Đinh Tiến Thành (FLC Thanh Hóa) đã cho đối thủ lĩnh trọn gầm giày vào mặt. Cầu thủ Duy Mạnh (Câu lạc bộ Hà Nội, trụ cột của U23 Việt Nam) cũng trở thành nạn nhân sau pha vào bóng rất nguy hiểm của Tăng Tiến (Hoàng Anh Gia Lai)…

Xử lý chưa nghiêm

Có thể nói, một phần nguyên nhân dẫn đến việc bạo lực có dấu hiệu quay lại trên các sân cỏ của Việt Nam đến từ công tác trọng tài. Từ đầu mùa giải, công tác trọng tài đã có rất nhiều vấn đề, khi các trọng tài chính vẫn còn khá nhẹ tay với các tình huống bạo lực.

Sau 8 vòng đấu, các trọng tài ở V-League đã rút ra 200 thẻ vàng và 5 thẻ đỏ. Số thẻ phạt ấy còn có thể cao hơn nhiều nếu các trọng tài này “chắc tay”, vì có nhiều pha bóng thô bạo chỉ bị nhắc nhở hoặc phạt thẻ vàng dù xứng đáng phải nhận thẻ đỏ.

Ngoài ra, các trọng tài còn có nhiều quyết định gây tranh cãi như quyết định từ chối quả penalty cho Cần Thơ (trận đấu với Câu lạc bộ Hà Nội) của trọng tài Nguyễn Trọng Thư ngay vòng mở màn V-League.

Hay tình huống quyết định sai lầm của trọng tài Nguyễn Văn Kiên ở vòng 7 V-League khi cho BVN Sanna Khánh Hòa hưởng quả penalty, qua đó san bằng tỷ số 1-1 với Hoàng Anh Gia Lai sau tình huống tiền đạo Zarour của câu lạc bộ này tự bật nhảy rồi té ngã trong vòng cấm ở những phút cuối trận.

Trước nạn bạo lực và những sai sót của trọng tài, các đội bóng và VFF đã có những biện pháp xử lý quyết liệt. Cụ thể, Hoàng Anh Gia Lai quyết định phạt Tăng Tiến 25 triệu đồng và cấm thi đấu 5 trận; VFF đã quyết định không tiếp tục mời các trọng tài Nguyễn Văn Kiên, Nguyễn Trọng Thư và giám sát Dương Văn Hiền tham gia điều khiển những trận đấu còn lại của V-League 2018, sau cuộc họp ngày 7-5.

Nội bộ "lùm xùm"

Bên cạnh những rối ren trên sân cỏ, nội bộ của những người điều hành và làm bóng đá của Việt Nam cũng “lùm xùm” không kém từ việc Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai không được ứng cử chức danh Phó Chủ tịch VFF với lý do không đạt trình độ Đại học đến việc rò rỉ đoạn ghi âm cãi vã, văng tục của Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF Trần Mạnh Hùng với Phó ban Trọng tài Dương Văn Hiền trong cuộc họp giữa VPF với VFF vừa qua.

Tất cả đã tựu trung lại tạo nên một món “đặc sản” đến mức ngán ngẩm của bóng đá Việt Nam. Thứ “đặc sản” ấy sẽ bào mòn niềm tin nơi người hâm mộ và kéo lùi sự tiến bộ của bóng đá Việt Nam trong thời gian tới, nếu không sớm có những giải pháp giải quyết triệt để.

Những người làm và điều hành bóng đá của Việt Nam nên gác lại những bất đồng để có thể cùng nhau bàn bạc, đưa ra những giải pháp để đưa bóng đá Việt Nam tiến đến những mục tiêu xa hơn, mà trước mắt là các giải đấu quan trọng: ASIAD 2018, AFF 2018, Giải Vô địch Châu Á 2019…

CAO THẮNG

.
.
Liên kết hữu ích
.